Sau gần 2 năm thực hiện Kế hoạch 166/KH-UBND ngày 30/11/2012 của UBND TP về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015 (Kế hoạch 166), đời sống của người dân tại 14 xã miền núi thuộc 5 huyện: Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức bước đầu đã có sự đổi thay. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại những xã này vẫn còn nhiều khó khăn dẫn tới nguy cơ một số chỉ tiêu của Kế hoạch 166 khó có thể cán đích vào năm 2015.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của TP và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, bộ mặt của các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Thủ đô đã bước đầu có chuyển biến, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.
Đổi thay diện mạo
Tuy là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất Thủ đô (35,7%) song gần hai năm thực hiện Kế hoạch 166, bộ mặt của xã Ba Vì, huyện Ba Vì với 98% đồng bào dân tộc Dao đã đổi thay từng ngày. Chị Trần Thị Hiền (thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì) chia sẻ, những năm trước, mỗi khi hai con đến trường là gia đình lại nơm nớp lo vì đường xa, khó đi. Nhờ thực hiện Kế hoạch 166 của TP, trường THCS Hợp Nhất, xã Ba Vì đã được xây dựng, đường đến trường của con em các thôn, xóm của xã đã thuận lợi hơn.
Tại huyện Thạch Thất, ông Trần Đức Nguyên - Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, trong vòng gần 2 năm qua, số vốn đầu tư cho 6 dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện lên tới gần 60 tỷ đồng, bằng vốn đầu tư của hàng chục năm trước. Dù các dự án thuộc Kế hoạch 166 mới chỉ thực hiện được khoảng 70 - 85% khối lượng nhưng kết hợp cùng các dự án đã hoàn thành thuộc Chương trình 135 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi đã và đang góp phần thay bộ mặt và chất lượng cuộc sống nơi đây.
Nâng cao đời sống
Thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo tại các xã DTTS, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội TP triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo để giải quyết việc làm. Mức phí cho vay ưu đãi là 0,3%/tháng đối với hộ nghèo và 0,4%/tháng đối với hộ cận nghèo, thấp hơn mức phí của T.Ư quy định (0,65%/tháng). Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại 14 xã vùng đồng bào DTTS đã giảm từ 18,91% năm 2011 xuống còn 10,71% vào năm 2013 và tính đến đầu năm 2014 là 9,12%. Là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Mỹ Đức, xã An Phú có 1.766 hộ với 8.678 nhân khẩu, trong đó có tới 70% là đồng bào dân tộc Mường. Được sự quan tâm đầu tư của TP, đến nay, 100% hộ dân có điện sinh hoạt, 75% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo còn 19,52%...
Trong khi đó, nếu như trước khi tách từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình) tháng 8/2008, xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) mới có 2km đường dây điện, chủ yếu ở khu vực trung tâm thì chỉ hơn một tháng sau khi sáp nhập về Hà Nội, người dân nơi đây đã có lưới điện kéo về tận nhà phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt, từ khi TP triển khai thực hiện Kế hoạch 166, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống. Tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, tính đến tháng 7/2014, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,4%. Còn tại huyện Quốc Oai, đến tháng 6/2014, huyện đã hoàn thành 5/8 chỉ tiêu thuộc Kế hoạch 166, đời sống vật chất, tinh thần của khoảng 6.100 đồng bào DTTS tại xã Phú Mãn và Đông Xuân đã có chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm của TP, những năm qua, huyện Ba Vì đã hoàn thành việc tu sửa khoảng 1.000 nhà dột nát cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn. Hiện, huyện Ba Vì đang kiến nghị UBND TP bổ sung kinh phí để huyện tiếp tục tu sửa 32 nhà dột nát còn lại. Ngoài các chính sách hỗ trợ chung của T.Ư, TP Hà Nội còn có các chính sách đặc thù như miễn học phí và hỗ trợ 70.000 đồng/tháng cho học sinh đang sinh sống tại các xã miền núi. Đồng thời, từ năm 2014, TP thực hiện cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo. Ngoài ra, TP trợ cấp cho thành viên hộ nghèo thuộc diện già yếu không có khả năng tự phục vụ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động với mức 350.000 đồng/người/tháng.
Dự án xây dựng cầu Ái Nàng, xã An Phú theo Kế hoạch 166 dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Ảnh: Lâm Nguyễn
|
Hà Nội có 14 xã vùng đồng bào dân tộc miền núi: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì); Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai); Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân (Thạch Thất); Trần Phú (huyện Chương Mỹ) và An Phú (huyện Mỹ Đức). |