Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển biến bước đầu trong quy hoạch kiến trúc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa VIII thông qua Luật Thủ đô là sự kiện lớn với Hà Nội khi thể chế hóa nhiều chính sách đặc thù và phân cấp cho Hà Nội thẩm quyền giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu của Thủ đô.

3 năm kể từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực, nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và cộng đồng đã bước đầu được nâng cao.

Ngày 15/7, tại buổi tọa đàm, sơ kết 3 năm thi hành Luật Thủ đô về các chính sách xây dựng, phát triển và quản lý trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, đồng quan điểm với các chuyên gia về những thành tựu đạt được, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng vẫn còn một số vấn đề về quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị cần xem xét, chú trọng hơn trong giai đoạn tới để phát huy hiệu quả của Luật Thủ đô, để xây dựng Hà Nội phát triển bền vững trong tình hình mới.

Chuyển biến tốt...

Theo các chuyên gia, công tác quy hoạch từ đổi mới cơ chế tổ chức, nâng cao chất lượng, phân công, phân cấp được xác lập trong Luật Thủ đô qua 3 năm có nhiều bước tiến lớn. TP đã thông qua cơ bản đồ án quy hoạch chung (33 đồ án), quy hoạch phân khu (33/35 đồ án), khoảng 400 nhiệm vụ, đồ án quy hoạch khu chức năng, thiết kế đô thị. Kèm theo đó là ban hành các văn bản về quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc (quy chế chung, quy chế khu phố cổ, khu phố cũ, công trình cao tầng…) đang xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc quận, thị xã, thị trấn, khu đặc thù; triển khai 100% quy hoạch xã nông thôn mới (401/401 xã). Đồng thời nhanh chóng phối hợp với các bộ, ngành trong lập, ban hành các quy hoạch chuyên ngành như: chương trình phát triển nhà ở, quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, quy hoạch điều chỉnh quy hoạch – xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030…
Phó Giám đốc Sở QH - KT Bùi Xuân Tùng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Vân Hằng
Phó Giám đốc Sở QH - KT Bùi Xuân Tùng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Vân Hằng
Về công tác chỉnh trang đô thị, trong khu vực các quận nội thành hiện nay phần lớn những tuyến đường, ô đất cơ bản ổn định về chỉ giới giao thông và chức năng sử dụng. Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cơ bản đã được triển khai, phê duyệt với khoảng 48 đồ án thiết kế đô thị chưa kể khoảng 46 đồ án giao trước năm 2015. Đặc biệt, những công trình "siêu mỏng, siêu méo" xây dựng hai bên tuyến đường mới mở được TP tập trung chỉ đạo, giải quyết và có giải pháp xử lý cho từng đối tượng.

Ông Bùi Xuân Tùng – Phó Giám đốc Sở QH - KT cho biết, quá trình di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục và các cơ quan, đơn vị ra ngoài khu vực nội đô lịch sử, thời gian vừa qua, Hà Nội đã thực hiện theo đúng Điều 9 Luật Thủ đô: Không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong khu vực nội đô. Đặc biệt, kiểm soát dân số nội đô lịch sử, định hướng giảm dân số trong khu vực này từ 100.000 người xuống còn 45.000 người.
Luật Thủ đô số 25/2012/QH13, được ban hành năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Trong đó những quy định tại Điều 8 về “Chính sách xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô” có vai trò hết sức quan trọng là “việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy định của pháp luật về xây dựng, về quy hoạch đô thị và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Đây là yêu cầu then chốt, tiên quyết trong việc xây dựng phát triển Thủ đô với định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

… nhưng vẫn vướng

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá cao khối lượng đồ án quy hoạch khổng lồ mà Hà Nội đã làm được trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc xây dựng Thủ đô 3 năm qua. “Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại. Nhiều quy hoạch – xây dựng chuyên ngành, quy hoạch vùng Thủ đô mới phê duyệt đã điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Hà Nội duyệt năm 2011. Do vậy cần cập nhật để điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch công trình, thiết kế đô thị đã duyệt. Yêu cầu này nhằm thực hiện yêu cầu của Luật Thủ đô là: “Lập, thực hiện quy hoạch phải công khai, ổn định, đồng bộ, lâu dài” - ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Trong khi đó, theo TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, vấn đề phát triển đô thị còn nhiều bất cập do chưa có giải pháp đồng bộ trong việc GPMB, huy động nguồn vốn từ quỹ đất. “Hà Nội là Thủ đô của cả nước, có vai trò vô cùng to lớn, đã quy hoạch thì phải tập trung phát triển có trọng tâm theo quy hoạch chứ đừng lan man, phân tán” – ông Liêm phân tích.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhắc đến tình trạng “ra khỏi nhà là tắc đường, hễ mưa là ngập, đường mới mọc lên là lại xuất hiện nhà "siêu mỏng, siêu méo” và cho rằng, Hà Nội làm được rất nhiều việc nhưng chỉ cần những tồn tại đó thôi đã ảnh hưởng đến đánh giá của mọi người về bộ mặt đô thị. “Hà Nội trước kia từng được công nhận quy hoạch Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, giống như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng của TP Hồ Chí Minh. Trong khi Khu đô thị Phú Mỹ Hưng ngày càng hiện đại thì Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm lại trở thành nỗi bức xúc lớn. Đó là do không kiểm soát được thực hiện quy hoạch. Nhìn tổng thể có thể nói quy hoạch Thủ đô vẫn lộm cộm” - ông Chính phân tích.

Gỡ như thế nào?

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, bài toán quan trọng nhất là đảm bảo đồng bộ về cơ chế chính sách trong quản lý phát triển mới với khu vực cải tạo đô thị và tái thiết đô thị. Phải đẩy mạnh hơn trong xây dựng thể chế, quy chuẩn, rà soát dự án công trình cao tầng, quy hoạch các khu đô thị đã hình thành (nội đô lịch sử, các khu chung cư cũ, khu nhà ở đã xuống cấp hoặc cải tạo theo quy hoạch, các tuyến đường mới mở hoặc mở rộng…). Trong Luật Thủ đô đã quy định rõ trách nhiệm của HĐND, UBND với các yêu cầu về quy hoạch dự án mở đường, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng cho Thủ đô với khu cải tạo, tái thiết, cải tạo khu chung cư cũ… Đây là những cơ sở pháp lý cần sớm ban hành, có chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt bao gồm rà soát dự án đang triển khai để xây dựng bộ mặt Thủ đô văn minh, hiện đại.

KTS Trần Ngọc Chính lại cho rằng, để giảm áp lực dân số tại trung tâm cần xây dựng nông thôn mới ngoại thành Hà Nội. Kết quả 401 xã đã có quy hoạch nông thôn mới là thành tựu nhưng tổ chức thực hiện quy hoạch còn quan trọng hơn. Từ định hướng này đòi hỏi phải có cơ chế để điểm dân cư nông thôn Hà Nội, nông nghiệp Hà Nội hài hòa với đô thị.

Ông Bùi Xuân Tùng – Phó Giám đốc Sở QH - KT đề xuất: “Cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương các quận, huyện, phường, xã trong việc giải quyết các trường hợp thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng và xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” khi mở đường”.

 
Để việc di dời và chuyển đổi các khu đất công nghiệp được khả thi cần xây dựng các cơ chế về tài chính, cơ chế khuyến khích. Đồng thời thống nhất các quy định ưu tiên về việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời để xây dựng hạ tầng xã hội. Song song với đó có thể dùng hình thức hỗ trợ giao các khu đất đối ứng ở khu vực phát triển mới (như phía Đông Vành đai 4, Bắc sông Hồng). Các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư ra bên ngoài cũng là một giải pháp để mở rộng đô thị, kéo giãn dân ra khu vực phát triển mới, tránh tăng áp lực cho nội đô.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực