Trên thị trường chứng khoán toàn cầu, các chỉ số chứng khoán cơ bản đều tăng cao trước những đồn đoán về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Cụ thể, chỉ số MSCI toàn cầu tăng 0,4%, đánh dấu mức cao nhất kể từ giữa tháng 8/2015.
Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/10, chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt tăng 0,46% và 0,43% với tổng 6,6 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ.
Sàn giao dịch chứng khoán New York.
|
Cổ phiếu tại Mỹ tăng chủ yếu nhờ kết quả kinh doanh quý III/2015 lạc quan hơn dù lĩnh vực sản xuất có dấu hiệu suy yếu. Theo dự báo của giới chuyên gia, lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 sẽ chỉ giảm 3,9% trong quý III/2015 so với mức giảm dự báo trước đó là 4,8%.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng chốt tuần ở mức cao nhất 5 tuần nhờ đồn đoán ECB sẽ tăng cường điều tiết chính sách tiền tệ với việc mở rộng quy mô nới lỏng định lượng. Chỉ số FTSEurofirst 300 tăng 0,7% và tăng 4,4% trong cả tuần.
Tại châu Á, cổ phiếu tại Nhật Bản và Trung Quốc đồng tăng hơn 1%, với Nikkei tăng 1,1% và Shanghai Composite tăng 1,6%. Thị trường chứng khoán lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới tăng mạnh nhờ đồn đoán rằng, chính phủ hai nước sẽ tăng cường kích thích để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2 tuần tới, thị trường chứng khoán toàn cầu có thể sẽ biến động nhẹ khi các nhà hoạch định chính sách châu Âu và Mỹ tiếp tục thảo luận về chính sách tiền tệ./.