Chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ giải quyết được “mục tiêu kép”

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 9/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình của Chính phủ về việc Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Khó khăn trong huy động vốn tín dụng thực hiện dự án
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian qua, việc triển khai thực hiện Dự án đã tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả theo đúng yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án gặp khó khăn, vướng mắc về huy đồng vốn tín dụng.
 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình trước Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, quy định về tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ngày càng giảm dần, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Hệ số an toàn vốn của các NHTM nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng. Thực tế các dự án BOT vừa qua có doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến, nguy cơ phát sinh nợ xấu, cơ cấu lại khoản vay... nên các tổ chức tín dụng sẽ rất khó khăn để cho vay vốn dự án mới.
Thứ hai, với tinh thần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hệ thống ngân hàng đã dành một lượng lớn vốn tín dụng tập trung cho vay ngắn hạn, tiêu dùng thiết yếu,... nên hạn mức cho vay dài hạn sẽ giảm. Bên cạnh đó, dự báo sẽ có một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, phải tạm dừng kinh doanh hoặc phá sản, dẫn tới rủi ro gia tăng nợ xấu; các ngân hàng phải tăng tỷ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro nên việc cấp tín dụng càng khó khăn hơn.
Thứ ba, thực tế BOT giao thông thời gian qua cho thấy, trong điều kiện các cơ chế chia sẻ rủi ro (nhất là rủi ro về doanh thu) chưa được áp dụng nên việc huy động vốn tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Một số dự án rất khả thi về tài chính (Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn huy động vốn; nhiều dự án đã ký hợp đồng (Hữu Nghị - Chi Lăng, Vân Đồn - Móng Cái,...) vẫn chưa huy động được vốn.
Hơn nữa, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trong bối cảnh hiện nay, việc huy động tín dụng cho Dự án đã phát sinh các yếu tố mới. Một là mục tiêu đấu thầu quốc tế để huy động vốn nước ngoài đã không thực hiện được. Hai là, pháp luật về PPP chưa hoàn thiện (chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro) nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng. Ba là, tác động nhiều mặt của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hạn mức cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng.
Chuyển đổi hình thức đầu tư giải quyết được “mục tiêu kép”
Về sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là tuyến huyết mạch, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thành và sớm đưa vào khai thác sẽ tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ giải quyết triệt để khó khăn về huy động vốn tín dụng, bảo đảm tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội. Đồng thời giải quyết được “mục tiêu kép” là đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng GDP và đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng kinh tế.
 Các đại biểu tại phiên họp toàn thể hội trường
Cụ thể, về tiến độ, các địa phương đã bàn giao mặt bằng trên 73%, nếu được chuyển đổi sang đầu tư công sẽ là điều kiện rất thuận lợi để khởi công ngay trong tháng 9/2020. Trong khi nếu tiếp tục triển khai theo PPP, nếu lựa chọn được nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng, huy động vốn tín dụng thì sớm nhất giữa năm 2021 mới bắt đầu triển khai thi công, không thể hoàn thành theo tiến độ Quốc hội yêu cầu. Về giải ngân, nếu chuyển đổi sang đầu tư công, có thể khởi công và đẩy nhanh giải ngân ngay từ tháng 9/2020.
Trước mắt, việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ thúc đẩy giải ngân, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, giải quyết về nguồn việc, thu nhập đối với người lao động và doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về lâu dài, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án là sự chuẩn bị rất tốt, điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, tổng mức đầu tư giảm do không tính chi phí lãi vay. Nếu phát hành TPCP trong giai đoạn hiện nay để triển khai đầu tư công sẽ hiệu quả hơn do mức lãi suất thấp hơn so với lãi suất huy động vốn tín dụng. Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước để tạo nguồn thu cho ngân sách, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo. Việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ sử dụng ngay toàn bộ phần diện tích mặt bằng đã bàn giao, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Chuyển đổi sang đầu tư công đối với 3 dự án
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ xác định tiêu chí lựa chọn các dự án chuyển đổi sang đầu tư công: dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển; dự án cấp bách, có nhu cầu vận tải cao, kết nối cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; dự án khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công; đảm bảo tính kết nối liên tục để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét chuyển đổi sang đầu tư công đối với 03 dự án thành phần, gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây; 05 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể làm rõ, bên cạnh những tác động tích cực, việc chuyển đổi hình thức đầu tư cũng có những hạn chế nhất định như sử dụng nhiều hơn vốn đầu tư công; Ảnh hưởng đến doanh thu các dự án PPP trên Quốc lộ 1 và các tuyến song hành và tác động đến việc huy động nguồn lực xã hội.
Để khắc phục, Chính phủ thực hiện một số giải pháp như xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước; điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm một cách hợp lý, tạo nguồn vốn ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia; hoàn thiện cơ chế chính sách để tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng.
Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức thức PPP sang đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 03 dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đồng thời điều chỉnh tổng mức đầu tư và nguồn vốn.
Đồng thời, giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện toàn bộ các dự án thành phần bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật. Bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án thành phần đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công trong năm 2022, riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong năm 2023; hoàn thành các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2023. Điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 đảm bảo bố trí đủ nhu cầu vốn để triển khai toàn bộ các dự án thành phần của Dự án; chịu trách nhiệm bố trí vốn của Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch vốn hằng năm cho đến khi Dự án hoàn thành. Xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn Nhà nước tại các dự án thành phần đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thành phần trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc sau 6 tháng (kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án) nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án.
Các nội dung khác: Cho phép cấp quyết định đầu tư dự án trước đây tiếp tục thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư để thực hiện điều chỉnh dự án và thực hiện các trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư.
Sau khi nghe trình bày Tờ trình, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về việc Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần