Đã tỉnh được chưa?
Thế nhưng, một năm trước, thay vì bước ra khỏi cơn mộng mị, trở về với thực tế thì bóng đá Việt Nam vẫn tự cho mình chỉ là nạn nhân của quyết định "đặt niềm tin nhầm chỗ". Người ta trảm ông thầy người Đức Falko Goetz sau khi đã đổ hết tội lỗi của sự thất bại cho ông này.
HLV Phan Thanh Hùng sẽ phải chịu trách nhiệm chính về thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012.
Không được giải thích, chẳng có cơ hội phản biện, Falko Goetz nhận 2 tháng lương đền bù và lủi thủi rời Việt Nam. Và khi dư luận vẫn chưa chịu yên, người ta tiếp tục đem ông Tổng Thư ký LĐBĐ Việt Nam kiêm Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn ra làm vật tế thần. Trảm ông Tuấn để làm đẹp lòng dư luận, chứ thực chất, chẳng ai chỉ ra được ông Tuấn có lỗi gì trong thất bại của đội U23.
Và thực tế là bóng đá Việt Nam đã lầm với những quyết định của mình. Hay nói đúng hơn, bóng đá Việt Nam đã không đủ dũng cảm để chỉ ra những yếu kém của mình và cố gắng, đẩy sự trì trệ của cả một hệ thống lên đầu một vài cá nhân.
Một năm trước, chúng ta kêu trời vì khủng hoảng tiền đạo và trung vệ. Và một năm sau, lúc này, tuyển Việt Nam mới chỉ ghi được 1 bàn thắng nhưng do công của một tiền vệ. Công Vinh quá mờ nhạt khi đã bước qua thời đỉnh cao phong độ. Ai đó chỉ trích HLV Phan Thanh Hùng khi quá bảo thủ, không chịu cất Công Vinh lên băng ghế dự bị sớm hơn. Nhưng, nghiệt một đội tuyển Việt Nam không có những cầu thủ có đủ tố chất để đá trung phong cắm thay Công Vinh.
Đội tuyển Việt Nam đã thua và thua một cách xứng đáng. Đổ lỗi cho HLV hay các cầu thủ thì quá dễ nhưng nó không phải là bản chất vấn đề. Hay nói cách khác, đổ lỗi cho một vài cá nhân không thể giúp bóng đá Việt Nam giải được bài toán của mình. Vấn đề của bóng đá Việt Nam nằm ở chất lượng của hệ thống chứ không phải là năng lực của một vài cá nhân bị hạn chế.
Hãy nhìn sang Thái Lan, có thể thắng, có thể thua, nhưng họ luôn trình làng những thế hệ cầu thủ mới đầy tài năng. Còn chúng ta thì sao, từ năm Tiger Cup 2004, Công Vinh đã là một trụ cột, nhưng 8 năm sau, anh vẫn là linh hồn của hàng công tuyển Việt Nam. Không thể phủ nhận tài năng của Công Vinh, nhưng hệ thống đào tạo đã thất bại vì không thể cung cấp những tiền đạo giỏi cho đội tuyển Việt Nam.
Thua vì tự bó chân mình
Đội tuyển Indonesia vốn được hậu thuẫn bởi một đất nước có hơn 200 triệu dân. Malaysia có hệ thống đào tạo trẻ cực tốt. Thái Lan thì không thể so bì. Thế nhưng, trong khi Singapore thành công nhờ sử dụng cầu thủ nhập tịch, Philippines đánh bại tuyển Việt Nam vì yếu tố ngoại thì chúng ta đang bỏ rơi những cầu thủ giỏi vốn đã là một phần không thể tách rời khỏi nền bóng đá này.
Những Huỳnh Kesley, Đinh Hoàng La, Nguyễn Rogerio… vốn rất khát khao được thi đấu cho tuyển Việt Nam, thậm chí, họ đã học tiếng Việt để có cơ hội được khoác áo đội tuyển.Thế nhưng, thay vì trọng dụng nhân tài, bóng đá Việt Nam đã khước từ tấm chân tình và khả năng đóng góp của các cầu thủ nhập tịch.
Tất nhiên, cội nguồn của quyết định đóng cửa với cầu thủ nhập tịch là có sự tranh luận trái chiều từ xã hội. Thế nhưng, điều mà bóng đá Việt Nam cần phải làm thay vì âm thầm chấp nhận loại bỏ nhân tài là có những phản biện, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để mở cửa với cầu thủ nhập tịch.
Chúng ta muốn có một đội tuyển thuần Việt. Thế nhưng, người hâm mộ lại muốn có một đội tuyển thành công. Và khi đã mở lòng đón nhận những người nước ngoài gia nhập quốc tịch Việt Nam, thì hãy cho họ có cơ hội để thể hiện trách nhiệm công dân và đó cũng là cách để nâng tầm bóng đá Việt Nam.