Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển biến mạnh về nhận thức trong đánh giá học sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Thay điểm số bằng những lời nhận xét, đánh giá, thay danh hiệu...

Chuyển biến mạnh về nhận thức trong đánh giá học sinh - Ảnh 1
Kinhtedothi -  Thay điểm số bằng những lời nhận xét, đánh giá, thay danh hiệu Học sinh (HS) giỏi, HS tiên tiến… bằng những nhận xét tỉ mỉ trên từng mặt của từng HS, dù đầy bỡ ngỡ song cũng đã bước đầu “thích nghi” trong các trường tiểu học. Trong học kỳ đầu tiên thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, “mặt được” của việc đổi mới đã được ghi nhận, song cũng còn không ít băn khoăn. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Dũng – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, ở học kỳ đầu tiên thực hiện đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 đã có chuyển biến như thế nào so với cách đánh giá cũ?

- Học kỳ I vừa qua, Sở đã chỉ đạo 100% trường thực hiện tốt Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về đánh giá xếp loại HS tiểu học. Bước đầu đã có chuyển biến tốt về nhận thức đối với cán bộ, giáo viên (GV), HS và phụ huynh. Với việc đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số qua kiểm tra định kỳ cuối kỳ I đã thấy được sự tiến bộ của HS trên toàn TP so với năm học trước. Thống kê đánh giá năng lực, phẩm chất của HS cho thấy, tỷ lệ HS đạt ở 2 khía cạnh này đều gần mức 100%. Cụ thể, lớp 1, tỷ lệ HS được đánh giá đạt về năng lực và phẩm chất ở mức 99,31% và 99,76%; lớp 2 lần lượt là 99,48% và 99,55%; lớp 3 là 99,35% và 99,91%; lớp 4 là 99,25% và 99,89%; lớp 5 là 99,27% và 99,78%. Tỷ lệ HS hoàn thành các môn Toán và Tiếng Việt từ lớp 1 - 5 đạt gần 98%.
Học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, Hà Nội trong giờ học Toán.             Ảnh: Phạm Hùng
Học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, Hà Nội trong giờ học Toán. Ảnh: Phạm Hùng
Việc thực hiện đánh giá, bình xét HS được quy tỷ lệ “đạt”, “chưa đạt” có đưa vào bình xét thi đua không, thưa ông?

- Không áp đặt, không bắt buộc, nhưng thông qua bình xét để GV cố gắng, tích cực hơn. Tùy từng trường thực hiện, trường có cách quản lý thế nào để qua đó khuyến khích, động viên GV hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Thầy cô phải cố gắng làm sao để HS học tốt hơn, muốn thế phải chăm chút, giúp đỡ cho từng đối tượng HS, phải thông qua đánh giá HS. Làm tốt nhiệm vụ thì các thầy cô cũng nên được khen thưởng, đây cũng là nguồn động viên khích lệ thầy, cô làm tốt chuyên môn của mình.

Nhiều GV nói rằng, ngoài soạn giáo án, phải thực hiện đánh giá, nhận xét HS hàng ngày, ghi sổ sách quá nhiều, không có thời gian cho chuyên môn. Sở có hướng dẫn hay giải pháp nào tháo gỡ việc này, thưa ông?

- Cách làm của GV như thế nào là do lãnh đạo nhà trường có trách nhiệm hướng dẫn, bởi khi tập huấn từ T.Ư đến TP, quận, huyện, các đơn vị đều thành lập tổ công tác có thành phần cốt cán tham gia, đều nắm được chủ trương, văn bản rất rõ. Ngoài ra có thông tin giúp cho người dân, phụ huynh hiểu đúng cách đánh giá này. Còn cách làm, nhận xét, sử dụng ngôn từ trong vở, trong sổ nhận xét chất lượng giáo dục của GV, Sở đã có công văn, văn bản cụ thể hóa cách ghi chép, nhận xét rõ ràng. Không bắt buộc mỗi một dòng trong sổ phải ghi đầy đủ, hoặc những HS đã đạt chuẩn kỹ năng không cần phải ghi nhận xét, trừ trường hợp có đột biến, vượt trội so với chính em đó. Ngược lại, có HS chậm hiểu, chậm thực hành, GV cũng chỉ ghi ngắn gọn để nhắc mình có cách giúp đỡ HS đó tiến bộ, chứ không yêu cầu phải ghi đại trà tất cả HS hoàn thành chương trình đó, bài đó.

Chuyện GV nói ghi chép nặng - nhẹ, nhiều - ít là do GV phải nhận thức cho đúng hướng dẫn của Bộ, của Sở. Chúng tôi cũng trực tiếp xuống từng trường, từng phòng giáo dục hướng dẫn, gợi ý, tư vấn cách đánh giá, ghi chép... Không yêu cầu bắt buộc phải theo khuôn mẫu nào, không bắt các thầy cô phải ghi nhiều, ngắn gọn càng tốt. Quan trọng là ghi để làm gì, đó là nhiệm vụ của GV biết để giúp HS tiến bộ. Do vậy, khâu sổ sách không máy móc, thực chất đó là công cụ, phương tiện cho những người thực hiện nhiệm vụ. Còn cách ghi chép thế nào là sáng tạo của mỗi thầy cô và có căn cứ hướng dẫn của Bộ để thực hiện tốt.

Với kết quả khá cao ở học kỳ I, liệu cách đánh giá này có thực chất không, thưa ông?

- Tại sao lại không thực chất? Sở đã có minh chứng bằng những đối chiếu so sánh, đánh giá điểm số của cùng kỳ năm trước với cùng kỳ năm sau ở một số môn. Kết quả cho thấy vẫn duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng. Bởi trước đây cho điểm trên 5 là đạt yêu cầu và dưới 5 tức là HS xếp loại yếu, còn hoàn thành ở đây tương đương 6 điểm. Nếu HS đạt được 2 - 3 môn thì khen thưởng những mặt tiêu biểu, khen thưởng đúng trọng tâm, trọng điểm.

Sơ kết học kỳ I, nhà quản lý có hướng dẫn hay yêu cầu gì thêm đối với các trường ở học kỳ II không, thưa ông?

- Trong hội nghị trực tuyến sơ kết học kỳ I với 30 quận, huyện, thị xã mới đây, không còn thắc mắc như giai đoạn đầu. Tất cả đã đi theo guồng, theo nếp, dần dần hình thành trong mỗi GV, nhà quản lý đều thấy rằng đã đạt đến một kỹ năng ghi chép, nhận xét HS. Trong quá trình thực hiện, nếu có bất cập, nảy sinh gì, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các nhà trường thực hiện nghiêm túc, quyết tâm nâng cao công tác dạy – học thực chất trong các nhà trường.

Xin cảm ơn ông!