Ngày 8/11, phố Wall có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp sau chiến thắng của ông Obama. Tuy nhiên, mức giảm ít nhiều giảm bớt so với phiên lao dốc trước đó. Khả năng một cuộc chiến chính trị căng thẳng quanh "vách đá tài khóa" và vấn đề cắt giảm ngân sách giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cùng tình hình ảm đạm hơn tại khu vực Eurozone đã làm nản lòng các nhà đầu tư Phố Wall và gây sức ép lên giá cổ phiếu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Chốt phiên giao dịch 8/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm thêm 121,41 điểm, tương ứng 0,94%, xuống còn 12.811,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,02 điểm, tương ứng 1,22%, xuống 1.377,51 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 41,70 điểm, tương ứng 1,42%, còn 2.895,58 điểm.
Trong đó, đáng chú ý nhất là chỉ số S&P 500 sau hai phiên lao dốc mạnh đã xuống dưới đường trung bình trong 200 ngày lần đầu tiên trong vòng 5 tháng qua. Đường trung bình này là thước đo xu hướng dài hạn của thị trường, do đó tình trạng này báo hiệu sự suy yếu của S&P 500.
Phiên trước (7/11), Dow Jones "mất đứt" 313 điểm - phiên mất điểm mạnh nhất của chỉ số này trong một năm qua, trong khi S&P mất gần 34 điểm và Nasdaq bị tước đi gần 75 điểm.
Hôm qua, nỗi lo vực thẳm ngân sách không thể giải quyết nhanh gọn tiếp tục chi phối tâm lý chung của thị trường. Giới đầu tư lo ngại, nếu quốc hội không đạt được thỏa thuận mới, thì khi kế hoạch giảm chi, tăng thu tự động đầu năm tới đi vào thực hiện, kinh tế Mỹ sẽ lại bị suy thoái.
Theo các chuyên gia phân tích, nỗi lo của thị trường đối với vấn đề giải quyết vực thẳm ngân sách chủ yếu xuất phát từ sự quan ngại về khả năng đạt được thỏa thuận của các chính trị gia trong bối cảnh vẫn tồn tại nhiều bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Sự lo lắng về vực thẳm ngân sách cũng làm xóa nhòa những tác động tích cực từ bản báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua đã giảm mạnh hơn dự báo, cũng như thông tin đáng mừng về kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức khá cao, với khoảng 6,9 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn mức trung bình hàng ngày 6,52 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ cổ phiếu giảm/ tăng ở hai sàn New York và Nasdaq là 3/1.
Trong số các cổ phiếu giảm điểm hôm qua, đáng chú ý là cổ phiếu của McDonald's giảm 2% sau khi hãng này báo cáo doanh thu toàn cầu giảm tháng đầu tiên kể từ tháng 3/2003. Cổ phiếu của Apple tiếp tục lao dốc ngày thứ 2, với mức giảm lên tới 3,6%, xuống còn có 537,75 USD.
Cùng ngày, chứng khoán châu Âu cũng chúc đầu đi xuống, cùng chiều mất giá với đồng euro trong bối cảnh Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục và "chúa chổm nợ" Hy Lạp đã thông qua gói kinh tế khắc khổ.
Đóng phiên 8/11, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của London mất 0,27% xuống 5.776,05 điểm; DAX 30 của Đức lùi 0,39% về 7.204,96 điểm và CAC 40 của Paris giảm 0,66% xuống 3.407,68 điểm.
Cũng giống như thị trường Mỹ và châu Á, các mức mất điểm phiên này của châu Âu đã giảm đi nhiều.
Lạm phát đi xuống tại Trung Quốc trong tháng 10 (chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 1,9% của tháng Chín), cùng một loạt số liệu kinh tế khác chuẩn bị được công bố vào cuối ngày của hai nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và Trung Quốc, cũng giúp thị trường bớt lao dốc.