Từ bó rau, con cá... đều bị tiểu thương lấy cớ do xăng dầu, điện nước tăng giá để nâng giá. Người tiêu dùng nói chung, đặc biệt là công nhân, sinh viên đang phải gồng mình chống chọi với... giá!
Điêu đứng vì giá tăng
Một hai ngày vừa qua, nhiều bà nội trợ đến chợ tự phát Cây Sộp (quận 12) bất ngờ vì nhiều loại mặt hàng bỗng nhiên tăng giá từ 10% - 15% so với mọi ngày. Bà Nguyễn Thị Lan (42 tuổi, thợ may) than thở: “Vừa mới lĩnh lương nên tôi định mua con gà về cho cả nhà ăn. Mọi khi gà ta thả vườn giá chỉ 150.000đ/kg (chưa làm lông), nay đã tăng thêm 20.000 đồng/ký. Nhiều loại rau củ như rau muống, khổ qua, cà chua... có giá từ 15.000đ - 20.000đ/kg, tăng hơn 15% so với mấy ngày trước”.
Không chỉ có các mặt hàng tươi sống, rau củ lên giá mà nhiều mặt hàng gia dụng khác cũng đồng loạt thay giá mới. Tại cửa hàng bán sỉ (buôn) chuyên đồ nhựa Thúy Liễu (đường Lê Đại Hành, quận 11), khi chúng tôi hỏi mua chiếc tủ nhựa đựng quần áo cho con, bà chủ cho biết giá mới là 1,4 triệu đồng/cái. Trước đó một tuần, giá vẫn là 1,2 triệu đồng. Bà chủ lý giải: “Do mấy bữa nay điện, nước, xăng, dầu tăng giá nên đại lý báo giá mới. Chúng tôi cũng lo tăng giá dịp gần cuối năm này sẽ làm giảm sức mua nhưng các nơi khác đều bán với giá mới nên mình không thể bán giá cũ được”.
Tiền lương công nhân chỉ đủ mua rau cho bữa ăn hằng ngày
|
Nhà trọ với điệp khúc mỗi năm đến tết lại tăng giá thì nay cũng “té nước theo mưa” dù chưa đến tết. Bạn Lâm Thanh Hoài (đại học Luật) đang thuê nhà ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) than vãn: “Nhà trọ mình thuê giá đã 1,2 triệu đồng/tháng, mình cũng chấp nhận là mỗi năm sẽ lên 100.000 đồng với chủ nhà rồi. Vậy mà hôm nay chủ nhà trọ thông báo giá sẽ lên từ bây giờ. Như vậy chỉ trong năm nay, giá nhà trọ báo tăng giá tới hai lần. Đó là chưa kể các loại điện nước, cáp tivi, internet... chủ cũng báo tăng giá. Theo mình biết thì các loại cáp này không hề tăng giá, cũng như thuế kinh doanh nhà trọ cũng không tăng. Tại sao chủ nhà trọ cứ viện cớ các loại phí khác để tăng giá?”.
Chưa kịp mừng vì được lên lương, chị Đỗ Thanh Hải (công ty may khóa kéo Keen Ching, quận 7) đã lo lắng khi biết học phí của hai đứa con đang học mẫu giáo cũng tăng từ 10% so với năm học trước. Chị rớm nước mắt tâm sự: "Chồng mất do tai nạn lao động. Đồng lương công nhân “ba cọc ba đồng” của tôi phải gồng gánh hai con nhỏ nên thiếu thốn trăm bề. Dù lương có tăng, nhưng đụng đâu cũng thấy tăng giá nên tôi chưa biết xoay sở như thế nào. Tôi tính sắp tới sẽ nhận việc về nhà làm thêm, may ra mới đủ lo cho các con”.
Cần nhiều đơn vị đồng hành
Tuy giá các mặt hàng tăng đồng loạt nhưng một số tiểu thương vẫn tìm cách giữ giá hòng lôi kéo người mua. Chị Lý Thị Xuân Thu, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Hòa Hưng (quận 10) phấn khởi cho biết: Chợ có hơn 400 sạp hàng và hầu hết đều ký cam kết không nói thách, không bán hàng gian, hàng giả, chấp nhận chuyện khách có thể đổi, trả lại hàng.
Chấp nhận lời ít là phương pháp mà chị Nguyễn Thị Cậy (ngành hàng thịt lợn, chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình) áp dụng. Chị nói: “Thà mình chấp nhận lời ít hơn một chút nhưng vẫn giữ được bạn hàng. Nói chung là tiểu thương vẫn không bị lỗ, bởi nếu bán được nhiều hàng thì vẫn có lời”. Cạnh đó, chị Nguyễn Thị Hồng (hàng rau) cũng “bật mí” giữ khách hàng bằng cách khuyến mãi thêm cọng hành, trái ớt hoặc quả cà chua…
Siêu thị có nhiều mặt hàng đại hạ giá thu hút người thu nhập thấp.
|
Khách hàng đến “ngành” hàng rau củ quả của chị Hồ Thị Liễu, chợ Bến Thành (quận 1) thường mua được rau rẻ và tươi ngon, bởi chị có cách giảm giá thành rất sáng tạo. Trước đây, người nào buôn bán thì tự người đó phải đi mua hàng rồi về bán lại cho khách. Nhưng từ khi “bão giá”, chị đề xuất với các tiểu thương cùng ngành hàng, để một người tự đi lấy hàng, rồi về phân phối lại. Giảm chi phí vận chuyển là sẽ giảm được giá thành sản phẩm.
Lúc này mà nói thách, hét giá là thua, đó là nhận định của chị Kiều Hoa (chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10). Chị Hoa chia sẻ: “đường, dầu ăn…là những mặt hàng tăng giá cao nhất. Mỗi khi công ty giao hàng, chúng tôi thường được tặng thêm, ví dụ, một thùng dầu ăn 12 chai được tặng thêm hai chai khuyến mãi. Tôi lấy hai chai đó làm lời cho mình và bán cho người tiêu dùng giá gốc”.
Trong khi đó, nhiều siêu thị cũng có các chương trình khuyến mãi nhằm giúp người dân yên tâm “vượt bão”. Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, hơn 300 mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, đường, dầu ăn... giảm giá từ 20% - 30%, bên cạnh đó, Co.op Mart còn áp dụng nhiều chương trình tri ân khách hàng như tặng quà trực tiếp, tặng phiếu mua hàng trị giá 30.000đ. Còn tại siêu thị Lotte Mart có chương trình Sức mạnh Việt Nam. Theo đó, siêu thị đã ký kết hợp đồng với nông dân, ngư dân và các công ty vừa và nhỏ trong nước để được mua sản phẩm giá gốc, vừa hỗ trợ cho đơn vị sản xuất yên tâm về đầu ra, vừa giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đúng giá.