Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến tháng 9 năm nay, cả nước đã có 45 địa phương có mô hình liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong tổng số 382 chuỗi thực phẩm an toàn, đã có 92 chuỗi được cấp giấy xác nhận. Sản phẩm an toàn chủ yếu gồm rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại…
Cùng với xây dựng các chuỗi, Bộ NN&PTNT cũng đẩy mạnh việc ký kết với hàng trăm doanh nghiệp cung ứng nông sản thực phẩm an toàn để nhân rộng các mô hình và địa chỉ cung ứng nông sản sạch tại các thành phố lớn...
Chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tạo ổn định đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Nguyễn Tiến Đạt ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, mua thực phẩm tại một trong những “địa chỉ xanh” bán nông sản an toàn do Bộ NN&PTNT tổ chức chia sẻ: “Gia đình hay mua nông sản ở các siêu thị để đảm bảo an toàn. Mua thực phẩm tại các địa điểm bán nông sản sạch sẽ yên tâm bởi những mặt hàng đều được kiểm tra, kiểm soát về chất lượng”.Trong khi đó, bà Trần Thị Tâm, nhà ở quận Ba Đình (Hà Nội) thì cho rằng, đến với chợ nông sản sạch là mong muốn mua được sản phẩm sạch đúng chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. “Những hội chợ này cần tổ chức thường xuyên và gần các khu dân cư, giúp người dân sẽ có thêm điều kiện tiếp cận với những sản phẩm an toàn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”, bà Tâm góp ý.
Sau gần 1 năm thực hiện chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho người dân Thủ đô với sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố trên cả nước, thành phố Hà Nội cơ bản đã kiểm soát được những nông sản, thực phẩm qua chương trình kết nối tiêu thụ vào Hà Nội như chuỗi rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hòa Bình, Sơn La, chuỗi gà thịt Dabaco của tỉnh Bắc Ninh…
Từ chỗ chỉ có 180 dòng sản phẩm, đến nay tại thành phố Hà Nội đã có khoảng 1.800 mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch của các địa phương được bày bán ở 142 điểm phân phối, với sự tham gia của 52 doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám Đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, hệ thống phân phối bán hàng ở Hà Nội hiện đang rất quan tâm đến các nông sản đặc sản của từng tỉnh thành.
“Trong cam kết với trung tâm, các địa phương phải tự kiểm soát và chịu trách nhiệm về chất lượng khi cung ứng sản phẩm cho thị trường Hà Nội. Phía Hà Nội sẽ kiểm tra và thông báo cho địa phương nếu phát hiện sản phẩm mất an toàn để kiểm tra và điều chỉnh cơ sở sản xuất. Tồn tại lớn nhất trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ở các địa phương hiện nay là chưa quan tâm đúng mức đến mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu và thương hiệu”, ông Chí nêu rõ.
Theo các chuyên gia, để phát triển chuỗi và điểm bán nông sản an toàn, qua đó mở rộng cơ hội cho người dân tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn cần phải coi doanh nghiệp là “hạt nhân” và “đầu tàu”, đóng vai trò quyết định từ liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, phân phối trực tiếp nông sản thực phẩm an toàn trên thị trường.
Theo đó, việc kết nối giữa doanh nghiệp và người nông dân sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất nông sản, từ đồng ruộng, chuồng trại đến bàn ăn theo đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế, ngoài ra còn giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tăng doanh số bán hàng.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Thủy sản tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, những năm trước doanh nghiệp chỉ bán hàng trong địa bàn tỉnh nên sản lượng đạt thấp, thu mua nguyên liệu của người nuôi trồng thủy sản chỉ mang tính chất mùa vụ,
Tuy nhiên, khi tham gia và cung ứng chuỗi thực phẩm sạch cho Hà Nội, doanh số của doanh nghiệp tăng lên, đồng nghĩa với việc khuyến khích người dân nuôi trồng nhiều hơn để cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, việc đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản không chỉ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với nông sản của nước ngoài ngay tại thị trường nội địa.
Việc đẩy mạnh kết nối sẽ giúp cho các doanh nghiệp phân phối tiếp cận gần hơn với các hộ sản xuất nông sản an toàn, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn khép kín, đáp ứng mục tiêu năm cao điểm 2016 đảm bảo an toàn thực phẩm mà ngành đang triển khai. Khâu yếu nhất hiện nay là việc kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tiêu thụ nông sản an toàn.“Việc kết nối sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo thêm nhiều cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận nông sản an toàn, đồng thời thúc đẩy sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch. Đây cũng là trọng tâm mà ngành nông nghiệp đang hướng tới trong năm cao điểm 2016 về đảm bảo an toàn thực phẩm. Vấn đề ở đây là cần có các giải pháp mạnh hơn nữa trong việc tập trung xây dựng các chuỗi sản xuất an toàn có xác nhận của cơ quan quản lý và kết nối đến người tiêu dùng”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ rõ.
Xây dựng nông nghiệp an toàn, loại bỏ dần những sản phẩm bẩn ra khỏi xã hội không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà rất cần sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan. Trong đó, quan trọng nhất là lòng tin của người tiêu dùng và những cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất nông sản sạch./.