Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, Phố Wall trầm lắng chờ loạt báo cáo lợi nhuận quan trọng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh trong phiên 23/4, rời khỏi mức cao nhất trong 13 tháng ở phiên trước đó.

Chứng khoán châu Á đi ngang
Thị trường cổ phiếu châu Á ít thay đổi trong phiên 23/4, duy trì không xa mức đỉnh 9 tháng đạt được hồi tuần trước do nhà đầu tư lo ngại rằng Trung Quốc có thể làm chậm lại tốc độ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ.
Chỉ số chứng khoán MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản đi ngang. Trong khi đó, chỉ số Nikkei  225 trên thị trường Nhật Bản giảm 0,2%. Nhiều thị trường tài chính trên thế giới vẫn đóng cửa trong ngày 22/4 do nghỉ lễ Phục sinh.
 Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh trong phiên 23/4.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh trong phiên này, đang trên đà ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong gần 4 tuần, khi các ý kiến ​​từ các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ giảm bớt các chính sách kích thích sau khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chứng kiến mức tăng trưởng ổn định hơn trong quý I.
Chỉ số Shanghai Composite hạ 0,2% và Shenzhen Component sụt 0,5%. Chỉ số Shenzhen Composite cũng giảm 0,623%.
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng cũng giảm 0,45%, do cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc giảm hơn 1%.
Giá dầu đã tăng hơn 2% trong phiên 22/4, lên mức cao nhất trong gần 6 tháng, do lo ngại ngày càng tăng về nguồn cung toàn cầu sau khi Mỹ công bố hủy bỏ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 nước mua dầu của Iran.
Tuy nhiên, đà tăng mạnh của giá  “vàng đen” hiện không tác động nhiều đến các thị trường tài chính.
Ông Makoto Noji - chiến lược gia về tiền tệ và trái phiếu nước ngoài tại SMBC Nikko Securities, nhận xét: “Trừ khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng lên mức từ 70-75 USD/thùng, điều này sẽ có tác động hạn chế đối với trái phiếu của Mỹ và tỷ giá đồng yen/USD”.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,2%, xuống mức 97,328 điểm.
So với đồng yen Nhật Bản, tỷ giá đồng USD đi ngang ở mức 1 USD đổi được 111,96 yen, trong khi tỷ giá euro ổn định so với đồng bạc xanh, hiện ở mức 1 euro “ăn 1,2530 USD.
 
Phố Wall “nín thỏ” trước khi bước vào tuần bận rộn nhất của mùa báo cáo lợi nhuận
Thị trường chứng khoán Mỹ im ắng trong phiên giao dịch ngày 22/4 khi tuần bận rộn nhất của mùa báo cáo lợi nhuận khởi động.
Các cổ phiếu gần như đi ngang trong phiên, với mức tăng lớn nhất thuộc về nhóm cổ phiếu năng lượng, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư thận trọng chờ loạt báo cáo kết quả kinh doanh quan trọng sắp được công bố.
Trong những ngày tới, một số công ty lớn nhất thuộc chỉ số S&P 500, bao gồm hãng chế tạo máy bay Boeing, tập đoàn thương mại điện tử Amazon.com, và công ty mạng xã hội Facebook sẽ công bố kết quả kinh doanh quý I/2019. Giới phân tích đang kỳ vọng rằng những báo cáo này sẽ giúp xoa dịu mối lo của nhà đầu tư về sự suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
 Thị trường Phố Wall diễn biến trái chiều trong phiên 22/4.
Khối lượng giao dịch của phiên này giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2019. Phiên giao dịch trầm lắng được cho là còn bắt nguồn từ việc nhà đầu tư còn chưa quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Phục sinh.
Chiến lược gia chứng khoán Phil Orlando thuộc Federated Investors cho biết ông cảm thấy hào hứng về các báo cáo tài chính đã được công bố, cho dù giờ mới là phần đầu của mùa báo cáo. "Tuần này là một tuần có thể khiến nhiều người lo ngại vì sẽ có nhiều báo cáo được công bố. Không rõ tình hình từ nay đến phiên cuối tuần sẽ thế nào", ông Orlando nhận xét.
Nhà chiến lược Orlando cũng ấn tượng với bởi báo cáo tăng trưởng kinh tế Mỹ mới nhất được chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang (FED) đưa ra. Theo đó, kinh tế Mỹ được dự báo tăng 2,8% trong quý I, so với mức dự báo tăng 0,2% đưa ra cách đây 1 tháng.
Theo dữ liệu của Refinitiv, lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 được dự báo giảm 1,7% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái, và đây sẽ là quý giảm lợi nhuận đầu tiên của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ kể từ năm 2016.
Tuy nhiên, trong số các công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo đến thời điểm này, có hơn 70% đưa ra kết quả tốt hơn dự báo.
S&P 500 hiện chỉ còn thấp hơn chưa đầy 1% so với mức điểm kỷ lục thiết lập vào tháng 9 năm ngoái, nên giới đầu tư đang chờ thêm dữ liệu kinh tế như GDP để có những sự đặt cược lớn hơn.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 0,18%, còn 26.511,05 điểm. S&P 500 tăng 0,1%, đạt 2.907,97 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,22%, đạt 8.015,27 điểm.
Nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc S&P 500 tăng 2,1%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 1, do giá dầu tăng khi Mỹ siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu lửa Iran.
Tuy nhiên, trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 7 nhóm chốt phiên trong trạng thái giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm bất động sản với mức giảm 1%.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,4 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,33 lần.
Có tổng cộng 5,79 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,65 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất./

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần