Chuyên gia chỉ cách bảo vệ đôi mắt khi học online

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Học sinh học trực tuyến thông qua máy tính, điện thoại nhiều giờ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mắt. Các chuyên gia giáo dục cho rằng nhà trường không nên dạy – học online theo thời khóa biểu; khi ngồi học phải thực hiện quy luật 20 - 20 - 20.

Học sinh chỉ học online những môn rất cần thiết
Thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học” nhiều trường tiểu học và phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức dạy học online trong thời gian nghỉ ở nhà chống dịch Covid-19 theo thời khóa biểu lịch học chính khóa. Theo đó, hàng ngày học sinh (HS) học online 4 -5 tiết buổi sáng, buổi chiều lại học tiếp. Điều này khiến không ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng, nhất là những gia đình có con học cấp tiểu học, mầm non.
Để đôi mắt HS không bị mỏi khi nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại, trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm) quy định: HS 1 tiết học trực tuyến 45 phút học sinh sẽ có 15 – 20 phút nghỉ, sau đó lại học môn tiếp theo. Trường THPT Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) giảm bớt thời gian dạy học online bằng cách rút thời gian học 1 tiết còn 40 phút.

Học sinh huyện Thanh Oai (Hà Nội) đang học online trong những ngày nghỉ học ở nhà chống dịch Covid-19. 
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về cách dạy học online của các trường, TS Vũ Thu Hương – Chuyên gia giáo dục chia sẻ: Tôi đang giúp 2 cháu học online cả ngày theo lịch học của nhà trường và thấy có những tiết học không cần thiết như Sinh hoạt lớp.  
Bà Vũ Thu Hương cho biết, không ít trường coi dạy - học online thay thế cho toàn bộ học chính khóa ở trường, điều này là không đúng. Dạy - học online là hình thức thay thế tạm thời dạy - học trực tiếp trong thời gian chống dịch; vì thế các nhà trường nên thiết kế bài học theo kiểu giải đáp thắc mắc cho HS nhiều hơn, thay vì giảng bài truyền thống. Có nghĩa mỗi ngày nhà trường chỉ dạy - học online vài tiết.
Đơn cử, những môn học cần ôn luyện, như Toán học về hằng đẳng thức đáng nhớ, thầy cô giảng bài trực tuyến và yêu cầu HS làm bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập. Sau khi HS chuyển bài tập đã làm, giáo viên chữa và gửi trở lại cho các em xem thì hiệu quả hơn rất nhiều.
Những môn học khác như Lịch sử, Địa lý, Sinh học, giáo viên giao cho HS đọc sách, tổng hợp và thiết kế theo sơ đồ tư duy, trả lời câu hỏi trong sách.
Thường, thời gian học onlie buổi sáng chỉ trong 2 – 3 tiếng và liên tục thay đổi các môn học. Ví dụ, HS học môn Toán 30 phút, sau đó đến môn Văn, tiếp đến Sử, Tiếng Anh; buổi chiều HS tự làm bài tập do giáo viên giao.
Bằng mọi cách chặn ánh sáng xanh
Khi HS học trực tiếp 45 phút trên lớp thì không hại mắt. Nhưng 45 phút mới màn hình máy tính, điện thoại, lại nhân với 4 – 5 tiết/mỗi buổi chắc chắn ảnh hưởng đến mắt nhiều hơn. Chưa kể, học ở trường, khi nghỉ giải lao HS được chơi các trò; còn học trực tuyến tại nhà, các em sẽ chơi luôn trên máy tính. Như vậy, trong một ngày, HS tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều thời gian.
Từ nhận định này, Bác sĩ Nguyễn Văn Công – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển cho rằng, cần có giải pháp từ phía nhà trường, chỉ dạy học những môn hết sức cần thiết. Thời gian còn lại, HS giúp đỡ ông bà, bố mẹ việc nhà cũng là cách giáo dục.
Ngồi học trực tuyến bằng máy tính nếu không đúng cách sẽ bị cận thị và cong vẹo cột sống. Vì thế, theo Bác sĩ Nguyễn Văn Công, mỗi ngày HS tiểu học chỉ nên học trực tuyến không quá 3 tiếng và cần có khoảng nghỉ, bởi độ tập trung của trẻ em kéo dài tối đa 30 phút. Học sinh cấp 2, học trực tuyến không nên quá 4 tiếng và cũng cần có khoảng nghỉ giữa các tiết học.
 Giáo viên trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh oai) dạy học online môn Thể dục.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về việc trẻ em sử dụng máy tính, điện thoại để học trực tuyến trong những ngày chống dịch Covid-19, Bác sĩ chuyên khoa đáy mắt Lương Đại Dương – Bệnh viện Mắt Hà Nội cho rằng: Màn hình điện tử gây hại đến mắt của trẻ bởi ánh sáng xanh. Và, nếu trẻ ngồi không đúng tư thế, có thể gây nên khúc xạ mắt và những yếu tố phát triển xương khớp.
Muốn khắc phục điều này, đầu tiên trẻ em ngồi cách màn hình tối thiểu 40 – 50 cm, ngồi thẳng lưng và tầm mắt cao hơn trung tâm màn hình 10 – 15 cm để không bị mỏi mắt. Thời gian học thực hiện theo quy luật 20 – 20 – 20, tức là ngồi tối thiểu 20 phút phải có khoảng tối thiểu 20 giây nhìn ra xa 20 feet (tương đương 6 mét).
Thứ nữa, màn hình máy tính hoặc kính cận của trẻ em đeo cần có lớp màng lọc ánh sáng xanh. Điện thoại dùng để học trực tuyến cũng nên có chế độ chặn ánh sáng xanh. Cường độ ánh sáng màn hình máy tính có thể tương đương/hoặc tối hơn ánh sáng tự nhiên trong phòng học để chống lóa. Về việc này, các phụ huynh, HS kiểm tra bằng cách tạo một file word rồi so sắc màu trắng của trang này với màu sắc trắng của ánh sáng tự nhiên. Nếu màu sắc màn hình sáng hơn màu sắc trắng của tự nhiên thì giảm bớt xuống một chút giúp mắt nhìn dễ chịu hơn.
“Khi trẻ em học trực tuyến, tần suất chớp mắt thấp hơn mức bình thường, đồng nghĩa với lớp nước mắt trên mắt bị dàn ít đi. Để cải thiện tình hình, phụ huynh có thể dùng nước mắt nhân tạo được bán trên thị trường; nhưng phải theo sự tư vấn của bác sĩ chứ đừng tự mua về tra” – Bác sĩ Lương Đại Dương nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần