Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chuyện của người đang lớn” - Nghệ thuật là điều thứ yếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã mở cửa hơn 2 tuần, song trưng bày "Chuyện của người đang lớn" đang diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lúc nào cũng luôn đông giới trẻ.

 Đối thoại 2 chiều

Có thể gọi đây là một trưng bày đặc biệt, đặc biệt khi thẳng thắn nói tường tận về những đề tài nhạy cảm của tuổi mới lớn và đặc biệt vì mang tính đối thoại 2 chiều. Với 3 nội dung trưng bày chính: "Tuổi dậy thì", "Tình bạn - Tình yêu" và "Tình dục an toàn", "Chuyện của người đang lớn" giống như cuốn phim truyện nhỏ, phản ánh đa diện đời sống tâm sinh lý đầy biến động của tuổi đang lớn. Ở đó, mỗi phần trưng bày là những câu chuyện, trải nghiệm của người trẻ, phụ huynh, giáo viên về các vấn đề liên quan. Bên đó, vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, các bạn trẻ được tham gia chương trình "Cửa sổ tình yêu offline". Tại đó, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý chia sẻ, giải đáp những vấn đề cụ thể về giới tính, sức khỏe tình dục và sinh sản, cả những vấn đề các bạn trẻ muốn biết nhưng… ngại hỏi.

 
Phòng trưng bày “Chuyện của người đang lớn” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.Ảnh: Nguyên Nhật
Phòng trưng bày “Chuyện của người đang lớn” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.Ảnh: Nguyên Nhật
"Chuyện của người đang lớn" độc đáo ở chỗ đã mang hình thức một triển lãm, song trưng bày hoàn toàn không đề cao yếu tố nghệ thuật - điều thường thấy ở các triển lãm, mà "nhắm" chủ yếu vào nội dung giáo dục giới tính. Cách giáo dục giới tính lại không khô cứng trong việc giới thiệu, thuyết trình, mà uyển chuyển và "đúng người, đúng việc" trong các hoạt động tương tác. Rất nhiều bạn trẻ nói rằng, đây là một cách giáo dục giới tính hay và họ cảm nhận được nhiều điều từ trưng bày này.

Cái bắt tay hiệu nghiệm

 
Trưng bày sẽ kéo dài đến hết tháng 4/2014. Ghi nhận những hiệu ứng tích cực, được biết, Bộ GD&ĐT sẽ có công văn gửi các trường THCS, THPT và ĐH ở Hà Nội tổ chức cho học sinh, sinh viên đến tham quan. T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch triển lãm lưu động ở các tỉnh, TP khác sau khi kết thúc đợt trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học.
"Chuyện của người đang lớn" là cái bắt tay hợp tác giữa Bộ GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học và tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam. Từ việc hình thành ý tưởng, thiết kế, xây dựng nội dung, thu thập tư liệu đến xây dựng các hoạt động tương tác, trải nghiệm đều chứa đựng tâm thức và quan điểm của giới trẻ. Bởi một nhóm 15 sinh viên đã tham gia vào quá trình xây dựng trưng bày từ năm 2012, còn một nhóm 60 thanh niên tình nguyện khác xây dựng các hoạt động tương tác, tổ chức các trò chơi mang tính giáo dục, tư vấn và trả lời những câu hỏi của khách tham quan về các chủ đề trong trưng bày. Ngay khi cuộc trưng bày được mở ra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đã đầy tin tưởng: "Trưng bày sẽ mở ra một không gian đối thoại, nơi các bạn trẻ có thể trao đổi cởi mở về giới tính, sức khỏe tình dục một cách thân thiện và không bị phán xét. Từ đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân, hướng tới một lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, việc làm này còn nhằm mang lại cho các bậc phụ huynh, giáo viên cái nhìn cởi mở hơn để chính họ sẽ là những người tuyên truyền, làm tốt hơn công tác giáo dục cho con cái, học trò về những vấn đề trên".

Quả thật sau hai tuần, "Cây thông điệp" - nơi các bạn trẻ có thể gửi gắm điều mình muốn nói đã nhận được hàng trăm thông điệp. Đúng như bà Pratibla Meta - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, đánh giá: "Trưng bày chứa đựng một sức mạnh to lớn, đem đến những thông tin quan trọng và đôi khi khó nói theo cách thân thiện với giới trẻ".