Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển biến mới của nông nghiệp Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nông nghiệp Hà Nội 5 năm qua và đặc biệt sau 2 năm sáp nhập đã có bước phát triển nhảy vọt. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 1,75%/năm, cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản lên 54,45%.

KTĐT - Nông nghiệp Hà Nội 5 năm qua và đặc biệt sau 2 năm sáp nhập đã có bước phát triển nhảy vọt. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 1,75%/năm, cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản lên 54,45%. Đó cũng là tiền đề để Hà Nội tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.

 

Bước phát triển nhảy vọt

 

Chăn nuôi phát triển là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp Thủ đô khi Hà Nội có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước với 1,64 triệu con lợn, 225.000 con trâu, bò, 17 triệu con gia cầm. Đặc biệt, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, năm 2005 đạt 58 triệu đồng/ha, đến 2010 đạt 141 triệu đồng/ha; thu nhập của người dân ngày càng cao. Mặc dù những năm gần đây đất nông nghiệp được chuyển sang phục vụ xây dựng đô thị, công nghiệp hàng nghìn héc ta, nhưng Hà Nội vẫn đạt trên 1,2 triệu tấn lương thực, đáp ứng nhu cầu trên địa bàn.

 

Điểm đột phá trong chuyển hướng nông nghiệp Hà Nội 2 năm gần đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh bền vững, tạo ra được khối lượng sản phẩm đa dạng theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hà Nội đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất tập trung, quy mô lớn, năng suất, chất lượng cao như vùng rau Thường Tín, Đan Phượng, Đông Anh; vùng hoa Mê Linh, Đông Anh; vùng cây ăn quả Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ; vùng nuôi trồng thủy sản Thanh Trì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai. Nhiều địa phương đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa, gom dồn ruộng đất, chuyển đổi vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả hình thành nhiều trang trại lớn, sản xuất hiệu quả. Hà Nội hiện có 3.207 trang trại, tống giá trị hàng hóa và dịch vụ hình quân một trang trại đạt trên 503 triệu đồng, cung cấp khối lượng sản phẩm lớn và đa dạng phụ vụ thị trường Thủ đô, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

 

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

 

Theo Sở NN&PTNT, giai đoạn 2010-2015, Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn bình quân từ 8-10%, trong đó tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt trên 2%/năm. Hà Nội đang hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp Thủ đô, trong đó có định hướng cụ thể là: Tiếp tục chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển thủy sản, vùng bãi sông Đáy, sông Hồng chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, rau màu để ổn định diện tích cấy lúa chỉ từ 70.000-80.000ha. Sản xuất lúa phát triển theo hướng thâm canh, hình thành vùng lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa giống nhằm tăng giá trị cây lúa ở các huyện có kinh nghiệm thâm canh như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai. Vùng bãi, đất màu sẽ mở rộng diện tích trồng cây ăn quả với các cây chủ lực như: cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, bưởi Quế Dương. Vùng đồi gò trồng Thanh Long, vùng Ba Vì phát triển thương hiệu chè Ba Vì. Hà Nội sẽ quy hoạch 7-8 vùng sản xuất rau an toàn, vùng hoa cây cảnh ở Từ Liêm, Mê Linh, Hoài Đức nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tíchđật 200-300 triệu/1 ha.


Để phát triển nông nghiệp bên vững, Hà Nội sẽ xây dựng 3-4 khu nông nghiệp công nghệ cao theo 3 vùng ở 3 khu vực phía Nam, phía Tây vùng Mê Linh, Sóc Sơn theo hướng thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng rồi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chuyển giao công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, Hà Nội quy hoạch 2 khu nông nghiệp đô thị sinh thái. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, sẽ phát triển nhiều trang trại, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, giảm ô nhiễm môi trường với sản phẩm chủ lực là thịt lợn, bò, gia cầm, bò sữa.