Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần lao dốc mạnh nhất do lo ngại chiến tranh thương mại

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗi lo lớn nhất phủ bóng lên Phố Wall tuần này là nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các chỉ số chính có tuần giao dịch thảm hại nhất kể từ tháng 1/2016.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch 23/3 khiến chỉ số Dow Jones mất hơn 1.000 điểm trong vòng 2 ngày. Nỗi lo lớn nhất phủ bóng lên thị trường Phố Wall tuần này là nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu và chuyển vốn sang các tài sản an toàn.
 Tuần này, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất hơn 2 năm.
Trong một phiên giao dịch đầy biến động, S&P 500 đã xuống gần sát mức trung bình động 200 ngày, một mức kỹ thuật quan trọng. Chỉ số này cũng xuống gần mức thấp nhất kể từ tháng 2 và sụt 9,9% so với mức kỷ lục đã xác lập vào ngày 26/1/2018.
Kế hoạch áp đặt thuế lên tới 60 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump đã làm cho 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến gần đến một cuộc chiến thương mại. Đáp trả động thái của  Washington, Bắc Kinh đã tuyên bố kế hoạch đánh thuế lên tới 3 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu Mỹ bao gồm trái cây và rượu vang.
"Thị trường gia tăng lo ngại nếu chiến tranh thương mại xảy ra thì không biết mọi chuyện sẽ thế nào. Các nhà đầu tư muốn kiểm soát mức độ rủi ro đối với tài sản của họ. Nếu căng thẳng leo thang nhanh chóng, đó sẽ là một bất lợi lớn đối với thị trường", Peter Kenny, chiến lược gia thị trường cấp cao của Global Markets Advisory Group nhận định.
Hãng tin Bloomberg trích lời Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ rằng Bắc Kinh đang xem xét tất cả lựa chọn để đáp trả động thái áp thuế quan của Mỹ, trong đó bao gồm việc thu hồi lại các gói thu mua trái phiếu Mỹ.
Bên cạnh đó, chỉ số Dow Jones cũng đã lao dốc 11,6% kể từ các mức kỷ lục đã xác lập vào ngày 26/1/2018, và ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ khi xác nhận đang bước vào giai đoạn điều chỉnh hồi tháng 2/2018.
Trong phiên 23/3, chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE, thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, cộng 1,53 điểm lên 24,87, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 13/2.
Lĩnh vực tài chính mất 3% và là lĩnh vực giảm mạnh nhất về phương diện phần trăm thuộc chỉ số S&P 500, sau khi lợi suất trái phiếu Chính phủ biến động mạnh.
Đối với chỉ số Nasdaq, dẫn đầu sự giảm điểm trong phiên này là cổ phiếu các "đại gia" công nghệ Facebook, Amazon, Microsoft và Alphabet - công ty mẹ của Google. Đặc biệt riêng cổ phiếu Facebook giảm 13,9% với giá trị vốn hóa khoảng 68 tỷ USD trong tuần qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/3, chỉ số Dow Jones mất 424,69 điểm (tương đương 1,77%) xuống 23.533.2 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 55,43 điểm (tương đương 2,1%) còn 2.588.26 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 174,01 điểm (tương đương 2,43%) xuống 6.992.67 điểm.
Tuần qua, Dow Jones giảm 5,67%, S&P sụt 6% và Nasdaq lao dốc 6,54%, đánh dấu tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt 924,22 điểm (tương ứng 2,97%) trong ngày 23/3..
Cùng với đà lao dốc trên Phố Wall, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng lao dốc trong tuần qua với chỉ số DAX của Đức mất 1,8%; chỉ số CAC-40 tại Pháp sụt 1,4% và chỉ số FTSE 100 tại thị trường Anh hạ 0,4%.
Tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán cũng giảm mạnh trong 23/3, trong đó Nikkei 225 rớt hơn 1.000 điểm, xuống mức thấp nhất trong 5 tháng. Tính chung trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 4,5%. Chỉ số Topix mất 3,37% giữa lúc làn sóng bán tháo ngày càng mạnh hơn.
Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc sụt 76,05 điểm (tương ứng 3,05%), khi sắc đỏ bao trùm thị trường.
Ở Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite mất 110,48 điểm (tương ứng 3,39%), còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt 924,22 điểm (tương ứng 2,97%).
Ngoài ra, chỉ số ASX 200 của Australia mất 116,5 điểm (khoảng 1,96%), với lĩnh vực giảm mạnh nhất là nguyên vật liệu.