Sau 5 năm thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non TP Hà Nội đến năm 2020”, giáo mục mầm non Hà Nội đã đạt được những thành tích xuất sắc, tiếp tục dẫn đầu cả nước về giáo dục mầm non. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục mầm non nâng cao, khoảng cách chênh lệch về chất lượng giữa các vùng miền của Thành phố đã được rút ngắn.
Đánh giá của TP Hà Nội cho thấy, trước khi thực hiện đề án, các quận, huyện trong Thành phố có khoảng cách lớn về mọi mặt, từ điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Năm 2009, Hà Nội còn 6 phường chưa có trường mầm non công lập; các trường công lập còn 2.037 điểm lẻ; phòng học cấp 4, phòng học nhờ, học tạm chiếm trên 34%. Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn là 9,7%, cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn còn thấp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao, tại khu vực ngoại thành trẻ suy dưỡng ở ngưỡng 18%. Trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới mới chỉ 30,8%.
Phó Chủ tịch UBNDP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao Bằng khen các cá nhân, đơn vị tiêu biểu
|
Trong 5 năm thực hiện, giáo dục mầm non Hà Nội vừa phải phấn đấu về tiến độ thực hiện các mục tiêu trong điều kiện quy mô mạng lưới cấp học phát triển nhanh vừa nâng độ đồng đều, bảo đảm sự công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Sau 5 năm, Hà Nội đã có 1.003 trường mầm non (tăng 213 trường so với trước khi thực hiện đề án). Số trường công lập là 733 trường; dân lập, tư thục là 270 trường/287 điểm trường; tăng trên 6 nghìn nhóm lớp. Thành phố cũng đã xoá được 6 phường trắng trường mầm non công lập tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Tuy nhiên hiện vẫn còn 3 phường thuộc 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm chưa có trường mầm non công lập do tách quận, hiện đã có kế hoạch thực hiện trong năm 2016 – 2017. Số điểm trường công lập từ 2.307 điểm trường lẻ đã giảm xuống còn 1.627 điểm (giảm 680 điểm trường).
Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của giáo dục mầm non là trên 59 nghìn người, tăng cả về số lượng và trình độ đào tạo chuyên môn trên chuẩn, kiến thức quản lý giáo dục… Chỉ tiêu cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn trên chuẩn đạt 96,7%; với đội ngũ giáo viên, các chỉ tiêu về trình độ đào tạo, tin học, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và giáo viên tuyển mới đều đạt và vượt chỉ tiêu.
Hiện nay, nhiều trường mầm non đã xây dựng môi trường, khung cảnh sư phạm theo hướng thiên nhiên sinh thái cây xanh, sân vườn, thảm cỏ. Tỷ lệ huy động trẻ ăn bán trú tăng nhanh, đặc biệt là khu vực ngoại thành đã đạt tỷ lệ 97%. Tất cả các huyện ngoại thành đã xây dựng được ít nhất 2 trường điểm thực hiện mô hình phòng chống suy dinh dưỡng, nhiều huyện 100% trường mầm non có vườn rau sạch tại chỗ phục vụ bữa ăn cho trẻ như: Sóc Sơn, Gia Lâm, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì…
Về đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ nầm non và phổ cộng giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, trong 5 năm, Hà Nội liên tục đạt chỉ tiêu dẫn đầu toàn quốc. Các quận, huyện đã tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện và đầu tư điều kiện, tiêu chuẩn phổ cập về huy động trẻ 5 tuổi đến trường. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, định mức giáo viên/lớp và thực hiện các chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên, trẻ em, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đạt chuẩn phổ cập.
Từ năm 2013, tất cả các quận, huyện, thị xã của Thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hà Nội là một trong 10 tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, về đích trước 1 năm so với kế hoạch của Thành phố, trước 2 năm so với toàn quốc. Từ 2013 đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã luôn duy trì kết quả phổ cập bền vững...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo. Sự quyết tâm vượt khó của 30 quận, huyện, thị xã trong thực hiện Đề án, góp phần nâng cao chất lượng GDMN nói riêng, giáo dục Thủ đô nói chung.
Phó Chủ tịch cũng cho rằng, ngành giáo dục Thành phố phải phấn đấu nhiều nhiệm vụ, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, có kế hoạch huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đưa giáo dục phát triển, đáp ứng theo yêu cầu khu vực và thế giới.