Chương trình hành động của Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu đến cử tri của TP Hà Nội tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, ứng cử viên đơn vị bầu cử số 4 gồm quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm.

 
BÀ VŨ THỊ LƯU MAI

Sinh ngày: 22/8/1972

ThS Luật chuyên ngành Kinh tế; Cao cấp lý luận Chính trị

Đại biểu Quốc hội khóa XIV;

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Tiểu ban Đầu tư công của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;

Phó Chủ tịch Hội nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Séc;

Thành viên Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam
Nếu tiếp tục được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Đề xuất loại bỏ những quy định pháp luật có tính cục bộ, dẫn đến tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, gây thiệt hại ngân sách... Đề xuất sửa đổi luật về đất đai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất..., bảo đảm quyền lợi người dân, tránh thất thoát ngân sách; đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận, xác lập quyền sử dụng đất đai, nhà ở mà người dân sử dụng hợp pháp. Hoàn thiện chính sách thuế, phí, lệ phí, cắt bỏ khoản thu bất hợp lý, miễn, giảm thuế trong bối cảnh dịch bệnh. Cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện Chính phủ số, minh bạch hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch...

2. Tăng cường hoạt động giám sát ở các nội dung như: Tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ngân sách, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, bình ổn giá trong dịch bệnh. Tích cực chống tham nhũng, kiểm soát, công khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo, bảo vệ người tố cáo tham nhũng...

3. Tham gia đề xuất, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: Tăng ngân sách phòng, chống, khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19. Tăng cường nguồn lực tài chính nhằm hoàn thiện, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trên địa bàn, hoàn thành dứt điểm các dự án hạ tầng. Thực hiện nghiêm lộ trình cải cách tiền lương. Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

4. Giải quyết đơn thư; tiếp dân, lắng nghe kiến nghị cử tri. Tích cực bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em; tham gia hoạt động từ thiện...

Kinh tế đô thị cuối tuần