Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hướng tới sản xuất thông minh

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/11, Tọa đàm "Thúc đẩy chuyển đổi số - hướng tới mô hình sản xuất thông minh" nằm trong chương trình triển lãm Quốc tế lần thứ 3 về công nghệ hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam (VIMEXPO 2022) đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN phát triển năng lực.

Giúp doanh nghiệp bứt phá

Trong khuôn khổ hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cho biết: Những năm qua, xu thế toàn cầu hóa và việc tham gia các hiệp định của Việt Nam đã có những ảnh hưởng sâu sắc đối với các DN cũng như yêu cầu tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đòi hỏi các DN có những cách tiếp cận mới để thúc đẩy sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và sự kết nối trong các nền kinh tế của Việt Nam.

Các diễn giả tại tọa đàm.
Các diễn giả tại tọa đàm.

"Chuyển đổi số nổi lên là một trong những giải pháp tất yếu, quan trọng, mang lại bứt phá cho DN cũng như từng bước thay đổi cách thức vận hành truyền thống của chuỗi cung ứng và chuyển đổi số hiệu quả thành công sẽ giúp DN giảm bớt chi phí, tăng doanh thu - đây là lợi thế cạnh tranh của DN trước xu hướng thị trường càng ngày càng khốc liệt như hiện nay" - ông Phạm Tuấn Anh nói.

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm, trước những tác động khó lường, tích cực và tiêu cực đan xen của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tới Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, chính sách về chuyển đổi số Quốc gia, tầm nhìn đến năm 2030, điều này gây dựng cho DN Việt Nam hy vọng tạo ra "cú hích" lớn trong phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Ông Trần Tuấn Linh - đại diện Trung tâm phát triển Công nghiệp IDC (Cục Công nghiệp) cho biết, xu hướng chuyển đổi số, tiến đến nhà máy thông minh (Smart Factory) của các DN sản xuất ngày càng rõ nét. Covid-19 khiến quá trình này càng trở nên bức thiết, nhằm đảm bảo quá trình sản xuất hiệu quả, linh hoạt, tiết kiệm chi phí và tăng khả năng dự báo, phân tích và tự điều chỉnh.

Việc triển khai Smart Factory, IDC cộng tác với Samsung trong 2 năm (2022 - 2023) với vai trò là người triển khai, quản lý chương trình có thuận lợi khi IDC đã gặt hái những thành quả nhất định. Các chương trình mới khi mời DN tham gia đều nhận được sự hưởng ứng và cam kết rất cao.

"Bằng kinh nghiệm của chuyên gia Samsung sau khi triển khai tại Hàn Quốc cũng đã mang những điều đó sang Việt Nam để thực hiện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã triển khai đội ngũ đào tạo từ năm 2019, mở rộng chuyên gia ở nhiều mảng khác" - ông Trần Tuấn Linh cho hay.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Xu hướng nhà máy thông minh là hiện hữu, nơi các DN ứng dụng các giải pháp công nghệ IoT, AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... vào sản xuất. Phát triển theo mô hình nhà máy thông minh sẽ giúp các DN, nhất là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Cục trưởng Cục Công Nghiệp Phạm Tuấn Anh chia sẻ, có 2 khó khăn khi triển khai chương trình: Một là, chuyển đổi số cần vai trò người lãnh đạo, tầm nhìn rất quan trọng. Thực tế khi triển khai chương trình mới thấy quyết định sự thành công tới đâu, khi chỉ một số ít CEO của DN nhận thức đúng và đủ về tầm quan trọng của chuyển đổi số, còn nhiều lãnh đạo rất là mơ hồ, khi triển khai lại giao cho người khác quản lý nên rất khó để đạt mục tiêu mong muốn.

Hai là, khoảng thời gian triển khai rất là ngắn tại DN khi chỉ có 2 tháng nên việc triển khai đề tài nào cũng gặp nhiều vướng mắc khi mỗi DN đều có khó khăn riêng, xung đột với đội ngũ chuyên gia tư vấn khi đang làm một cái rất quen thuộc, khi mà giữa chuyên gia và đội ngũ quản lý cấp trung chưa có tiếng nói chung sẽ tốn rất nhiều thời gian để có góc nhìn giống nhau, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Công nghệ robot chuyển hàng tự động của Intech Group.
Công nghệ robot chuyển hàng tự động của Intech Group.

Ông Vũ Văn Duy - Phó Giám đốc sản xuất công ty Chí Cường (TCI) chia sẻ, về chương trình chuyển đổi số khi giai đoạn xây dựng nhà máy mới ở Đông Anh đến năm 2018 mới chính thức triển khai. Dù đã đi học hỏi rất nhiều DN tuy nhiên rất ít người, DN có kinh nghiệm trừ các công ty có nguồn vốn FDI - khi họ triển khai tất cả dây chuyền từ công ty mẹ.

Mô hình sản xuất, dự án việc xây dựng còn mới, các DN cũng khác nhau nên khi hỗ trợ đối tác triển khai gặp nhiều khó khăn. Đối với các DN nhỏ ở phía Bắc có quy mô sản phẩm nhỏ, đa dạng nên cần hệ thống dòng chảy cũng gặp khó khăn.

"Biến động thị trường với dịch bệnh khiến nhiều DN thay đổi dòng sản phẩm, thậm chí chuyển đổi sang hướng đi khác. TCI đã "đập đi xây lại" vào thời điểm dịch bệnh, trong nguy có cơ để triển khai tốt hơn" - ông Vũ Văn Duy cho hay.

Ông Lê Đặng Chung - Chuyên gia tư vấn của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cho rằng, tỷ lệ thành công chuyển đổi số thấp hơn nhiều so với những DN năm đầu chuyển đổi số thất bại. IFC đã làm việc với gần 600 DN tới lúc này nhận thấy để chuyển đổi số thành công cần có sự thay đổi toàn diện, mạnh mẽ nhưng sự chuyển đổi đó không xuất phát từ công nghệ mà đến từ tầm nhìn, chiến lược, trọng tâm mà ban lãnh đạo DN đặt ra.

"Vai trò của chuyển đổi số DN nào cũng coi là quan trọng nhưng thử hỏi bao nhiều ban lãnh đạo DN dùng bao nhiêu thời gian bỏ ra để chuyển đổi, bỏ công sức ra chia sẻ với nội bộ và tư vấn. Chính bản thân đội ngũ lãnh đạo chưa giành ra đủ" - vị chuyên gia này chia sẻ; đồng thời cho rằng, yếu tố con người cực kỳ quan trọng, với bộ phận cấp trung và bên dưới vì chuyển đổi số là toàn diện, tác động, thay đổi thói quen của con người. Sẽ đổ vỡ nếu ban lãnh đạo không quyết tâm thay đổi.

Ông Lê Đặng Chung nhấn mạnh thêm, văn hóa DN là nền móng cho việc có thúc đẩy chuyển đổi số dễ dàng hay không vì những thông tin mà phần mềm quản lý mang lại sẽ là những dữ liệu minh bạch, tức thời. Cuối cùng, DN tìm được công nghệ, đối tác phù hợp khi triển khai không chỉ là nhất thời mà là một cuộc đồng hành giữa bên cung cấp công nghệ với DN tiếp nhận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần