Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán ngóng tin lãi suất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lãi suất cho vay chứng khoán vẫn ở mức từ 20% trở lên, kèm theo giá xăng dầu, điện chuẩn bị tăng… khiến thị trường chứng khoán khó khởi sắc trong những phiên giao dịch gần đây.

KTĐT - Lãi suất cho vay chứng khoán vẫn ở mức từ 20% trở lên, kèm theo giá xăng dầu, điện chuẩn bị tăng… khiến thị trường chứng khoán khó khởi sắc trong những phiên giao dịch gần đây.

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, Vn-Index giảm 3,28 điểm và mất mốc 510 điểm. Đây là lần thứ 5 chỉ số sàn TP HCM giảm điểm trong số 6 phiên giao dịch gần đây. Đi kèm với đó là khối lượng giao dịch chỉ còn khoảng 700 - 800 tỷ đồng. Trao đổi với PV, ông Nhữ Đinh Hòa – Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng, nhà đầu tư đang cân nhắc những diễn biến của kinh tế vĩ mô để ra quyết định giải ngân. Trong số đó, chỉ báo về lãi suất là nhân tố quan trọng nhất.

Ông Hoàng Xuân Quyến, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Liên Việt cho rằng, những phiên tăng điểm của Vn-Index thời gian gần đây không thực chất. Phần lớn các nhà đầu tư cả cá nhân và tổ chức đều ngóng các tin vĩ mô mà đặc biệt là lãi suất, vị lãnh đạo này phân tích. Theo ông Quyến, với mức lãi suất cho vay từ 18% một năm trở lên, doanh nghiệp khó có thể làm ăn tốt được. Kéo theo đó, nhà đầu tư khó lòng kỳ vọng một sự phục hồi ấn tượng của chứng khoán khi lãi suất còn ở mức cao.

Còn ông Nguyễn Văn Trung, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Seabank thì cho biết, với mức lãi suất cho vay chứng khoán đều từ 20% một năm trở lên, nhà đầu tư sẽ khó có thể hào hứng với việc đầu tư bằng đòn bẩy tài chính. Trong khi đó, đây là nhân tố quan trọng kích thích sự tăng điểm của thị trường.

Chuyên gia này nhận định: “Vào thời điểm hiện tại, lãi suất là nhân tố quan trọng nhất mà giới chứng khoán quan tâm. Nếu lãi suất giảm, dù chỉ chút ít thì tác động tâm lý cũng giúp thị trường tăng điểm trở lại”.

Giám đốc khối phân phân tích một công ty chứng khoán có trụ sở ở quận I, TP HCM cũng cho rằng thị trường đang chờ lãi suất hạ xuống, để dòng vốn vào chứng khoán được khơi thông. Sau vấn đề tỷ giá, đây là nút thắt lớn khiến thanh khoản thị trường bị giới hạn ở mức thấp. Ông này lý giải, với lãi suất cho vay như hiện nay, tiền vào chứng khoán rất hạn hẹp. Khi có nguồn tiền nhàn rỗi, doanh nghiệp dùng để phòng thủ cho những kế hoạch kinh doanh sắp tới, hơn là ưu tiên cho đầu tư tài chính.

Còn với nhà đầu tư cá nhân, mức lãi suất huy động 14% khá hấp dẫn. Thời gian qua, cổ phiếu tăng giảm trong biên độ hẹp, khả năng sinh lợi ít đi thì việc gửi tiền tiết kiệm trở thành sự lựa chọn ưu tiên của nhiều người.

Trưởng bộ phận phân tích một công ty chứng khoán ở TP HCM cho rằng, nhiều nhà đầu tư chờ cổ phiếu giảm thêm nữa mới giải ngân. Theo bà, giá hiện tại đã rẻ nhưng khả năng giảm vẫn còn. Nhà đầu tư nên thực hiện mua vào từng chút một ở mỗi phiên trong khi chờ đợi thông tin lạm phát, diễn biến lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất sẽ khó vì lạm phát có thể tăng cao. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán sắp tới chưa thấy gì sáng sủa.

Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Quốc tế - Phạm Linh dự báo, có thể cuối tháng 4, thị trường mới ổn định trở lại và bắt đầu đà tăng. Còn hiện tại, chứng khoán đối mặt với nhiều áp lực lớn như tăng giá điện, xăng dầu... và theo đó là nỗi lo lạm phát tăng cao. "Chứng khoán vốn nhạy cảm và có suy luận riêng của nó. Thị trường cần khoảng thời gian để có thể thích nghi với những biến đổi xuất hiện cùng lúc như hiện nay. Còn hiện tại, nhà đầu tư rất thận trọng trong giao dịch", ông Linh nhận xét.