Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển biến chậm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được phê duyệt từ năm 2009 nhưng đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) của TP Hà Nội vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

 Tại Hội nghị sơ kết 5 năm Chương trình Mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT giai đoạn 2009 - 2013 diễn ra vào sáng 18/12, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt chỉ ra rằng, Chương trình không những chưa đáp ứng về mục tiêu đề ra mà còn chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.

2/3 dân số nông thôn chưa được dùng nước sạch

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT, thời gian qua, TP đã quan tâm và tạo điều kiện về nguồn lực, cơ chế chính sách cho các địa phương, doanh nghiệp, các ngành chức năng thực hiện tốt nội dung này. Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra, kết quả của Chương trình còn ở mức hạn chế. Đến nay, toàn TP mới có 35,26% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Như vậy, Hà Nội còn tới 64,74% dân số nông thôn chưa được sử dụng nước sạch. Về vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay, 98,1% số hộ gia đình nông thôn (tương đương 1.030.250 hộ) có nhà tiêu, trong đó, 77,16% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt kiểm tra chất lượng nước tại Trạm cấp nước Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng.             Ảnh: Hoàng Quyết
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt kiểm tra chất lượng nước tại Trạm cấp nước Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Hoàng Quyết
Theo ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, mặc dù có sự quan tâm đầu tư, song kinh phí bố trí hàng năm cho Chương trình còn rất hạn chế. 5 năm qua, ngân sách TP đã đầu tư cho Chương trình nước sạch 115,6 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vốn để thực hiện là 770 tỷ đồng, mới đạt khoảng 16% so với kế hoạch. Mặt khác, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình chưa đồng bộ nên việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra còn chậm, chưa đạt được hiệu quả và các mục tiêu đặt ra. Nguyên nhân chính là do thủ tục đầu tư, định giá xác định trị giá tài sản còn lại đến nay vẫn chưa xong để bàn giao cho các doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư. Các mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung cũng bộc lộ nhiều tồn tại, như: Trình độ nhân công quản lý vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố còn nghèo nàn... Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 54/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung nhưng đến nay, hầu hết các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn chưa triển khai. Một khó khăn nữa, năm 2014, nhiều dự án nước sạch không được ghi vốn thực hiện khiến mục tiêu 100% dân số ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 60% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế vào năm 2015 sẽ khó thực hiện được.

Gỡ từ chính sách, thủ tục

Công tác xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn được TP tập trung chỉ đạo quyết liệt. Chính sách ban hành là động lực to lớn để thúc đẩy thực hiện nhanh và hiệu quả mục tiêu cấp nước sạch nông thôn của TP. Song, theo ý kiến của các doanh nghiệp tại hội nghị, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Hà Nội không rõ ràng đang gây khó khăn lớn, nhất là các doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư các công trình cấp nước tập trung dở dang, đang "đắp chiếu".

Ông Nguyễn Phú Trung - Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng nước sạch và môi trường THT, chủ đầu tư khôi phục, cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước sạch xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất cho biết, vướng mắc lớn nhất đối với doanh nghiệp là việc định giá tài sản còn lại khi bàn giao công trình giữa chủ đầu tư cũ sang chủ đầu tư mới. Các thủ tục về đầu tư, ưu đãi đầu tư, Công ty ông cũng chưa nhận được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. "Doanh nghiệp đầu tư vào các công trình cấp nước tập trung dở dang, không hoạt động thì được ưu đãi, hỗ trợ như thế nào? Các sở, ban, ngành sớm có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp để quyết toán được tài sản còn lại càng sớm càng tốt. Đây là cơ sở để doanh nghiệp làm thủ tục đầu tư mới, cũng như chủ động vốn" - ông Trung đề xuất.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về NS&VSMTNT với sức khoẻ cộng đồng. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và quản lý khai thác các công trình cấp nước sạch tập trung nhằm thu hút và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư từ tổ chức, doanh nghiệp. Trước mắt, các huyện khẩn trương kiểm tra lại thủ tục, quyết toán công trình cấp nước đã giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Sở NN&PTNT nghiên cứu sớm ban hành quy chế quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn để thống nhất mô hình, phương thức quản lý sau đầu tư. Các sở, ngành liên quan bố trí vốn đầu tư, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng cho các doanh nghiệp.