Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung tay xây dựng và bảo vệ hạ tầng xe buýt

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mạng lưới xe buýt hiện nay của TP hiện có 2.210 điểm dừng xe buýt, 363 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển (Long Biên, Cầu Giấy, Nhổn, Trần Khánh Dư, Hoàng Quốc Việt), 76 điểm đầu cuối và 1,3 km đường dành riêng trên đường Yên Phụ.

Trong quá trình khai thác sử dụng, hiện tượng chiếm dụng, xâm phạm hạ tầng xe buýt hiện đang diễn ra nhức nhối cả trong khu vực nội đô lẫn ngoại thành Hà Nội. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và ý thức bảo vệ, giữ gìn của người dân, vấn nạn này sẽ vô phương giải quyết.

Nhiều hành vi phá hoại

Hiện trên rất nhiều vị trí có hạ tầng xe buýt, đặc biệt là tại các nhà chờ, điểm trung chuyển thường xuyên xuất hiện tình trạng bán hàng rong, xe ôm tụ tập hoạt động một cách tự phát. Mặc dù chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp can thiệp xử lý, nhưng hiện tượng này vẫn tiếp diễn khiến nhiều hành khách ngần ngại khi lựa chọn xe buýt để di chuyển. Thậm chí, một số nơi tại khu vực ngoại thành khi việc kiểm tra của các lực lượng chức năng còn hạn chế, người dân còn tự ý xê dịch điểm dừng chờ xe buýt đến khu vực trước cửa nhà mình để tiện… bán nước, trông xe… Không chỉ như thế, các điểm dừng, nhà chờ còn bị chiếm dụng dán quảng cáo, rao vặt trái phép tạo hình ảnh nhếch nhác, kém thẩm mỹ với các vết giấy dán, vết sơn mực xuất hiện ở nhiều nơi vừa gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến công năng sử dụng của điểm dừng chờ xe buýt.

Trạm trung chuyển Long Biên. Ảnh: Công Hùng

Một vấn nạn khác là tình trạng dừng đỗ trái phép của xe khách liên tỉnh, xe cá nhân tại các điểm dừng chờ xe buýt. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nói: “Xe buýt là để phục vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), giảm thiểu áp lực, nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Thế nhưng nhiều điểm dừng chờ lại đang trở thành nơi đỗ xe, đón trả khách vô tội vạ, gây cản trở giao thông nghiêm trọng”.

Hiện cả TP mới chỉ có 1,3km đường dành riêng cho xe buýt, mức độ ưu tiên còn quá thấp. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng xe buýt lại đang bị một bộ phận không nhỏ người dân chiếm dụng để phục vụ mục đích riêng, gây hư hại, biến tướng công năng sử dụng. Nếu không có những biện pháp quản lý, giữ gìn hữu hiệu, chẳng những hạ tầng phục vụ xe buýt sẽ nhanh chóng xuống cấp mà còn làm xấu đi hình ảnh xe buýt Hà Nội, khiến người dân ngày càng rời xa loại hình VTHKCC chủ yếu này.

Tăng cường quản lý

Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện nay, luồng tuyến, hạ tầng xe buýt Thủ đô đang có rất nhiều thay đổi, mất ổn định. Trung bình mỗi năm có tới 4.000 lượt điều chỉnh thông tin, điều chỉnh vị trí hoặc thu hồi các điểm dừng, 80 lượt điều chỉnh lộ trình; năm 2015, riêng QL6 đã phải thu hồi, di chuyển 22/28 điểm dừng, QL32: 16/40 điểm. Cùng với đó là số lượng điểm dừng, nhà chờ bị xâm phạm bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu không thể thống kê kịp. Ông Hải khẳng định: “Muốn giải quyết được tồn tại này ngoài việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước của ngành GTVT còn cần có sự chung tay vào cuộc của nhiều cơ quan, lực lượng có trách nhiệm và của cả người dân”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trước hết cần đề cao, thúc đẩy vai trò quản lý của chính quyền địa phương tại những nơi có hạ tầng xe buýt. Tiếp theo, cần có sự kiểm tra, kiểm soát liên tục, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm hạ tầng của các lực lượng chức năng. Ông Khuất Việt Hùng đề xuất: “Thanh tra Sở GTVT, CSGT, CSTT cần liên tục tuần tra, phạt thật nặng những trường hợp dừng đỗ phương tiện trong phạm vi dừng chờ của xe buýt. Xóa được hành vi này sẽ giảm đáng kể tình trạng cản trở gây ùn tắc giao thông, đặc biệt là khu vực nội đô”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội cần xây dựng bộ khung tiêu chuẩn cho việc vận hành, duy trì, quản lý hệ thống hạ tầng xe buýt; đồng thời cũng cần có phân định trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị chức năng liên quan bao gồm các việc duy tu sửa chữa, giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra xử lý và tuyên truyền giáo dục. Như thế mới mong quản lý, duy trì tốt và phát huy được vai trò của hạ tầng xe buýt.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân

Một hoạt động cũng không kém quan trọng trong việc bảo vệ giữ gìn hạ tầng xe buýt là chính quyền địa phương cùng các đơn vị chức năng liên quan phải thường xuyên phối hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân tạo sự đồng thuận, giúp sức của người dân để bảo vệ được hạ tầng xe buýt một cách hiệu quả. Nguyên Giám đốc Sở GTVT Hà Tây (cũ) Phạm Tuấn Sơn khẳng định: “Dù có quản lý chặt chẽ đến mấy mà thiếu sự đồng thuận, giúp sức của người dân thì đừng mong bảo vệ được toàn vẹn hạ tầng xe buýt”. Ông Sơn chia sẻ thêm, điểm dừng, nhà chờ xe buýt hầu hết đều nằm trước cửa nhà dân, họ là lực lượng thường trực bên cạnh hạ tầng xe buýt. Trong khi đó lực lượng chức năng không phải chỉ có mỗi một việc là đi bảo vệ điểm dừng, chờ. Bởi thế, nếu không kêu gọi được người dân cùng chung tay giữ gìn thì tình trạng xâm phạm, chiếm dụng sẽ không thể chấm dứt.

Thượng úy Phạm Văn Trọng - Phó trưởng Công an phường Mộ Lao, quận Hà Đông cho rằng, công tác tuyên truyền để người dân cùng bảo vệ hạ tầng xe buýt muốn có kết quả phải thông qua các đoàn thể địa phương. Nếu phát huy được vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… cùng tham gia vận động sẽ đạt hiệu quả lâu dài, thiết thực. “Việc tuần tra, giữ gìn trật tự quanh các điểm dừng chờ xe buýt chỉ là một phần, không có sự đồng thuận, chia sẻ trách nhiệm của người dân thì bao nhiêu lực lượng cũng không đủ để bảo vệ”.

Không chỉ việc bảo vệ, giữ gìn, ngay cả những công tác như vệ sinh, bóc gỡ quảng cáo, rao vặt trên các điểm biển xe buýt cũng rất cần được người dân và các đoàn thể địa phương chung tay, góp sức. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng cần lên án mạnh mẽ những trường hợp thiếu ý thức, chiếm dụng không gian dành cho xe buýt để dừng đỗ xe với bất kỳ mục đích gì. Đây là loại hành vi thể hiện sự ích kỷ, thiếu hiểu biết, thiếu ý thức gây cản trở sự lưu thông không chỉ của xe buýt mà còn cả các phương tiện khác. Thậm chí, ngoài xử phạt hành chính, cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp như thông báo vi phạm đến cơ quan, nơi ở của những cá nhân này để tăng tính răn đe, giáo dục ý thức. Có như vậy mới mong hạn chế, dần dần tiến tới xóa bỏ những hành vi xâm hại, chiếm dụng hạ tầng xe buýt trên địa bàn Thủ đô.