Chung tay hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh nghèo

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Thấu hiểu những khó khăn của ngành Giáo dục trong đại dịch và mong muốn được chia sẻ với các học sinh (HS) thiếu thiết bị học tập, nhiều cá nhân, tổ chức, trường học đã phát động phong trào ủng hộ thiết thực để các HS nghèo gạt nỗi mặc cảm, nở nụ cười tươi khi được nghe tiếng cô giảng bài cũng như được tương tác cùng cô và các bạn qua màn hình trong từng tiết học.

Đúng người, đúng hoàn cảnh
Những ngày đầu năm học mới, từ nguồn ủng hộ về vật chất cùng sự quan tâm của BGH và tập thể cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Ngọc Tảo và thành viên trong Hội, nhiều cá nhân, nhà hảo tâm, Nhân dân trên địa bàn xã, Hội thiện nguyện Nhân dân xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ phối hợp với trường Tiểu học Ngọc Tảo đã thực hiện chương trình giàu ý nghĩa nhân văn với tên gọi "Đồng hành chia sẻ mùa khai giảng năm học 2021- 2022", trao tặng thiết bị học tập cho những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thông qua giáo viên chủ nhiệm các lớp và BGH, trường Tiểu học Ngọc Tảo rà soát, xác định, đề xuất 9 HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa có thiết bị học trực tuyến. Ngoài ra ban đại diện hội cha mẹ HS và các thành viên trong Hội thiện nguyện cũng gửi danh sách một số HS có gia cảnh éo le cần giúp đỡ liên quan đến thiết bị học.
 Hội Thiện nguyện Nhân dân xã Ngọc Tảo phối hợp trường Tiểu học Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ thăm và tặng thiết bị cho HS nghèo
Để việc hỗ trợ HS đúng người, đúng hoàn cảnh, thành viên Hội thiện nguyện đã đến nhà từng em để thăm hỏi, nắm tình hình thực tế. Các thành viên xác định, các em đều thực sự khó khăn: Có gia đình bố cáng đáng nuôi 3 người con, bản thân sức khỏe yếu không lao động được; hoàn cảnh khác thì bố mất, mẹ nuôi 3 con trong khi nghề nghiệp không có… Tuy nhiên, có em thiết bị hỏng, có thể khôi phục và sửa chữa được; có em thì không có thiết bị. Trên cơ sở đó, nhóm thiện nguyện đã vận dụng các hình thức giúp đỡ phù hợp như sửa máy tính, thay camera, míc… với những thiết bị còn có thể sử dụng được; đồng thời phối hợp cán bộ quản lý, các thầy cô giáo, nhân viên của trường Tiểu học Ngọc Tảo quyên góp mua và đến tận nhà trao tặng 9 HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi em 1 điện thoại di động thông minh để phục vụ học tập.
Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ cài đặt cung cấp các thiết bị mạng, bộ kích sóng wifi cho các em đang khó khăn về việc tiếp cận công nghệ thông tin để vào lớp học trực tuyến. Trong 1-2 buổi học tới, Hội tiếp tục phối hợp với trường Tiểu học Ngọc Tảo và Hội cha mẹ HS để rà soát thêm các hoàn cảnh HS chưa đủ điều kiện, thiết bị học tập và có hình thức hỗ trợ phù hợp.
Chia sẻ niềm vui khi con được nhận điện thoại phục vụ học trực tuyến, anh Đỗ Văn Thành- phụ huynh em Đỗ Thị Ánh Tuyết, HS lớp 5 trường Tiểu học Ngọc Tảo cảm động cho biết: “Trong đại dịch khó khăn như thế này, gia đình không có điều kiện để mua sắm thiết bị học cho con. Nay nhận được sự quan tâm của Hội thiện nguyện, Hội cha mẹ HS nhà trường, bố con tôi vô cùng biết ơn. Món quà ý nghĩa của các cô, các bác đã giúp đỡ gia đình rất nhiều, tạo điều kiện cho cháu được học tập đầy đủ cùng thầy cô và các bạn”.
Huy động mọi nguồn lực 
Vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với thầy cô và chia sẻ với các HS có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại ngôi trường mình từng học, hưởng ứng chương trình phát động của BGH trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Gia Lâm, cựu HS khóa 94-97 của nhà trường đã hỗ trợ 30 HS khó khăn với số tiền 28,5 triệu đồng. Đây là hành động đáng quý nhằm động viên, khích lệ, cổ vũ các em HS khóa sau vượt qua khó khăn, vươn lên học tốt.
Kêu gọi ủng hộ cho HS nghèo theo hình thức khác là "Ban vận động ủng hộ thiết bị dạy học" của trường THCS Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Thầy Đường Anh Tú  - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Từ năm học trước, khi HS chuyển hình thức học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19, nhà trường đã thực hiện công tác rà soát đến từng HS thuộc từng lớp học để nắm tình hình xem HS nào không có thiết bị học tập. Là một xã thuần nông, trường THCS Đại Thịnh có nhiều gia đình khó khăn nhưng nhà trường tập trung vào những em HS có hoàn cảnh đặc biệt như ở với ông bà do bố mất, mẹ bỏ đi, HS mồ côi, bố/mẹ mắc trọng bệnh…
 Đại diện cựu HS khóa 94-97 trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Gia Lâm hỗ trợ 30 HS khó khăn
Sau khi xác định được số HS cần hỗ trợ, nhà trường thành lập “Ban vận động ủng hộ thiết bị dạy học”, kêu gọi sự ủng hộ của cán bộ, giáo viên, nhân viên; sau đó là cha mẹ HS tùy tâm quyên góp hoặc ai có máy tính, điện thoại cũ không dùng đến mang ủng hộ. Bên cạnh đó, nhà trường cử thành viên Ban vận động gồm thầy cô và phụ huynh HS liên hệ với các chủ cửa hàng sửa chữa, mua bán điện thoại, máy tính cũ trong khu vực để có các hình thức ủng hộ, giúp đỡ HS như sửa chữa miễn phí, tặng hoặc bán thiết bị giá rẻ. Qua các đợt, Ban vận động đã ủng hộ HS nghèo được 2 ti vi (phục vụ học qua truyền hình), 2 máy tính bàn, 7 điện thoại thông minh và vừa qua tiếp tục ủng hộ 3 điện thoại thông minh. Những phần quà tuy giá trị không lớn nhưng thể hiện sự chia sẻ, quan tâm của nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội với những HS có hoàn cảnh khó khăn, qua đó tiếp thêm động lực để các em nỗ lực vươn lên đạt thành tích cao trong học tập cũng như cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống.
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, các tỉnh thành cùng TƯ đang thống kê tới tận từng trường hợp khó khăn không thể học trực tuyến và sẽ có giải pháp cho từng việc, từng trường hợp; sẽ có hàng loạt biện pháp hỗ trợ và “bọc lót” lẫn nhau. Bộ trưởng cũng bày tỏ niềm mong muốn rất mãnh mẽ, đó là mong “cả xã hội chia sẻ cùng ngành Giáo dục bằng cả tinh thần và sự hỗ trợ cụ thể nhất”.
Thực tế, bằng cách này hay cách khác, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội đang có nhiều hoạt động tích cực kêu gọi, ủng hộ, hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn có đủ thiết bị và đường truyền đảm bảo học trực tuyến để dù khó khăn đến đâu, ngành Giáo dục cũng ra sức, cố gắng dạy tốt, học tốt.