Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh do lo ngại FED tăng lãi suất quá nhanh

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các chỉ số trên sàn Phố Wall giảm mạnh trong ngày 17/12 giữa lúc thị trường lo ngại nền kinh tế và thị trường không thể gánh chịu nổi những đợt nâng lãi suất từ FED.

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt sụt giảm trên 2% trong phiên giao dịch này, trong đó S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất trong 14 tháng, do những lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế toàn cầu cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp bắt đầu vào ngày 18/12.
Tất cả 30 cổ phiếu thành phần của Dow Jones và 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch.
 Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 17/12.
FED được cho là sẽ nâng lãi suất thêm lần thứ 4 và cũng là lần cuối cùng trong năm 2018 vào ngày 19/12.
Nỗi lo về đà tăng của lãi suất quá nhanh của FED đã khiến thị trường rung lắc trong suốt năm 2018, và những nỗi lo ấy chạm mức cao nhất trong tháng vừa qua khi kỳ vọng lạm phát và tăng trưởng suy giảm.
Ngày 17/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chỉ trích dữ dội FED vì “cân nhắc”nâng thêm một đợt nâng lãi suất vài ngày trước khi cuộc họp cuối cùng của năm 2018 diễn ra.
Thị trường chứng khoán Mỹ chịu áp lực giảm mạnh trong phiên này do những quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế đã tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Việc S&P xuống đáy kể từ tháng 10/2017 đồng nghĩa chỉ số này xuyên thủng những mức đáy đã thiết lập trước đó trong đợt bán tháo hồi tháng 2. Tính từ cuối tháng 9 đến hết phiên này, S&P đã "bốc hơi" khoảng 3,4 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa.
Trong khi đó, chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu nhỏ rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), giảm hơn 20% so với mức đỉnh đóng cửa hôm 31/8.
Cảnh báo của hãng bán lẻ Anh ASOS về lợi nhuận suy giảm đã làm dấy lên lo ngại của giới đầu tư về sức tiêu dùng yếu đi ở Mỹ.
Bên cạnh đó, chỉ số thị trường bất động sản từ Hiệp hội Quốc gia các nhà xây dựng Mỹ cho thấy niềm tin của các công ty phát triển địa ốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3,5  năm.
Vào cuối phiên sáng, có lúc S&P hồi lại toàn bộ số điểm đã mất trước đó, nhưng sắc đỏ nhanh chóng trở lại và chỉ số thậm chí còn giảm sâu hơn nữa khi ông Jeffrey Gundlach, Giám đốc điều hành (CEO) của DoubleLine Capital, nói rằng chứng khoán Mỹ đang ở trong một "thị trường gấu" (bear market).
Gần 2.000 cổ phiếu trên hai sàn NYSE và Nasdaq chạm đáy 52 tuần, mức cao nhất trong vòng gần 3 năm. Chỉ có 40 cổ phiếu đạt mức cao mới.
Nỗi lo về niềm tin tiêu dùng đẩy nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu thuộc S&P sụt 2,8%. Trong đó, cổ phiếu hãng bán lẻ trực tuyến Amazon.com mất 4,5%, trở thành nguồn áp lực giảm điểm lớn nhất lên hai chỉ số S&P và Nasdaq. 
Giới đầu tư nói rằng sự bất an của thị trường có khả năng sẽ duy trì trong thời gian Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của FED tiến hành họp bàn về lãi suất.
Ông Ryan Detrick, chiến lược gia thị trường cấp cao của LPL Financial, nhận định: “Nếu FED phát tín hiệu giãn tiến độ tăng lãi suất trong năm 2019 thì thị trường có thể bình tĩnh trở lại, nhưng những dự định của ngân hàng trung ương này vẫn còn chưa rõ ràng”.
"Tất cả chúng tôi đều nín thở chờ quyết định từ FED", ông Detrick nói. "Nếu FED hãm phanh việc nâng lãi suất năm tới, thì một sự bấp bênh sẽ được xóa bỏ".
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 2,11%, còn 23.592,98 điểm. S&P sụt 2,08%, còn 2.545,53 điểm. Nasdaq giảm 2,27%, còn 6.753,73 điểm.
Chỉ số VIX đo lường sự biến động của S&P tăng 2,89 điểm, đóng cửa ở mức 24,52 điểm, mức cao nhất trong 7 tuần.
Cổ phiếu Goldman Sachs sụt 2,8% sau khi Malaysia công bố các cáo buộc hình sự nhằm vào ngân hàng này trong vụ bê bối tham nhũng và rửa tiền 1MDB. Trong số các cổ phiếu thành viên của Dow Jones, Goldman Sachs hiện là cổ phiếu có mức giảm phần trăm mạnh nhất kể từ đầu năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần