Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện của những nạn nhân dioxin

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ Ban Giám đốc tới cán bộ đều coi nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam như người ruột thịt. Thậm chí với họ, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội như ngôi nhà thứ hai của mình.

 Cán bộ Trung tâm đang hỗ trợ anh Nguyễn Trường Sơn ăn cơm trưa.
Giúp nạn nhân hòa nhập cuộc sống
Trở lại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì), cảm nhận một màu xanh dịu mát xen giữa các dãy nhà, tựa sức sống mới với nhiều niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Hơn hai năm trước, nơi đây được gọi là Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số VIII, đến cuối năm 2015 UBND TP Hà Nội ra Quyết định 6883/QĐ-UBND chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ thành Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội với mong muốn được chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho những người đã từng tham gia kháng chiến vẫn mang trong mình chất độc hóa học và con của họ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Nhớ lại ngày mới chuyển đổi chức năng, Phó Giám đốc Tô Văn Thật chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi bỡ ngỡ, vì trước đó làm nhiệm vụ quản lý, cai nghiện các học viên nghiện ma túy. Nhưng được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Sở LĐTB&XH và các ban, ngành của TP, cộng với việc tích cực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, anh em đã quen dần với công việc”.

Vào ngày ra mắt Trung tâm năm 2016, có 53 trường hợp từ các quận, huyện của TP được đưa đến điều trị. Nay số nạn nhân đã tăng lên 66 người, đều là con của những người tham gia kháng chiến. “Các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc dioxin ở nhiều thể dạng khác nhau: Khuyết tật hình thể, trí não, liệt, tâm thần, câm điếc… Có tới 46 nạn nhân không làm chủ được hành vi, trong đó nhiều người bị ảnh hưởng ở thể nặng. Nhiều trường hợp tâm thần đã điều trị lâu năm tại Bệnh viên Tâm thần nhưng không tiến triển. Vì thế khi mới đến Trung tâm, họ hoang tưởng, gào khóc, cáu gắt, nổi khùng, chửi bới... khiến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý của lãnh đạo, cán bộ Trung tâm gặp nhiều khó khăn” – ông Thật chia sẻ.

Mỗi câu chuyện, một cuộc đời

Dẫn chúng tôi đi thăm Trung tâm, ông Thật bộc bạch: “Sau hai năm câu khẩu hiệu “Coi nạn nhân như người thân trong gia đình” đã đi vào tiềm thức của mỗi người. Tuy từng cán bộ được phân công phụ trách 1 – 2 phòng, nhưng vẫn phải bao quát chung. Vì thế, nắm bắt được hết hoàn cảnh cũng như hiểu đặc tính của từng người để có cách chăm sóc phù hợp”.

Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Nuôi dưỡng chăm sóc và phục hồi chức năng Trần Viết Cường cho hay: 66 nạn nhân, mỗi người có một hoàn cảnh và câu chuyện riêng. Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1987 (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) là câu chuyện “đặc biệt” nhất. Sơn là kết quả của tình yêu đẹp thời chiến tranh, nhưng cậu lại bị nhiễm chất độc da cam từ cả bố và mẹ. Khi mới lọt lòng, Sơn đã khuyết tật tay, chân, cũng không nghe, không nói được, chỉ biết thể hiện cảm xúc vui, buồn. Bố Sơn mất, một mình mẹ không còn sức để chăm vì cậu luôn quậy phá. Dù buồn, mẹ vẫn quyết định gửi Sơn vào Trung tâm.
 Các nạn nhân dioxin được điều trị, chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Chị Sĩ Thị Dung (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) thì có một quá khứ bất hạnh. Bị tâm thần do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, chị lại là số ít bệnh nhân có con, nhưng cậu con trai 18 tuổi mắc chứng thiểu năng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà ngoại già yếu nên con trai chị Dung phải đưa vào đây nuôi dưỡng.
Trong tuần đầu đến Trung tâm, các cán bộ rất khó tiếp xúc bởi tính Dung nóng nảy. Nhưng sau một thời gian dùng thuốc và trị liệu, Dung đã chào hỏi cán bộ, nói chuyện vui vẻ với các bạn cùng khu. Hằng ngày chị quét sân, đẩy xe lăn đưa bạn đi trị liệu, hỗ trợ cán bộ tắm cho nạn nhân nặng. Và rất nhiều trường hợp khác từ việc sinh hoạt tự do, vào Trung tâm đã dần có ý thức như Nguyễn Thị Nhung, Ngô Huy Cần, Nguyễn Phú Đông, Vương Đắc Hiếu… Vui hơn khi một số nạn nhân từ mù chữ đã được cán bộ Trung tâm dạy biết viết tên mình. Vài bạn khéo tay còn được học kết hoa...

Nạn nhân ốm, cán bộ buồn

Với nhiều đứa trẻ bình thường, công việc quét sân nhà, phơi quần áo, bê khay cơm… là điều hết sức đơn giản. Nhưng với những người tâm thần, thần kinh không ổn định, để làm được các việc đó lại là cố gắng không ngừng từ hai phía: Cán bộ - nạn nhân. “Chúng tôi dùng những biện pháp trị liệu, dạy kỹ năng sống cho nạn nhân. Đặc biệt là sự tương tác cán bộ với nạn nhân, giữa các nạn nhân với nhau. Cũng như, biết cách khơi dậy và khích lệ khả năng tiềm ẩn trong họ, mà gia đình quên hoặc chưa chú ý” - anh Tô Ngọc Sơn – Trưởng phòng Y tế - Tẩy độc cho hay.
Trong khi đó, chị Đinh Thị Nhật Thanh – cán bộ trực tiếp chăm sóc nạn nhân nữ bộc bạch: “Khi các anh chị em nạn nhân được gia đình đưa đến, chúng tôi hỏi han, ghi chép tình hình sinh hoạt, tính cách để có hình thức chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp. Hàng ngày, chúng tôi luôn quan tâm và lo lắng cho nạn nhân như người thân của mình. Khi nạn nhân ốm chúng tôi buồn, chỉ mong họ nhanh khỏe”.

Việc chăm sóc nạn nhân da cam vô cùng vất vả, nhưng về cơ bản đội ngũ cán bộ của Trung tâm đã xác định rõ tư tưởng, nên họ yên tâm công tác và gắn bó với nghề, cho dù thu nhập mới chỉ đáp ứng được cơ bản mức sống ở Ba Vì – nơi có giá cả sinh hoạt thấp. Khi được hỏi khó khăn nhất mà đơn vị đang gặp phải, Phó Giám đốc Tô Văn Thật cho hay: “Quan điểm của Trung tâm là luôn có sự đổi mới. Nạn nhân vào Trung tâm có nhu cầu được chăm sóc, điều trị ngày càng cao, đặc biệt là đối tượng đến từ khu vực nội thành. Nếu mình không chăm sóc tốt, tạo ra môi trường thân thiện thì các em đòi về. Vì thế, từ những nguồn ủng hộ của những tổ chức, cá nhân, chúng tôi bổ sung vào các bữa ăn hàng tuần, hàng tháng cho các em. Đơn vị cũng muốn thay đổi khẩu vị ăn sáng bằng nhiều loại thực phẩm khác nhau và đang quy hoạch, xây dựng khu nhà đa năng bằng nguồn tiền ủng hộ để các nạn nhân có thêm chỗ vui chơi”.

Bên cạnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe nạn nhân, Trung tâm cũng mong muốn đẩy nhanh nhiệm vụ tẩy độc cho những người bị nhiễm dioxin. Theo kế hoạch hoạt động của Đề án thành lập Trung tâm, năm 2017 sẽ thực hiện nhiệm vụ tẩy độc. Hiện nay, các cán bộ đã được cử đi tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề nhưng hoạt động này vẫn chưa thể triển khai vì khó khăn về cơ sở vật chất. Vì thế, Trung tâm rất mong được UBND TP đầu tư cải tạo cơ sở vật chất hiện có, nâng cấp trang thiết bị để tẩy độc, đáp ứng sự mong mỏi của thân nhân nạn nhân, nhất là nhiều người đã ở tuổi trên 70.