Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung tay bảo vệ môi trường Hà Nội: Huy động cả cộng đồng vào cuộc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 15/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội".

Tại hội thảo, hàng loạt vi phạm về vệ sinh môi trường đã được chỉ ra, đồng thời các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để cùng tìm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường Thủ đô.

Ăn cơm phải… mắc màn

Một trong những vấn đề nóng được nhiều đại biểu các quận, huyện nêu lên tại hội thảo là tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều khu dân cư. Ông Lê Đại Thăng, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây cho biết, người dân sống gần bãi rác Xuân Sơn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Khi đứng cách bãi rác hàng trăm mét cũng có cảm giác buồn nôn vì mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Thậm chí, có những hộ gia đình ăn cơm… phải mắc màn" - ông Thăng dẫn chứng.

Ông Phạm Trọng La, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Anh cho biết, ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất trên địa bàn huyện hiện nay là bụi từ các công trường tới các khu dân cư  bởi các dự án cầu Nhật Tân, Đường 5 kéo dài... Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các khu công nghiệp, đông công nhân sinh sống, mỗi ngày thải ra khoảng 150 tấn chất thải rắn, nhưng mới xử lý được 15 tấn (chiếm 10%).

Đại diện quận Hoàng Mai ví von: "Tất cả các dòng sông đều chảy về Hoàng Mai. Sau các trận mưa bão, khi các quận, huyện khác đã khô ráo, còn Hoàng Mai vẫn úng ngập. Sau khi nước rút, tại nhiều địa bàn dân cư, rác, chất thải nằm trơ trên đường, ngõ xóm… gây ô nhiễm môi trường trầm trọng". Còn tại huyện Thạch Thất, địa bàn có tới 57 làng nghề phát triển manh mún xen kẽ trong các hộ dân cư, gây ra ô nhiễm môi trường và nguồn gây dịch bệnh.

Trong khi đó, đại diện Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ kiến nghị: "Cần xử lý các nhà thuyền trên Hồ Tây gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến mỹ quan Thành phố, ảnh hưởng đến dân cư sống xung quanh Hồ Tây".

Nhân rộng các mô hình

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Phạm Văn Khánh thừa nhận, hiện nay, tại 18 huyện ngoại thành đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải. Do đó, để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, các quận, huyện cần tiếp tục tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; phát động phong trào "Thấy rác là nhặt" ở các trường học; tổ chức sân khấu hóa các hoạt động tuyên truyền về môi trường. Tổ chức các phong trào thanh niên tình nguyện; các đợt ra quân làm sạch đường làng, ngõ xóm. Ngoài ra, thường xuyên nhắc nhở các hộ gia đình bảo vệ môi trường, đánh vào lòng tự trọng của mỗi cá nhân người dân, phê phán các hiện tượng vứt đổ rác không đúng nơi quy định…

Đối với vấn đề xử lý các bãi rác quá tải, ông Lê Đại Thăng đề xuất, nên chấp nhận đầu tư cho các bãi rác một lần, công nghệ hiện đại mà hiệu quả. Với cách làm thủ công hiện nay, dẫu bãi rác rộng, vài ba năm nữa cũng quá tải. Ngoài ra, để giảm thải ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội, ông Thăng kiến nghị, nên sớm đưa các trường đại học, nhà máy ra khỏi nội đô. 

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Khả Hùng đề xuất, cần đưa ra các giải pháp nhiều chiều, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, người dân. Các đơn vị cần tìm ra các giải pháp, biện pháp sâu sát, thích ứng, hiệu quả, đúng chuyên ngành. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, từ chi bộ tới tổ dân phố. Ban Tuyên giáo cần tham mưu với ngành TN&MT để giải quyết được vấn đề môi trường ở các địa phương.