Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Việt Nam chờ đợi tác động dài hạn của TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi "cơn sốt" sau kết quả đàm phán thành công dần hạ nhiệt, nhà đầu tư bắt đầu nhận ra cần chờ đợi lâu hơn những tác động từ TPP lan tỏa vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

"Đặc sản", "gia vị", "chất xúc tác", "món ngon"… là những từ được giới đầu tư chứng khoán sử dụng khi nhắc đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mấy ngày qua. Họ cho rằng TPP đã thổi một luồng gió mới vào thị trường đang ở trạng thái ru ngủ.

Tính chung từ 5/10 đến 8/10, VN-Index tăng 24,5 điểm, đạt mốc 586,8 điểm. Thanh khoản thị trường ngày 6/10 VN-Index tăng 11 điểm vượt mốc 582 điểm, thanh khoản toàn thị trường đạt 3.677 tỷ đồng, thuộc top cao nhất 9 tháng đầu năm 2015. Trong ngày 7/10 mặc dù chỉ số VN-Index giảm nhưng tín hiệu đáng mừng là khối ngoại đã mua ròng trở lại 159 tỷ đồng trên HOSE, dù trước đó liên tục bán ròng trong tháng 9. Thanh khoản toàn thị trường vẫn đạt trên 3.200 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường bật tăng nhờ hiệu ứng TPP trong ngắn hạn.
Thanh khoản thị trường bật tăng nhờ hiệu ứng TPP trong ngắn hạn.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 8/10, khối ngoại bất ngờ mua ròng 804 tỷ đồng, thanh khoản toàn thị trường đạt xấp xỉ 3.700 tỷ. Nếu so sánh với mức trung bình trong tháng 9 là 2.008 tỷ đồng, thị trường đã cho thấy tín hiệu sôi động trở lại sau thời gian dài tắc thanh khoản.

Giới phân tích đều nhận định, về ngắn hạn TPP là một chất xúc tác cực mạnh châm ngòi cho thị trường bùng nổ, tạo lực hút dòng tiền lớn vào thị trường. Công ty Chứng khoán BSC cho rằng sự "hưng phấn" sẽ tạo đà cho thị trường đi lên, song hiệu ứng TPP sẽ chỉ là thoáng qua, đà tăng khó lâu dài nếu thiếu đi sự dẫn dắt từ khối ngoại. Lúc này, TPP kết hợp với kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp là hai nhân tố tích cực nhất hỗ trợ cho thị trường.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng TPP mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như dệt may, nông sản… thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu kinh tế toàn diện. SSI nhận định TPP sẽ được coi là một chất xúc tác có tác động dài lâu lên toàn nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng. Tuy nhiên, để TPP có tác động thực còn phải chờ đợi rất lâu, khi Quốc hội Mỹ và các nước thông qua. Hơn nữa, việc mở cửa thị trường cũng có lộ trình chứ không mở cửa hoàn toàn ngay lập tức. Đối với thị trường nông sản, Việt Nam sẽ loại bỏ 31% số dòng thuế (xuống 0%) ngay sau khi TPP có hiệu lực, và 67% số dòng thuế tiếp theo trong thời gian 15 năm.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng thị trường đã ngủ quên quá lâu rồi.

"Giai đoạn khó khăn nhất, nhà đầu tư chỉ giữ tiền và chờ đợi đã qua, TPP chính là chất xúc tác cực mạnh tác động vào tâm lý nhà đầu tư, khiến họ không ngại ngần rót tiền vào chứng khoán và coi đây là kênh sinh lời tốt so với găm giữ USD. Vì lẽ đó nên thanh khoản thị trường mấy phiên rồi tăng mạnh. Tuy nhiên, hiệu ứng tâm lý chỉ tồn tại trong ngắn hạn", ông Minh nhận định.

Nói về tác động dài hạn, ông Minh cho rằng TPP sẽ giống như một "món ngon" khi mà những mã cổ phiếu được được hưởng lợi trực tiếp: TCM, TNG, TTF… sẽ được nhà đầu tư săn đón. TPP còn có tác động lan tỏa tới toàn thị trường dựa trên nền tảng sự phát triển của doanh nghiệp. GDP Việt Nam được đánh giá có thể tăng 10% vào năm 2020, TPP tạo ra thị trường, tạo ra nguồn cầu sản phẩm và kéo theo công nghiệp hỗ trợ các ngành hưởng lợi cùng phát triển.

Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng TPP kết hợp với Nghị định 60 có hiệu lực sẽ dọn đường cho dòng vốn ngoại chảy vào thị trường cả về trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, dòng vốn ngoại mới sẽ chảy mạnh vào các doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản, kho vận, khu công nghiệp… qua hình thức rót vốn vào doanh nghiệp đầu tư đón sóng hội nhập hoặc mua các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp này. Các quỹ ETF trước đó do chứng khoán toàn cầu đi xuống, bán ròng liên tục thì nay giá chứng chỉ quỹ đã ổn định trở lại hứa hẹn cho một cuộc đổ bộ mới của khối ngoại vào chứng khoán Việt Nam.

Trong khi đó ông Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng môi giới Công ty Chứng khoán SHS cẩn trọng hơn, khi cho rằng dòng vốn ngoại có chảy mạnh vào chứng khoán hay không không chỉ phụ thuộc vào TPP mà còn phụ thuộc vào điều hành tiền tệ Việt Nam cũng như độ mở với từng ngành nghề của Nghị định 60, mức độ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa cùng những biến động không lường trước được của thế giới. Tuy nhiên, ông Toàn cũng thừa nhận TPP là một nhân tố tích cực giúp vốn ngoại có một cái cớ thực hơn để tăng tốc vào Việt Nam dẫn dắt thị trường giai đoạn cuối năm 2015.

Mặc dù bán ròng liên tục gần đây nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm khối ngoại vẫn mua ròng lên tới hơn 4.230 tỷ đồng, tương ứng với 285 triệu cổ phiếu.                  

Tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu 2015 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhận định vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường vừa là tiềm năng vừa cho thấy cơ hội làm ăn lớn ở thị trường Việt Nam. Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán, đến nay đã có 18.000 mã giao dịch được cấp cho nhà đầu tư nước ngoài. Riêng tháng 9/2015-tháng đầu mở room cho nhà đầu tư ngoại đã có 97 mã giao dịch đã được cấp. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 1% nhưng tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15 tỷ USD, chiếm 25% giá trị giao dịch của thị trường. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng nhanh qua các đạt 20-25% một năm.