Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới 139,61 điểm, tương ứng với mức 0,94%, xuống còn 14.659,56 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,34 điểm, tương ứng với mức 1,21%, xuống còn 1.573,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm mạnh tới 36,49 điểm, tương ứng với mức 1,09%, xuống còn 3.320,76 điểm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trong ngày, có lúc cả ba chỉ số trên giảm sâu tới 2%, nhưng đà giảm sau đó đã được rút ngắn, khi một số quan chức thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có phát biểu ám chỉ rằng cơ quan này chưa chắc đã kết thúc các chương trình nới lỏng định lượng, bao gồm kế hoạch thu mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD hàng tháng, sớm như dự tính.
Tâm lý lo ngại càng bao trùm lên thị trường toàn cầu khi gần đây, liên tiếp những số liệu kém lạc quan về kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện, mà mới nhất là báo cáo sơ bộ của ngân hàng HSBC cho hay chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong tháng 6/2013 tiếp tục giảm tháng thứ 9 liên tiếp.
Bên cạnh đó, sự hoang mang của giới đầu tư về tình hình tín dụng tại Trung Quốc cũng đang ngày càng gia tăng, giữa bối cảnh các ngân hàng thương mại Trung Quốc bắt đầu hạn chế dòng tín dụng, khi lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng tăng trong hai tuần qua và trong ngày 20/6 lên đến 13%.
Tuy nhiên, cho dù đà giảm có rút ngắn, thì S&P 500 vẫn có tới 3 phiên giảm hơn 1% trong 4 phiên giao dịch vừa qua. Tính chung 4 phiên vừa qua, chỉ số chứng khoán này đã đánh mất tổng cộng 4,8% và rớt xuống dưới cả hai đường trung bình động 100 ngày và 50 ngày. Đây là dấu hiệu cho thấy trong ngắn hạn, đà giảm điểm sẽ còn tiếp tục.