Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chúng tôi đi….

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong một năm qua, để thực hiện nhiệm vụ được giao, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nghe nhiều điều. Và sau những chuyến đi ấy, mỗi vùng đất, mỗi cuộc đời đã để lại những ấn tượng khó phai trong tâm tưởng cũng như in dấu đậm nét trên những bài viết, trang phóng sự , ghi chép hay, thiết thực, được độc giả đánh giá cao.

Kỷ niệm nhỏ trên quê Bác

Đã nhiều lần được về thăm quê hương Bác Hồ, nhưng mãi đến chuyến công tác cùng đoàn lãnh đạo TP Hà Nội đến thăm và làm việc với các tỉnh Bắc Trung Bộ giữa tháng 5 năm 2012, chúng tôi mới được đến thăm quê Bác đúng vào ngày sinh nhật Người. Có lẽ cũng vì cái duyên ấy, mà anh em phóng viên mong muốn được viết bài về những ngày ở lại trên quê hương Nam Đàn. Và chúng tôi về quê Bác trong cái tâm thế đầy khấp khởi ấy.  
 
Trong vô vàn cảm xúc đan xen, điều làm chúng tôi nhớ mãi chính là cuộc gặp gỡ với chị Trần Thị Thao, một hướng dẫn viên đã gắn bó với nơi đây hơn 20 năm. Nhớ, không hẳn là những câu chuyện chị kể về những kỷ niệm với mảnh đất này, mà còn ở cái cách chị trân trọng và nâng niu những kỷ niệm. Chị bảo, chị nhớ nhất kỷ niệm cũng vào tháng 5 năm 1994 có một đoàn khách cấp cao của TP Hồ Chí Minh ra thăm quê Bác, sau khi đoàn rời đi, một cán bộ tên Ba đã xin ở lại, một tay cầm cánh võng bật khóc, rồi cầm tay chị bảo: "Cháu đang làm nghề có ích, lời thuyết minh của cháu làm nhiều người rơi nước mắt, mà mỗi lần rơi nước mắt là một lần biết răn mình đấy cháu ạ". 12 năm sau, chị cũng được tiếp đoàn khách từ TP Hồ Chí Minh và cơ duyên cho chị gặp lại bác, được bác gửi thư với những lời cảm ơn tràn đầy xúc cảm. 

Lá thư ấy với chị như một món quà quý giá trong cuộc đời. Mọi người trong đoàn ngỏ ý muốn xem lá thư. Khi biết rằng, đoàn chúng tôi sẽ trở lại vào ngày hôm sau, dù không phải ca trực, chị đã cất công mang lá thư đến, ngại ngùng đưa cho mọi người xem. Lá thư được giữ gìn cẩn thận đủ cho thấy nó ý nghĩa thế nào với chị. Chị bảo: "Không biết chị có nghĩ quá không, nhưng kỷ niệm nhỏ ấy thôi cũng giúp chị thấy yêu thêm công việc của mình". Còn về phía chúng tôi, câu chuyện nhỏ ấy cũng làm mọi người trong đoàn thấy chuyến đi về quê Bác lần này có thêm một điều đáng nhớ.

Minh Hiền

Nước Đức cũng luôn phải… cải cách hành chính  

Những năm gần đây, việc tiếp khách quốc tế của lãnh đạo thành phố, không chỉ là chuyện xã giao, mà đề cập cả những vấn quan hệ giữa chính quyền và người dân, trong đó có chuyện cải cách hành chính. 

Chúng tôi đi…. - Ảnh 1
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tiếp ngài Ralf Wieland, Chủ tịch Nghị viện TP Berlin, ngày 14/11/2012.


… Năm 2012, trong lần gặp gỡ với Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, ngài Ralf Wieland, Chủ tịch Nghị viện TP Berlin (thủ đô CHLB Đức), bày tỏ thực sự ngưỡng mộ trước tốc độ phát triển nhanh về kinh tế, đô thị của Hà Nội… Được khen ai chẳng thích, nhưng nghe xong, Chủ tịch TP nói với ngài Chủ tịch Nghị viện Berlin, đại để, Hà Nội còn phải học nước Đức nhiều, nhất là vấn đề giao dịch hành chính, quản lý đô thị, giao thông,  nước được coi là hoàn thiện nhất châu Âu về vấn đề này. Ngài Ralf Wieland cười vang và quay sang Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói: - Ồ!  vấn đề này, chúng tôi cũng không ngừng phải nỗ lực. 

Rồi ông kể: "Ba năm trước khi chuyển nhà, ông mất đứt một tuần, đến 3 cơ quan Nhà nước để làm thủ tục thay đổi địa chỉ, đăng ký, bằng lái xe ô tô… Cũng việc này, nay chỉ phải đến một nơi và mất 15 phút để hoàn tất mọi công việc nêu trên thông qua mạng internet"!. 

Rồi ông kết lại một câu: “Đối với nhà đầu tư, thời gian là… Vàng! Bởi vậy, muốn phát triển, thì công tác cải cách hành chính luôn phải được ưu tiên hàng đầu!” - ông Ralf Wieland nói và bày tỏ, Berlin sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm này. 

Tôi chợt nghiệm ra, công tác cải cách hành chính không chỉ riêng ta, mà ở đâu cũng cần nỗ lực.

Anh Quý

Cảm nhận miền Tây 

Từ 11 đến 16/6/2012, tôi may mắn được đi công tác cùng đoàn cán bộ lãnh đạo TP do Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến dẫn đầu tới thăm và làm việc với năm tỉnh, TP miền Tây Nam Bộ (Cần Thơ, Long An, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp). Đó là chuyến công tác xa đầu tiên trong đời tôi khi mới chập chững vào nghề báo. Mảnh đất Tây Nam Bộ mở ra trước mắt là những cánh đồng bao la, bát ngát với kênh, rạch chằng chịt như tơ trời. 

Chúng tôi đi…. - Ảnh 2

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến thăm gia đình ông Trần Minh Hòa.Ảnh: Hồ Hạ.


Được nghe Đờn ca tài tử, thưởng thức những món ăn đặc sản, thăm chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ là những trải nghiệm thú vị đối với tôi. Nhưng quan trọng hơn, tôi đã hiểu được tính cách con người nơi đây. Họ sống khảng khái, phóng khoáng cùng ý chí kiên định, mạnh mẽ.

Có lẽ, không chỉ tôi mà tất cả những thành viên đoàn công tác vẫn còn nhớ nghị lực phi thường của ông Trần Minh Hòa, 45 tuổi, thương binh đặc biệt, ở khóm Tây Khánh 7, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, An Giang. 

Năm 27 tuổi, khi làm nhiệm vụ rà mìn bên Campuchia, ông đã bị mất đôi chân sau một tai nạn, nhưng ông vẫn nỗ lực hết mình để trở thành người tàn nhưng không phế. 11 năm trước, ông lấy một cô giáo làm vợ. Hạnh phúc tưởng chừng đã trọn vẹn thì bất ngờ vợ ông bỏ đi sau 2 tháng sinh đứa con gái thứ hai. Bỗng dưng, ông lâm vào cảnh "gà trống tàn" nuôi con còn đỏ hỏn. Khó khăn là thế nhưng người lính ấy chưa bao giờ nản lòng. Ông tâm sự: "Dù thế nào tôi cũng quyết tâm nuôi hai con ăn học đến nơi, đến chốn". Di chuyển bằng cách cầm hai chiếc ghế gỗ thay chân khó nhọc là thế, ông vẫn nuôi cá để có tiền cho con ăn học. Đặc biệt, ông phải lái chiếc xe máy tự chế đưa hai con đến trường học chừng 10km mỗi ngày. 

Hiện tại, con gái lớn của ông đã học lớp 5, cô con gái nhỏ học mẫu giáo lớn. Có lẽ, vì vất vả và suy nghĩ quá nhiều nên người đàn ông sinh năm 1968 tóc đã bạc trắng. Tới thăm gia đình ông, ai cũng xúc động. Đồng chí Tưởng Phi Chiến cũng không ngăn nổi dòng lệ, ôm hai con gái của ông Hòa vào lòng dặn dò: "Các con phải ngoan, chăm chỉ học tập và giúp đỡ ba Hòa công việc nhà nghe!". 

Rời xa mảnh đất Tây Nam Bộ, lòng tôi đầy nuối tiếc. Đó là một hành trình ngắn ngày nhưng đọng lại trong tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Hồng Hạnh

Nơi ấy, chị tôi!

Sau gần 15 năm thành lập, cán bộ, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều chuyến công tác, tháp tùng ra nước ngoài nhưng tôi may mắn được góp mặt trong đoàn công tác hợp tác quốc tế chính thức đầu tiên của báo. Năm 2011, báo Kinh tế & Đô thị ký Thỏa thuận hợp tác với báo Viêng Chăn Mai (Viêng Chăn mới) - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô Viêng Chăn (Lào). 

Đây là hoạt động hợp tác quốc tế đầu tiên của báo Kinh tế & Đô thị và năm 2012, đoàn công tác của báo Kinh tế & Đô thị đã chính thức xuất ngoại bằng "nội lực" theo lời mời của báo Viêng Chăn Mai.

Chúng tôi đi…. - Ảnh 3

Phó Tổng Biên tập báo Viêng Chăn Mai Kẹo Xỏn (thứ hai bên phải) với đoàn công tác báo Kinh tế & Đô thị tại Luông Pra Băng (Lào).


Đón chúng tôi ở sân bay Luông Pra Băng là một phụ nữ Lào mặn mà và nhanh nhẹn với nụ cười tươi rói. Đó là Phó Tổng Biên tập báo Viêng Chăn Mai Kẹo Xỏn, nụ cười tươi rói của chị đã xóa tan khoảnh khắc lạ lẫm khi lần đầu đặt chân sang nước bạn và đủ để nhen ấm lòng người vừa xa nhà. Và ấn tượng đầu tiên đó đã theo tôi trong suốt cả tuần ở Lào, chị luôn như một người chị ruột thịt, thân thiết, gần gụi, lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ với nụ cười luôn tỏa nắng trên môi. Khi leo núi Phou si, chị cầm theo chiếc quạt giấy tranh thủ quạt cho mọi người khi nghỉ chân. Mặc dù chiếc quạt nhỏ xíu không thể xua hết nắng nóng trời Lào, không đủ ngăn hết những giọt mồ hôi trên người nhưng lại đủ để lòng tôi mát rượi. Lúc thăm thác Kuang xi, thấy tôi đứng tần ngần trước một loài hoa lạ, chị ngắt luôn một bông tặng tôi, mặc dù trước khi ra cổng chị vẫn dặn: "Phải cất đi, kẻo người ta phạt vì tội bẻ cây". Thấy tôi than đau chân, chị chạy đôn đáo tìm đúng loại dầu nóng tốt nhất cho tôi. 

Suốt cả tuần trời ở cùng chị, tôi cứ "ích kỷ" hưởng trọn vẹn tấm tình nồng ấm, chu đáo và nụ cười tỏa nắng của chị, đâu biết rằng chị đang rất lo cho một việc đại sự đối với người Lào là chuẩn bị lễ cưới cho cô con gái duy nhất trong nhà. Phải trước khi lên máy bay về nước, ôm chị để nói lời tạm biệt, tôi chỉ có thể thốt lên một câu tận đáy lòng: "Chị thật đúng là chị gái em!".

Nguyên Nguyên

Nét Huế

Đã là lần thứ tư, nhưng mỗi dịp đến Huế vẫn cho tôi cảm giác khác lạ: Tình cảm lắm, trầm mặc lắm, thân thương và cả nét hơi buồn buồn níu kéo trong lòng. Giữa cái nồng nhiệt của những ngày Festival, tôi vẫn thích chọn cho mình lối riêng là lang thang qua các con phố nhỏ, giữa hai hàng cây xào xạc lá, hòa mình vào sự cổ kính của Cố đô.

Chúng tôi đi…. - Ảnh 4
 
Phóng viên Quốc Toản và hướng dẫn viên của một công ty du lịch TP. Huế.
 
Đi cả buổi chiều, chân đã  mỏi, trời lại lất phất mưa, ghé quán cơm nhỏ bên thành nội thấy thật ấm áp. Gọi điện thoại cho một đồng nghiệp cũng vừa từ Hà Nội vào, đến để cùng thưởng thức hương vị ẩm thực Huế. Thấy món gì cũng ngon, cũng hấp dẫn cả, lại đang cơn đói, anh bạn gọi liền lúc 6 - 7 đĩa ăn cho thỏa. Chị chủ quán cười tủm tỉm, nói thật nhẹ: "Các anh gọi nhiều quá, sợ ăn không hết, uổng phí ra. Thế này nhé, em cứ làm trước cho anh 3 món, sau đó nếu anh muốn ăn nữa, em sẽ nấu tiếp. Như thế đồ ăn vừa nóng, vừa ngon, vừa đủ". 

Nếu ở nơi khác, chắc người ta mời chào nhiệt tình để du khách gọi càng nhiều món càng tốt thì ở Huế lại ngược lại. Đây đúng là nét Huế mà tôi và chắc là bất kỳ du khách nào cũng nhớ khi đặt chân đến nơi đây.

Quốc Toản

Nước ngọt ở Trường Sa

Đối với những người lính đóng quân trên quần đảo Trường Sa, nước ngọt  là "máu" bởi đều được vận chuyển từ đất liền ra, chính vì vậy mà mỗi khi có khách từ đất liền ra thăm đảo, họ đem thứ quý giá nhất là nước ngọt ra "chiêu đãi". 

Trên tất cả các đảo từ đảo nổi đến đảo chìm khi bước chân lên đảo, chúng tôi đếu thấy những chậu nước trong vắt được những người lính cẩn thận đem ra đặt ở cầu cảng. Chính trị viên đảo Cô Lin, Đại úy Lý Tiến Công nhà ở quận Hoàng Mai, Hà Nội hồ hởi mời khách rửa mặt, mong làm vơi đi cái nóng ngột ngạt cùng hơi nước mặn bám vào. Vậy, phải chăng Trường Sa không còn thiếu nước? 

Chúng tôi đi…. - Ảnh 5
 
Phóng viên Hoài Nam đến với Trường Sa.



Những người lính đảo bảo, hiện nay mặc dù vấn đề nước ngọt đã được cải thiện rất nhiều, bởi đảo nào cũng có bể chứa nhưng tại đảo chìm, nước là vàng, nước là thuốc phải tiết kiệm từng giọt, không những để sống mà còn để chiến đấu. Ở đảo chìm, mỗi ngày tiêu chuẩn của một người lính đảo chỉ có 10 lít nước để đánh răng, rửa mặt, tắm giặt. Lắm khi nước khan hiếm, mỗi người lính chỉ sử dụng 5 lít/ngày, chủ yếu để dành nước đánh răng và rửa mặt.

Trên đảo Sinh Tồn, khi tôi ngỏ lời muốn tắm cho đỡ hơi muối mặn, Chuẩn úy Nguyễn Văn Đạt (quê Hà Nội) thì thầm, muốn tắm phải chờ? Lát sau, Đạt mới bảo giờ này mới là ca trực của đứa bạn, nó mới có chìa khóa phuy nước dự trữ "chiến lược" của phân đội làm bằng tec sắt nên không bị nhiễm mặn như bể xây, anh tắm mới hết muối biển. Nghe Đạt nói lòng bỗng thấy rưng rưng bởi ở Trường Sa các bồn chứa nước đều ghi dòng chữ: "Nước là vàng"; thế nhưng lính đảo chìm đã đem những gì quý nhất trên đảo ra để "đãi" khách chỉ bởi lý do duy nhất là các anh mang hơi ấm từ đất liền ra đảo!Chuyện nước ngọt tại quần đảo Trường Sa là một trải nghiệm khó quên trong đời làm báo của tôi.

Lê Nam