Đầy cảnh giác, Phan liên tưởng ngay tới… bán bảo hiểm hay hàng đa cấp chi đó. Cái câu hài hài rằng, nếu một người quen cũ đã lâu không liên lạc bỗng dưng hồ hởi gọi bạn, thì phải đề phòng nó chào mời bạn đủ thứ sản phẩm dịch vụ hỡi ơi, thậm chí vay mượn, Phan thuộc làu.- Thầy Đoàn đây, thầy muốn gặp em một lần!Nghe mỗi câu này, thật dễ tưởng tượng ra tình huống gì đó không được lành mạnh. Nhưng toàn bộ sự việc lại khá đơn giản. Là thầy mấy năm nay đã chuyển nghề, dời về thành phố sinh sống. Cô con gái đầu của thầy nay đã tới tuổi gả chồng. Thầy mời Phan dự đám cưới, vậy thôi.Hai mươi năm, Phan chưa từng một lần gặp lại thầy. Những năm đầu mới rời khỏi trường phổ thông, Phan cũng thường xuyên về quê, nhưng ít giao du bạn bè. Nỗi mặc cảm vì mình thi rớt đại học, trở thành “con ghẻ” của mấy thầy cô hồi đó khiến Phan vừa buồn tủi vừa có chút giận. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, là Phan tự cho mình cái quyền hờn cả thế gian, nên mỗi dịp thăm nhà là trốn biệt. Hồi đó, Phan cũng không là học trò cưng của thầy Đoàn. Nghe vài đứa bạn kể, thầy chỉ hỏi thăm về Phan vài câu, rồi thôi. Chắc thầy còn bận bịu với các bạn lớp Phan vừa mang vinh quang về. Những trường Dược, trường Y, trường Bách khoa, Ngoại thương danh giá…Phan thui thủi ở bậc đại học, ít giao lưu, sống khép kín. Đời sinh viên qua cái vụt. Những năm tháng đẹp đẽ nhất của thời con gái ấy, Phan hiếm bạn bè, chẳng nhiều dịch chuyển trải nghiệm. Lập cập kết hôn. Đi làm. Bắt đầu hiểu rõ chân lý rằng, một người học giỏi chưa chắc ra đời đã thành công, nói trắng ra là thành đạt…Phan gọi cho Nga, cô bạn đồng hương hiếm hoi còn sót lại của thuở học trò, nay ở cùng quận với mình. Lúc tìm số Nga trên danh bạ, Phan giật mình nhớ ra, hình như hai người lâu lắm không gặp mặt. Hồi mới ra trường, Nga về làm sổ sách cho gia đình, sau đó nghỉ hẳn để sinh và nuôi con. Những dịp hẹn hò đùm túm thưa thớt, rồi bặt hẳn. Giờ hỏi dịp gần nhất Phan ngồi với Nga là lúc nào, thật không nhớ nổi, nhưng cảm giác nhạt nhẽo trong lòng Phan thì vẫn còn mồn một. Giữa hai đứa giờ còn có điều gì chung nữa đâu để mà chia sẻ, chuyện trò. Loanh quanh hỏi thăm hết chồng sang con, rồi nhà chồng biết điều hay không, chồng “có hiếu” với vợ nhiều hay ít, bọn nhóc tăng cân đều không… là hết đề tài. - Thầy có mời tao đâu mà mày rủ rê đi đám cưới chứ!Phan chưng hửng. Nga lẩm bẩm lẽ nào thầy không mời ai làm nghề… nội trợ? Ngày xưa Nga từng là đứa hay qua lại thăm thầy nhiều lắm kia mà? Hay thầy không có số điện thoại của Nga? Vô lý, số liên lạc của Phan thầy còn tìm được, huống gì Nga rất thường xuyên giữ mối quan hệ với bạn bè cũ chung lớp chung trường.- Làm sao mà thầy có số của Phan hay vậy?Phan đâu có biết. Nội dung cuộc gọi “mời cưới” chỉ xoay quanh chủ đề thời gian, địa điểm. À, có kèm theo một câu mà giờ Phan mới nhớ. Rằng thầy nghe nói giờ em ổn lắm hả, hàng ngày lái ô tô đi làm, phải không? Ai đã nhiều chuyện thế nhỉ?!Mà thật ra Phan cũng làm gì xấu đâu! Đàn bà chạy xe hơi nào phải là cái tội. Dù có một lần, vào buổi tối muộn, Phan dừng chờ đèn đỏ bên cạnh hai mẹ con nhà kia. Bà mẹ còn trẻ lắm, váy vủng các kiểu, hiện đại chứ không phải thuộc diện nông dân nổi dậy. Đứa con gái nhỏ chắc đang cỡ tuổi luyện thi vào lớp một, nhìn Phan ngạc nhiên. Ngó mãi. Rồi kéo lưng áo mẹ, hỏi:- Mẹ, sao cô kia lại lái xe?- Ừ, chỉ có đàn bà hư thì mới lái xe thôi con!Sau khi nguýt Phan một cú đầy ác cảm, tựa hồ như con xe cũ và bé xíu Phan đang đi được mua bằng tiền của chồng mình, bà mẹ trẻ lật đật rẽ hướng khác, không cần xi nhan chi cho phiền phức. Đứa trẻ dành cho “đàn bà hư” một cái nhìn cuối đầy ghê sợ, trước khi quyết định dứt dạt quay đi.Giữa ngã tư, lòng Phan hôm ấy não nề.Cuối cùng thì cái dịp gặp lại bạn bè cũ cũng đã đến. Phan lừng khừng trước lựa chọn: Bình dân hay lộng lẫy? Hai mươi năm rồi mới có cơ hội xuất hiện trước nhau, có nên gây ấn tượng khác lạ không nhỉ? Con gà còn kênh nhau tiếng gáy, con công hơn thua ở bộ lông, hà cớ gì Phan không thể hiện chút đỉnh để lưu lại hình ảnh lẫn… tiếng thơm, đúng không nào!Bạn bè ở quê thuê xe lên “ăn nhà hàng” không nhiều. Chỉ vài người còn làm việc trong ngành giáo dục, chắc do vướng víu chút ân tình chi đó với thầy Đoàn nên mới đáp lễ. Xa xôi quá mà. Phan ngó quanh quẩn mãi mà vẫn chưa kịp nhận ra ai. Nếu như không kể tới…- Ôi Phan, em nay… lạ quá chừng vậy?Người thốt ra câu ấy, chẳng ai xa lạ, chính là mối tình thời học trò của Phan đây mà. Chính xác hơn, thuở ấy anh đã đeo đẳng Phan nhiệt tình, si mê, khổ sở. Nếu như tình cảm ấy là của thời bây giờ, thật dễ khiến cho bậc phụ huynh lo sợ một cuộc trả thù kiểu “yêu không được thì đạp đổ”, dạng nổi bần bật trên trang nhất các báo vì tính kinh khủng bi thảm đẫm máu của nó. Nhưng hồi đó, anh hiền khô, nếu chẳng muốn nói là quê một cục. Phan cứ tha hồ làm tình làm tội, không gật cũng chả lắc. Kiểu như có một cây si cần mẫn và ngoan ngoãn để đó lấy le với bạn bè…Ký ức theo nhau ùa về. Mồn một. Những dịp lễ tết, anh thường ngồi đồng ở nhà Phan cả buổi. Tới mức, Phan phát chán, bỏ vào sau ăn cơm, mà anh vẫn kiên nhẫn chờ để được tiếp tục trò chuyện. Vô thưởng vô phạt. Hồi ấy, Phan thuộc dạng nhan sắc trung bình, nếu như có thể gọi một chiều cao mét rưỡi, tóc mỏng trán dô và da ngăm ngăm đen là nhan sắc. So với người phụ nữ U40 đang diện một chiếc váy màu đỏ sen vừa trang nhã vừa gợi cảm, mặt mũi trang điểm nhẹ nhàng, tay chân trắng trẻo thơm nức của thì hiện tại, thì đúng là khác một trời một vực…Mà thôi, cuối cùng thì sau tiệc cưới cũng gom được đủ một tụ bốn đứa, trực chỉ ra quán cà phê gần đó để mà tăng hai, tám chuyện. Anh thẳng thừng bảo, không quen với cái thể loại đám cưới ở trên này. Gì mà phục vụ đứng chăm chăm ngay đấy, món nào cũng dọn có chút xíu, lại xẻ nhỏ ra, như chia phần. Ngay cả lẩu cũng không được tự nhiên thọc đũa vào mà vớt, mà lựa. Chán. Ăn uống cảnh vẻ mất ngon. Nam phản đối ngay, văn minh lịch sự là phải thế. Giờ cái gì cũng sợ nhất là mất vệ sinh, không an toàn. Phan cười xòa giảng hòa, nhẹ giọng bảo, ừ sống đâu quen đó, chẳng có vấn đề gì phải ầm ĩ...Nam giờ là trưởng phòng của một đơn vị chuyên nhập hàng về bán cho hệ thống siêu thị của thành phố. Đi nước ngoài như đi chợ. Tiếng Anh nhoay nhoáy. Tướng tá bệ vệ lịch lãm. Phan ngồi cùng băng ghế với Nam ở quán, nhận được vài ba cái liếc nhìn của các chị em tre trẻ xung quanh. Đúng là đàn bà con gái bây giờ dạn dĩ thật, thấy ngon là chủ động nhá đèn chứ chẳng e dè ngại ngần gì cả. Ý nghĩ ấy vừa kịp thoáng qua đầu Phan, thì đã thấy Nga quay sang trò chuyện với anh. Đại khái, thời buổi giờ thích nhất là được sống tự do, không phải làm thuê cho ai, lại dễ kiếm tiền…Kinh tế gia đình Nga ở mức nào, Phan hiểu hơn ai hết. Mấy dịp hẹn gặp ăn tô bún mắm uống ly nước cam, Phan đều nhanh nhảu và tế nhị giành trả tiền. Nên giờ thấy Nga cố “gồng” lên trước mặt bạn bè cũ, Phan thoáng ngạc nhiên, lại thấy tồi tội. Có nhất thiết phải như thế không nhỉ?- Ông xã mình ấy hả, có hiếu với vợ con dữ lắm, làm nhiêu đem về nộp hết. Biểu gì cũng nghe, mê vợ như ăn phải bùa. Để Nga nói ảnh chở cả bọn trên này về họp lớp dịp tới mới được, nhân tiện giới thiệu với mọi người luôn! Giọng Nga đầy tự hào.Chồng Nga thì Phan chẳng lạ gì. Dáng thấp đậm, nổi bật bởi cái đầu hói trước tuổi. Dân xây dựng nên giờ giấc có phần thất thường. Trách sao có lần khuya lắm, tình cờ trông thấy anh ta ở sảnh một khách sạn kín đáo trong hẻm gần nhà Phan. Đồng hành đương nhiên có một cô gái hấp dẫn và sành điệu hơn hẳn Nga rồi. Điều bí mật ấy, Phan làm sao có thể chia sẻ với Nga, cô bạn cũ vẫn đang hàng ngày cần mẫn đưa đón con, đi chợ, nấu ăn… và tự hào lẫn tin tưởng vào mọi thứ cơ chứ!Nam xin phép về trước, bảo có khách hẹn gấp, mọi người thông cảm nhé. Hóa đơn Nam thanh toán rồi, cứ tự nhiên ngồi chơi. Bóng Nam chưa khuất ở bậc cầu thang, đã thấy anh bĩu môi bảo, cứ làm như mình quan trọng lắm vậy. Ngồi chưa ấm chỗ đã xí xa xí xồ. Lúc nào cũng tỏ ra bận rộn, diễn sâu quá. Nhớ lần trước lên thành phố, đã đến gần nhà nó, hẹn ra uống mấy ly, cũng viện cớ vướng việc để mà thoái thác. Chưa làm ông này bà nọ mà đã vậy, đúng là không coi bạn bè cũ ra gì…Phan định cắt đứt màn càm ràm bằng câu giải thích ban nãy. Rằng sống đâu quen đó, nơi nào cũng có những quy luật nhất định. Hiểu cho nhau thì tốt, còn bằng không cũng đừng dè bỉu chỉ trích. Ai cũng có cái khó của họ. Đại khái thế. Nhưng dưng không Phan thấy nản cả người, chẳng còn tha thiết biện hộ bất kỳ điều gì thêm nữa. Cuộc gặp lại đình đám trong tưởng tượng, là ai đó sẽ hát bài “Hai mươi năm ta trả nợ người” khiến Phan lãng mạn xa xót mà rơi nước mắt đang diễn ra theo chiều hướng khó kiểm soát. Phan đành kiếu từ rồi lầm lũi lái xe về. Tự hỏi, nếu có cỗ máy thời gian để biết được thực tế phũ phàng này, liệu Phan có bỏ ra cả giờ đồng hồ ngồi trước gương để đánh phấn thoa son và thử váy áo hay không nhỉ? Đọng lại duy nhất là câu nói như một lời chê trách của anh, ám ảnh tâm trí Phan: Em bây giờ thay đổi quá rồi!Ừ thì thời gian nào đâu phải chuyện đùa…