Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung tay kéo giảm tai nạn giao thông khu vực ngoại thành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.348,5km2, dân số trên 6,46 triệu người, với 30 đơn vị hành chính gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã, trong đó 88,3% diện tích và 63,5% dân số sống ở nông thôn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tại khu vực ngoại thành, tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Báo động tai nạn giao thông

Trong thời gian qua, khu vực nông thôn đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là Chương trình 02/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2010 - 2015”. Theo đó, TP đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật nông thôn như giao thông, nước sạch, điện... Các đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa đạt 95%... 

Tuy nhiên, song song với việc hạ tầng giao thông nông thôn phát triển là hiện tượng TNGT tăng cao. Theo thống kê của Ban ATGT TP, năm 2013, toàn TP xảy ra 2.252 vụ TNGT, thì tại 18 huyện ngoại thành chiếm tới 1.486 vụ, làm chết 434 người, bị thương 1.441 người. Sang năm 2014, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa xuân Giáp Ngọ, TNGT xảy ra ở khu vực ngoại thành chiếm tới 70% số vụ của toàn TP. 
Người dân thị xã Sơn Tây chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ.      Ảnh: Linh Anh
Người dân thị xã Sơn Tây chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Linh Anh
Hiện nay, các tuyến đường giao thông khu vực ngoại thành dù đã được nâng cấp, cải tạo nhưng chưa đồng bộ do thiếu các hệ thống hạ tầng đảm bảo giao thông như biển báo, sơn kẻ tại các vị trí đầu nối, chiếu sáng khu vực và tuyến đường. Bên cạnh đó, tại khu vực ngoại thành thường xuyên xảy ra các vi phạm hành lang ATGT như dựng lều lán, phơi rơm trên mặt đường, thả rông gia súc ra đường. Mặt khác, các tuyến đường giao thông nông thôn sau khi được cải tạo, sửa chữa nhưng không được duy tu, bảo trì thường xuyên do thiếu kinh phí và chưa có mô hình quản lý thích hợp dẫn đến xuống cấp rất nhanh kéo theo tình trạng mất ATGT. Và đặc biệt, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là ý thức tham gia giao thông của người dân nông thôn còn nhiều hạn chế dẫn đến việc phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, chở hàng cồng kềnh, việc sử dụng rượu bia trong sinh hoạt hàng ngày hay trong các dịp giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi là khá phổ biến. Vì vậy, khi tham gia giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho mình mà còn nguy cơ gây mất an toàn cho người khác trên đường. Trong khi đó, công tác phối hợp tuyên truyền, xử lý vi phạm trật tự ATGT chưa đồng bộ, quyết liệt. Sự chủ động vào cuộc để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT, xử lý, nhắc nhở người tham gia giao thông vi phạm của các cấp chính quyền có nơi còn hạn chế, nể nang, né tránh bởi quan niệm “tình làng, nghĩa xóm”.

3 giải pháp kéo giảm TNGT

Có thể thấy rõ mặt được và chưa được trong quá trình xây dựng nông thôn mới đối với công tác đảm bảo ATGT, giữ được sự bình yên, hạnh phúc cho mỗi con người, mỗi nếp nhà ở vùng ngoại thành. Để kéo giảm TNGT khu vực ngoại thành cần thực hiện ngay một số giải pháp. Một là công tác tuyên truyền cần có sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các Đoàn thể chính trị xã hội trong từng địa bàn để tuyên truyền tới từng hộ dân, nhất là lứa tuổi thanh niên, học sinh ở các huyện ngoại thành chủ yếu đi sâu vào các nội dung: Chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Trong đó, tuyên truyền rõ các quy định về sử dụng rượu bia, tốc độ, làn đường và đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đường bộ; không lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt và chú ý quan sát khi ngang qua đường tàu; không chở quá số người quy định và phải sử dụng áo phao, phao cứu sinh trên phương tiện vận tải giao thông đường thủy nội địa. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và vận động nông dân thực hiện nội dung: “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014” trong việc thực hiện các quy định: Không lấn chiếm vỉa hè, hành lang ATGT để kinh doanh buôn bán, họp chợ; đi đúng làn đường, phần đường quy định. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của dòng họ, già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền nhắc nhở người thân. 

Hai là tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng đảm bảo ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ như lắp đặt hệ thống biển báo, sơn kẻ cảnh báo ATGT, duy tu, bảo trì các tuyến đường xuống cấp, bổ sung hệ thống chiếu sáng tại các khu vực tập trung dân cư. 

Ba là công tác xử lý cưỡng chế, huy động các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự ATGT khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an huyện, xã. Phối hợp lực lượng Thanh niên, Hội Nông dân, tổ tự quản để tăng cường công tác kiểm tra các điểm thường xuyên xảy ra tai nạn ở các tuyến đường giao thông nông thôn. Xử lý kiên quyết các hành vi gây mất trật tự ATGT trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường liên huyện, liên xã, các điểm giao cắt giữa đường sắt - đường bộ, quản lý chặt chẽ các bến đò ngang - nhất là vùng đất bãi bồi nơi bà con thường xuyên đi lại canh tác. Kịp thời thông báo những người tham gia giao thông có hành vi vi phạm luật giao thông trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, xã. 

Muốn các giải pháp trên triển khai, thực hiện có hiệu quả thì điều kiện tiên quyết là phải có sự tham gia tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng với sự chung tay của người dân. Như vậy mới có thể thực hiện thành công việc xây dựng nông thôn mới có gắn với bảo đảm ATGT trên địa bàn Thủ đô.