Chứng khoán Mỹ: Trải qua phiên bán tháo mạnh nhất từ tháng 10, Dow Jones “bốc hơi” hơn 500 điểm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh do nhà đầu tư đổ xô bán tháo các tài sản rủi ro, đặc biệt là những cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao.

Trong phiên giao dịch ngày 25/2, chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên bán tháo mạnh nhất kể từ tháng 10/2020, khi đà tăng đột biến của lợi suất trái phiếu đã khiến nhà đầu tư lo ngại đẩy mạnh bán tháo cổ phiếu, đặc biệt là những mã công nghệ tăng trưởng cao.
 Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh trong phiên 25/2.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones lao dốc 559,85 điểm (tương đương 1,8%) xuống 31.402,01 điểm, trượt khỏi mức cao kỷ lục. Chỉ số S&P 500 cũng mất 2,5% về mức 3.829,34 điểm, chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 27/1/2021. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 3,5%, xuống còn 13.119,43 điểm, ghi nhận phiên bán tháo mạnh nhất kể từ ngày 28/10/2020.
Cổ phiếu Alphabet, Facebook và Apple đều mất hơn 3%. Cổ phiếu Tesla cũng giảm 8,1%, còn cổ phiếu Microsoft lùi 2%.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall giảm mạnh do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vọt lên 1,6%. Lợi suất này sau đó giảm nhẹ về 1,52%, nhưng vẫn ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
"Mọi diễn biến trong phiên hôm nay đều xoay quanh lợi suất trái phiếu", Ryan Detrick - chiến lược gia thị trường tại LPL Financial lý giải. "Liệu lạm phát có tăng nhanh hơn dự kiến không? Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không lo ngại về nguy cơ này, thị trường vẫn chưa hoàn toàn yên tâm".
Sau khi tăng sốc, lợi suất trái phiếu 10 năm còn cao hơn lợi suất cổ tức của chỉ số S&P 500, có nghĩa là tuy cổ phiếu rủi ro hơn nhưng lợi nhuận chi trả lại thấp hơn trái phiếu. Tình trạng này có thể khiến cho dòng tiền chảy khỏi cổ phiếu càng thêm mạnh.
Lợi suất tăng sẽ gây thiệt hại cho ngành công nghệ, do nhóm này phụ thuộc nhiều vào dòng tiền rẻ để tăng trưởng mạnh.
Tính từ đầu tuần đến nay, chỉ số Nasdaq đã mất 5,4%, đang trên đà ghi nhận tuần giảm giá thứ hai liên tiếp. Lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin tăng mạnh nhất trong 11 nhóm thuộc S&P 500, lần lượt 5,4% và 4,5%.
Giới đầu tư hiện chuyển sang các mã sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Cổ phiếu năng lượng leo dốc mạnh với mức 6,8%, cao nhất từ đầu năm đến nay. Lĩnh vực công nghiệp và tài chính cũng chứng kiến đà khởi sắc.
Lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng mặc dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và gạt bỏ những lo ngại về lạm phát. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 23 và 24/2, Chủ tịch Powell nói rằng có thể phải mất 3 năm nữa lạm phát mới chạm đến mức mục tiêu, đồng thời khẳng định FED có công cụ để kiểm soát nếu cần thết.
Chứng khoán Mỹ giao dịch ảm đạm bất chấp số liệu kinh tế vĩ mô tích cực vừa được công bố. Số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước là 730.000, thấp hơn nhiều so với dự báo 845.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra.
Ngoài ra, đơn đặt hàng hóa lâu bền tăng 3,4% trong tháng 1, khả quan hơn dự báo 1% của Dow Jones. Các số liệu tích cực này chỉ khiến cho lợi suất trái phiếu tăng mạnh hơn.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại OANDA nhận xét:
"Thị trường sẽ tiếp tục chịu tác động từ diễn biến của lợi suất trái phiếu kho bạc. Chỉ số Nasdaq có thể chứng kiến đợt giảm mạnh, trong khi đó nhà đầu tư có xu hướng quay trở lại với các cổ phiếu thuộc lĩnh vực tiêu dùng, tài chính và tiện ích"./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần