Chứng khoán tháng 6: Sau đỉnh cao, đà tăng có chấm dứt?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 5 và những phiên đầu tháng 6, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những phiên lập kỷ lục về điểm số cũng như khối lượng giao dịch. Nhà đầu tư hân hoan với những đợt khớp lệnh giá cao. Tuy nhiên, sau đỉnh cao, thị trường đã có những phiên điều chỉnh. Vậy, chiến lược đầu tư cho tháng 6 sẽ như thế nào để “ôm lãi” trên TTCK?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phiên lập kỷ lục về khối lượng giao dịch trong tháng 5 và đầu tháng 6. Ảnh: Việt Linh
Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân đổ vào thị trường
Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát tại không ít khu công nghiệp và TP lớn, VN-Index vẫn xác lập đỉnh mới 1.300 điểm với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Ngay cả khi khối ngoại bán ròng, dòng tiền vẫn đổ mạnh hơn vào kênh chứng khoán. Giao dịch đặc biệt sôi động, giá trị giao dịch trong phiên sáng 1/6/2021 đạt hơn 23.500 tỷ đồng, khiến hệ thống HOSE quá tải, phải công bố tạm nghỉ phiên chiều. Chỉ tính riêng tuần đầu tháng 6, VN- Index tiến thêm gần 54 điểm, đạt đỉnh 1.374 điểm.

Những đánh giá lạc quan với triển vọng kinh tế cũng như TTCK Việt Nam được coi là nguyên nhân khiến chứng khoán lập đỉnh thời gian gần đây. Với mức tăng 7% trong tháng 5, VN-Index có suất sinh lời vượt trội hơn hầu hết các thị trường trên thế giới. Thị trường cũng có những phân hóa rõ nét, với 11 ngành tăng điểm và 10 ngành giảm điểm. Các cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt đà tăng của thị trường, trong khi ngành bất động sản điều chỉnh giảm sau đà tăng kéo dài 10 tháng trước đó.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, dòng tiền mạnh từ nhà đầu tư cá nhân là động lực chính dẫn dắt TTCK Việt Nam đi lên các tầm cao mới về điểm số và thanh khoản. Về luồng vốn ngoại, sức ảnh hưởng của dòng vốn nước ngoài tới một số TTCK lớn ở châu Á đang yếu đi và Việt Nam cũng không ngoại lệ khi dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân trong nước gần như đã triệt tiêu sức ảnh hưởng từ động thái bán ròng của khối ngoại. “Số lượng tài khoản cá nhân mở mới trên TTCK Việt Nam theo tháng từ tháng 6/2020 đến nay đang trong xu hướng tăng mạnh, đi kèm với đó là các kỷ lục mới về điểm số và thanh khoản liên tục thiết lập. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng lên mức cao nhất 87% vào tháng 5/2021; lũy kế từ đầu năm đến nay tỷ trọng giao dịch của khối này ở mức 83,3%, cao nhất trong những năm gần đây” - các chuyên gia SSI thông tin.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp và sản xuất tiếp tục đình trệ do Covid-19, sự hoạt động tích cực của nhà đầu tư cá nhân được các chuyên gia đánh giá sẽ tiếp tục có lợi cho kênh chứng khoán khi lượng tiền lớn đổ vào TTCK thông qua các tài khoản cá nhân để tìm kiếm lợi nhuận.

Định giá P/E hiện tại và P/E ước tính năm 2021 vào ngày 3/6/2021 của VNIndex đã tăng lên tương ứng 18,6 lần và 16,8 lần từ mức 18,1 lần và 15,1 lần ở thời điểm cuối tháng 4; trong khi đó P/E năm 2021 của SSI Coverage (các cổ phiếu trong danh sách phân tích của SSI) hiện vào khoảng 16 lần. Tăng trưởng lợi nhuận các DN niêm yết trong quý II/2021 dự kiến vẫn ở mức cao do nền so sánh thấp cùng kỳ năm ngoái sẽ tiếp tục đưa mức P/E trượt 4 quý gần nhất về mức hấp dẫn hơn. Cùng với đó, xu hướng tăng vốn ở các nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất là ngân hàng và bất động sản, bên cạnh động thái tương tự của các công ty chứng khoán giúp mở rộng dư địa cho vay ký quỹ sẽ là các chất xúc tác quan trọng giúp thị trường vượt qua các nhịp biến động ngắn hạn và tiếp tục đi lên.

Lạc quan trong thận trọng

Dự báo về thị trường tháng 6, các công ty chứng khoán giữ quan điểm lạc quan trong thận trọng. Đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, TP Hồ Chí Minh kéo dài số ngày giãn cách, hay các TP lớn khác thực hiện giãn cách nhằm phòng chống dịch, thì thị trường chứng khoán có thể điều chỉnh. “Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân tuy lớn nhưng họ không phải là nhóm người có quyền quyết định trên thị trường. Do đó, rủi ro điều chỉnh luôn hiện hữu” - đại diện Rồng Việt nói.

Còn Công ty chứng khoán VNDirect nhận định, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.280 - 1.380 điểm trong tháng 6/2021. Mốc 1.280 - 1.300 điểm sẽ là những mốc hỗ trợ mạnh cho VN-Index trong tháng này. Bên cạnh các cổ phiếu vốn hóa lớn, một số cổ phiếu vốn hóa trung bình thuộc các ngành thép, bất động sản, dịch vụ tài chính, dệt may và thủy sản sẽ thu hút dòng vốn trong tháng 6/2021.

Trong ngắn hạn, SSI cũng giữ quan điểm thận trọng khi chỉ số VNIndex và chỉ số VN30 đã tăng 23,59% và 40,5% nếu tính từ đầu năm có thể sẽ kích hoạt mạnh cung chốt lời trong ngắn hạn khi các chỉ số tiếp tục tiến lên vùng điểm số cao hơn. Nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận trong quá trình chỉ số VNIndex hướng về vùng 1.400 điểm và quay lại tìm cơ hội ở vùng hỗ trợ gần là 1.350 điểm và xa hơn là 1.300 điểm khi có điều chỉnh diễn ra.

Về phía Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Phó Chủ tịch UBCKNN hạm Hồng Sơn đánh giá, bên cạnh những điểm tích cực, TTCK cũng đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện để đưa ra các giải pháp thích hợp. Theo đó, TTCK Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn. Đầu tiên là đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu. Vì vậy, diễn biến của TTCK về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.

Vì vậy, đại diện UBCKNN cho rằng, cộng đồng nhà đầu tư cần tăng mức độ cẩn trọng, đặc biệt là quản trị rủi ro khi lựa chọn danh mục đầu tư. Cùng với đó, những yếu tố rủi ro vĩ mô đó cần được theo dõi kỹ lượng, đánh giá sâu kỹ, bởi chúng TTCK sẽ rất nhạy cảm với những biến động vĩ mô, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh tác động như hiện nay.

Khi dòng tiền còn ở lại thị trường thì chứng khoán còn sôi động và tăng trưởng. Thị trường chứng khoán tháng 6 nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng, VN-Index có thể sớm tiếp cận mốc 1.400 điểm. Điều lo ngại hiện nay là hệ thống giao dịch tại HOSE bị quá tải và tình hình có vẻ trầm trọng hơn trong những ngày gần đây khi hoạt động giao dịch gia tăng đột biến.

Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam Nguyễn Hồng Khanh
TTCK tháng 6/2021 sẽ không chịu quá nhiều áp lực điều chỉnh hoặc áp lực điều chỉnh sẽ không lớn. Nếu có xảy ra thì có lẽ cũng chỉ mang tính chất điều chỉnh ngay trong phiên, đặc biệt là khi xét tới khả năng hấp thụ của dòng tiền nội trong thời gian tới.

Chuyên gia Khối sản phẩm đầu tư, Công ty CP Chứng khoán Công thương (CTS) Nguyễn Hoàng Việt
Nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận trong quá trình chỉ số VN-Index hướng về vùng 1.400 điểm và quay lại tìm cơ hội ở vùng hỗ trợ gần là 1.350 điểm, xa hơn là 1.300 điểm khi có điều chỉnh diễn ra.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần