Chứng khoán tiếp đà lập đỉnh mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng 2 tháng qua, chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh mới của năm 2020. Chỉ số chứng khoán phiên đầu tuần 21/12 vượt mốc 1.080 điểm, đóng cửa tại 1.081,08 điểm, tăng 13,62 điểm so với tham chiếu. Đây là vùng giá cao nhất mà VN-Index chinh phục từ đầu năm.

Nhà đầu tư giao dịch trực tuyến tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Trần Quỳnh
VN-Index hướng tới thử thách vùng từ 1.100 - 1.120 điểm

Trong đợt tăng vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền với điển hình là: MBB, STB, TCB, VPB, HDB… Nhóm ngân hàng thu hút dòng tiền mạnh nhất trên thị trường với tổng giá trị giao dịch mỗi phiên chiếm đến 25% tổng giá trị và vẫn đóng vai trò dẫn dắt chính có ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng chung. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán liên tiếp tăng nóng, đóng vai trò trụ đỡ của thị trường. Với sự thăng hoa của cả thị trường chứng khoán trong thời gian qua, nhà đầu tư (NĐT) kỳ vọng sẽ đóng góp lợi nhuận lớn cho các công ty chứng khoán. Trong đó, SSI của Chứng khoán SSI là một trong những mã tăng tốt nhất với mức tăng đến 20%. Tiếp đến là HCM của Chứng khoán HSC với mức tăng gần 11%; VND của Chứng khoán VNDirect tăng 7%; SHS của Chứng khoán SHS tăng 6,3%... Ngoài ra, các cổ phiếu ngành xây dựng, logistics, vật liệu xây dựng… đang được ưu tiên trong ngắn hạn nhờ kỳ vọng vào việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm qua.

Sức hút và tỷ lệ sinh lời của chứng khoán kéo dài khiến nhiều NĐT đua nhau mở tài khoản chứng khoán. Là NĐT “bám sàn” hơn 10 năm, anh Lê Đức Anh cho rằng, nhìn về mặt bằng giá của cổ phiếu trên sàn cho thấy, những cổ phiếu trụ của thị trường ngoài nhóm Vingroup như: VIC, VHM, VRE hay VNM, GAS chưa tăng nhiều thì những cổ phiếu còn lại đều đã vượt các đỉnh cao nhất, đặc biệt là ở nhiều cổ phiếu ngân hàng như VCB, ACB… Sự cuồng nhiệt của người mua kéo thanh khoản tăng vọt. Dòng tiền đổ vào chứng khoán tăng kỷ lục, có phiên xấp xỉ ngưỡng kỷ lục với gần 14,6 nghìn tỷ đồng chỉ riêng khớp lệnh... Trước đó trong tháng 11, sàn HOSE liên tục chứng kiến nhiều phiên có trên 10.000 tỷ đồng "sang tay", gấp 3 lần thanh khoản bình quân của nhiều tháng hồi năm ngoái.

Nhìn từ phân tích kỹ thuật, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) Châu Thiên Trúc Quỳnh cho biết, dòng tiền dồi dào giúp VN-Index liên tục vượt các ngưỡng kháng cự 1.070 - 1.080 điểm. Về tổng thế, xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn đang tích cực với vùng mục tiêu 1.100 - 1.110 điểm. Diễn biến thị trường dự kiến sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu theo triển vọng kết quả kinh doanh quý IV của các DN niêm yết trên sàn.

Tăng nhờ sớm khôi phục kinh tế

Khép lại năm 2020 đầy khó khăn do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, năm 2021, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng phục hồi nhờ các động lực như đầu tư công được đẩy mạnh, triển vọng tiêu dùng tích cực và lãi suất cố định được duy trì ở mức thấp; chưa kể tác động đến từ các hiệp định thương mại EVFTA, UKFTA và quan trọng hơn là CPTPP. Nhiều cổ phiếu được dự báo hấp dẫn khi kinh tế phục hồi hậu Covid-19. Thực tế, dù trải qua dịch Covid-19 nhưng nhiều DN đang niêm yết vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, trong đó Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Vinhomes, Tập đoàn Novaland, Vinamilk... có mức lãi từ vài nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng lũy kế 3 quý đầu năm.

Theo đánh giá của VinaCapital, một phần nguyên nhân của sự tăng trưởng này là nhờ việc Chính phủ đã kiểm soát thành công đại dịch trong nước, giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế và bắt đầu phục hồi từ quý III/2020. Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với mức sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 3%/năm. Đặc biệt, sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm. Theo đánh giá của VinaCapital, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên nhất và thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn. Với dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 6,7% của IMF, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục lạc quan.

Theo TS Đinh Thế Hiển, sức hút chứng khoán thời gian gần đây còn đến từ việc các kênh đầu tư khác không mấy hấp dẫn. Trong đó lãi tiền tiết kiệm ngân hàng liên tục giảm, kênh đầu tư vàng đang biến động theo chiều đi xuống. Bất động sản tăng liên tục trong 5 năm qua, đến năm 2020 cùng với Covid-19 đã bước vào chu kỳ điều chỉnh, nhiều người chờ giảm giá, tạo tâm lý đóng băng. "Chứng khoán đang là kênh kiếm lời nhanh, đáp ứng nhu cầu "lướt sóng". Chứng khoán thường luôn đi trước, cho thấy NĐT lạc quan với nền kinh tế Việt Nam năm 2021" - ông Hiển nhận định. Cũng theo ông Hiển, nếu như 5 năm trước khối ngoại luôn dẫn dắt thị trường, NĐT cá nhân chỉ theo sau, hiện nay nhiều phiên NĐT cá nhân đối đầu khối ngoại, nâng đỡ thị trường khá tốt. Nhưng rõ ràng về trung, dài hạn, nguồn tiền ngoại vẫn là nền tảng quan trọng để thị trường tăng bền vững. Rào cản hiện nay là sàn chứng khoán ít hàng hóa chất lượng, quanh đi quẩn lại chỉ vài gương mặt cũ. Do đó, nhanh chóng cổ phần hóa là bước đi thiết yếu để hút vốn ngoại.
Việc lựa chọn cổ phiếu nên đi theo nhóm blue-chips hoặc nhóm cổ phiếu vẫn có hoạt động kinh doanh ổn định nhưng chưa tăng điểm nhiều, đồng thời hạn chế nhóm cổ phiếu penny hoặc nhóm có chất lượng tài sản xấu đã tăng nóng để hạn chế rủi ro. 

Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Agriseco Nguyễn Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần