Thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/01 tới. Thông tin trên đã được phía Iran và các nước phương Tây cùng xác nhận và nhận được sự phản hồi tích cực từ các bên liên quan.
Hãng thông tấn Iran IRNA dẫn lời trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi ngày 12/01 cho biết, thỏa thuận bước ngoặt mà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đạt được với Nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/1 tới.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi (Ảnh: PressTV)
|
Theo đó, Iran sẽ cho phép các thanh sát viên Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran cũng như các dây chuyền sản xuất máy li tâm của nước này để xác nhận là Iran đã tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận đã ký giữa nước này với các cường quốc phương Tây về chương trình hạt nhân. Điểm mấu chốt trước khi thỏa thuận này được thông qua là vướng mắc giữa Iran và Mỹ về việc giải tỏa hàng tỉ đô la tài sản của Iran bị “đóng băng” ở nước ngoài, cuối cùng cũng đã được hai bên thỏa hiệp.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Abbas Araqchi nhấn mạnh: “Thỏa thuận giữa Iran và các nước P5+1 liên quan đến phương pháp thực thi bước đầu tiên của kế hoạch hành động chung được biết đến là thỏa thuận Geneva đã được hoàn tất. Hai bên đã đạt được nhận thức chung về phương pháp thực thi thỏa thuận”.
Ông Araqchi nói thêm: “Theo đó, bước đầu tiên của thỏa thuận sẽ được thực hiện vào ngày 20/01 tới. Trong đó, Khoản tài sản bị đóng băng của Iran ở nước ngoài trị giá 4,2 tỷ USD sẽ được giải tỏa, để đổi lại, Iran cũng sẽ đình chỉ một phần chương trình hạt nhân Iran. Thỏa thuận giữa hai bên sẽ được thực hiện trong thời gian 6 tháng”.
Thông tin trên đã được các nước phương Tây xác nhận và nhận được phản hồi tích cực từ các bên liên quan. Trong một tuyên bố, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton đã đánh giá cao thỏa thuận đạt được, cho rằng thỏa thuận đặt nền tảng minh bạch, nhanh chóng và tạo thuận tiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Iran và các nước phương Tây.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì gọi thỏa thuận là một bước đi tích cực hướng đến những mục tiêu mà Iran và nhóm P5+1 cùng hướng tới.
Giới chức Mỹ cũng đánh giá cao song thỏa thuận đạt được nhưng vẫn có sự dè dặt đối với chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, ông hoan nghênh bước tiến này và kêu gọi các bên tiếp tục tập trung vào các nội dung quan trọng để sớm đạt được một thỏa thuận toàn diện.
Cũng theo ông Obama, Mỹ và các nước khác sẽ bắt đầu “nới lỏng một cách hạn chế” các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran với điều kiện là Iran phải thực hiện trách nhiệm của họ trong thỏa thuận với nhóm P5+1 hồi tháng 11/2013.
Tổng thống Obama cũng cho biết, sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để chống lại bất cứ đề xuất trừng phạt mới nào được Quốc hội Mỹ thông qua trong giai đoạn đàm phán sắp tới với nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, ông khẳng định Mỹ có thể sẽ gia tăng trừng phạt nếu Iran không thực hiện đúng thỏa thuận của mình.
Quan điểm của Mỹ cũng đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kery xác nhận trong một cuộc họp báo khi tham dự Hội nghị những người bạn Syria diễn ra tại Paris (Pháp).
Ông Kerry nói: “Chúng tôi nhận thức rõ về những thách thức lớn hơn mà chúng tôi sẽ phải đối mặt trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân Iran. Chúng tôi cũng hiểu rằng, các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ còn rất nhiều khó khăn song đó sẽ là cơ hội tốt nhất để chúng ta có thể giải quyết được các vấn đề an ninh một cách hòa bình và lâu dài”.
Trong một diễn biến mới nhất, theo một nguồn tin ngoại giao Mỹ, đầu tháng 2 tới, Iran sẽ nhận được khoản giải ngân đầu tiên 550 triệu USD trong số tài sản trị giá 4,2 tỷ USD được dỡ bỏ phong tỏa theo thỏa thuận đạt được với nhóm P5+1.
Hoạt động giải ngân sẽ được chia làm hai chương trình, trong đó chương trình thứ nhất được tiến hành trong 6 tháng (dự kiến từ 3/2 - 21/7) và chia thành 6 đợt giải ngân với mỗi đợt 550 triệu đô la. Chương trình thứ hai sẽ giải ngân 900 triệu đô la còn lại, chia đều thành hai đợt vào các ngày 1/3 và 15/4. Việc giải ngân theo chương trình hai sẽ được thực hiện dựa trên kết quả Iran “làm loãng” kho urani cấp độ 20% xuống mức dưới 5%.
Có thể thấy, thỏa thuận nêu trên giữa Iran và các nước phương Tây là một thành công lớn đối với Tổng thống Iran Hassan Rowhani, người giành chiến thắng ngay từ vòng một trong cuộc bầu cử tổng thống tại nước này hồi năm ngoái, với cam kết có cách tiếp cận linh hoạt hơn với phương Tây sau 8 năm đàm phán bế tắc.
Dù mới chỉ là bước đi ban đầu song nó đã phần nào giúp người dân Iran giảm bớt áp lực cấm vận của quốc tế, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân cũng như góp phần ổn định hòa bình khu vực và quốc tế.