Từ sáng qua (29/6), TS và người nhà đến trường thi đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ sinh viên (SV) tình nguyện cũng như các nhà trường. Nhiệt tình chỉ dẫn “Mẹ con tôi cảm ơn trường, các bạn SV tình nguyện đã nhiệt tình tư vấn, giới thiệu chỗ ở trong ký túc xá (KTX) với mức phí thấp. Nếu không, chúng tôi phải mất nhiều thời gian để tìm chỗ ở thuận tiện” - chị Đỗ Thị Nhượng, ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, mẹ của TS Nguyễn Quang Tuấn, dự thi vào Đại học (ĐH) Thủy lợi chia sẻ. Tuy lượng TS dự thi ở các cụm thi năm nay có giảm so với kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhưng hầu hết các trường như ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam... đều bố trí đội ngũ SV tình nguyện hùng hậu tiếp sức mùa thi.
Từ sáng sớm 29/6, tại cụm thi số 3 ĐH Thủy lợi đã có rất đông SV trong màu áo xanh tình nguyện hồ hởi và nhiệt thành chỉ dẫn cho TS và người nhà. Phạm Đức Thắng – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ SV tình nguyện, Đội phó Đội Tiếp sức mùa thi 2016 tại điểm thi ĐH Thủy lợi cho biết: Để phục vụ cho kỳ thi, Câu lạc bộ SV tình nguyện của trường huy động 200 tình nguyện viên. Trong ngày 30/6, những TS có sai sót thông tin đăng ký dự thi sẽ được dẫn đến Hội đồng thi và liên hệ với Thư ký hội đồng để được chỉnh sửa kịp thời. Ngoài ra, SV tình nguyện sẽ xếp thành "hàng rào sống" để phân luồng giao thông trước cổng trường. Đội ngũ này cũng hỗ trợ các hội đồng thi vận chuyển đề thi đến nơi an toàn. Hà Nội đã dự kiến có khoảng 75.000 TS và người nhà tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Thế nên, chương trình Tiếp sức mùa thi đã huy động gần 13.000 tình nguyện viên, trải khắp 104 điểm thi. Lực lượng này còn tập trung tại các điểm trung chuyển xe buýt, tuyến xe buýt, 5 cụm thi ĐH (gồm 74 điểm thi) và một cụm thi tốt nghiệp (với 31 điểm thi tại 23 quận, huyện) để hỗ trợ TS. Hơn thế, Thành đoàn - Hội SV TP Hà Nội còn triển khai mô hình “Mỗi tuyến xe buýt một tình nguyện viên” để hướng dẫn, hỗ trợ TS và người nhà trong quá trình di chuyển bằng xe buýt tới điểm thi, nhà trọ. Chu đáo khâu hậu cần
Năm nay, số TS đến từ các quận, huyện Hà Nội có nhu cầu ở trong KTX không nhiều, song các trường chủ trì cụm thi vẫn bố trí chỗ ở trong KTX với mức phí tượng trưng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TS. Điển hình là ĐH Thủy lợi chuẩn bị 30 phòng đầy đủ trang thiết bị cần thiết, đủ chỗ cho 240 TS và người nhà với giá chỉ 35.000 đồng/người/ngày. ĐH Bách khoa Hà Nội dành hẳn 1.000 chỗ ở trong KTX cho TS và người nhà đến từ những huyện xa như Thường Tín, Phú Xuyên. Thuận tiện là trong khu vực KTX của các trường đều có căng tin, nhà ăn đảm bảo ATVSTP. Trong khi đó, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy lợi Lê Tuấn Anh cho biết, trường đã sửa thông tin cho 16 trường hợp bị nhầm lẫn về ngày, tháng, năm sinh, môn thi. 100% các phòng thi ở trường cũng như các điểm thi được lắp đặt điều hòa phục vụ TS làm bài thi. Hơn thế, người nhà TS sẽ được các trường bố trí chỗ ngồi đợi con em thi chu đáo ở bên ngoài khu vực thi. Ở đó có những quầy hỗ trợ cộng đồng phục vụ miễn phí nước uống, bánh mỳ. Ngoài cổng ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân... còn lắp những dù che nắng phục vụ phụ huynh kèm theo nước uống và những suất ăn miễn phí do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Cùng với hệ thống quạt, nhiều trường còn bố trí giảng đường có điều hòa tạo điều kiện cho TS tập trung làm bài thi. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: “100% phòng thi là các giảng đường đều được lắp đặt điều hòa để sử dụng trong suốt 4 ngày thi”. Động viên tinh thần TS, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khuyên: “TS học cơ bản đều đỗ tốt nghiệp, em nào có điều kiện và nhu cầu thì vào các trường CĐ, ĐH. Năm nay, số TS có nhu cầu vào ĐH thấp hơn năm ngoái, trong khi chỉ tiêu của các trường ĐH ổn định, nên các em không phải quá lo lắng về việc bị trượt; cứ bình tĩnh, tự tin và hết sức nghiêm túc trong làm bài sẽ đạt kết quả cao”.
Sinh viên tình nguyện hướng dẫn thí sinh tìm địa điểm thi tại Đại học Bách khoa Hà Nội chiều 29/6. Ảnh: Phạm Hùng |
Thí sinh và người nhà có thể gọi đường dây nóng 04.39369298 - 04.39369268 để được hỗ trợ. |