Chuyên gia "hiến kế" cho Đồng Nai chống dịch Covid-19 lây lan từ TP Hồ Chí Minh

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủng hộ quan điểm “mạnh tay” chống dịch của Đồng Nai, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tính chất địa lý của Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh khác rất nhiều so với các tỉnh, thành khác.

Khi tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, cũng là lúc nhiều địa phương trên cả nước thông báo cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà đối với người về, đến từ TP Hồ Chí Minh.
Vẫn biết rằng mục đích sau cùng của việc cách ly y tế là ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan, tuy nhiên nhiều người dân đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cho biết, cuộc sống ảnh hưởng nghiêm trọng vì không kịp ứng phó.
 Cơ quan chức năng đo thân nhiệt người từ TP Hồ Chí Minh về Đồng Nai qua tuyến phà Cát Lái
Cụ thể, từ ngày 31/5 đến ngày 4/6, nhiều tỉnh thành trên cả nước như Bạc Liêu, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bến Tre, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Nam, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Phước, Đồng Nai… lần lượt ra văn bản cách ly y tế với người từ TP Hồ Chí Minh.
Trong đó, đáng chú ý nhất là văn bản vào ngày 4/6 mà UBND tỉnh Đồng Nai ban hành về việc cách ly người về, đến từ TP Hồ Chí Minh để tăng cường phòng chống dịch Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa phương.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo từ 0 giờ ngày 5/6, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày đối với tất cả người từ TP Hồ Chí Minh về, đến Đồng Nai (trừ các đối tượng phải áp dụng các biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của ngành y tế).
Thời gian cách ly tính từ ngày rời TP Hồ Chí Minh. Đồng thời yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 và 14. Phí cách ly tại cơ sở lưu trú và lấy mẫu xét nghiệm do đối tượng cách ly trả.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu người về, đến từ TP Hồ Chí Minh liên hệ các trạm y tế tại nơi cư trú để khai báo y tế và được hướng dẫn cách ly y tế tại nhà hoặc cơ sở lưu trú theo quy định. Văn bản của tỉnh còn nhấn mạnh sẽ xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, không chấp hành.
Trong thời gian này, các cán bộ, công chức viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh không đến TP Hồ Chí Minh, trừ trường hợp đặc biệt phải được thủ trưởng cơ quan đồng ý bằng văn bản. Tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách từ Đồng Nai đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng kêu gọi người dân về, đến từ TP Hồ Chí Minh liên hệ cơ quan y tế gần nhất để khai báo; kêu gọi nhân dân ở từng tổ, ấp, khu phố tăng cường giám sát cộng đồng dân cư, thông tin phản ánh những trường hợp về, đến từ TP Hồ Chí Minh không thực hiện khai báo y tế và cách ly.
Tuy nhiên, ngay sau đó, quy định này của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bị nhiều chuyên gia đánh giá là chưa phù hợp với tình hình thực tế.

 Cụ thể, mỗi ngày đều có rất nhiều người dân từ Đồng Nai lên TP Hồ Chí Minh làm việc và ngược lại. Do đó, nếu Đồng Nai cách ly y tế 21 ngày với tất cả các trường hợp về, đến từ TP Hồ Chí Minh thì thiệt hại kinh tế mức độ lớn sẽ xảy ra.

Cũng theo các chuyên gia này, thiếu sót của UBND tỉnh Đồng Nai là đã đổ đồng tất cả các trường hợp về, đến từ TP Hồ Chí Minh. Thay vào đó, cần phải xác định, và đưa ra giải pháp cách ly hay không cách ly 21 ngày theo bản đồ dịch tễ của người dân ở từng quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

“Thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế là việc không dễ dàng, tất nhiên sẽ có lúc gấp gáp, có những thiếu sót. Song, quan trọng hơn cả, là tôi đánh giá cao việc nhanh chóng lắng nghe và điều chỉnh của UBND tỉnh Đồng Nai, điều này giúp giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như cuộc sống mưu sinh của người dân ở cả TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai”, một chuyên gia nhận xét.

Đồng thời, vị chuyên gia này đưa ra ý kiến đề xuất, về việc xử lý triệt để, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở “vùng đến”. Ví dụ, công ty A ở Đồng Nai, và công ty B ở TP Hồ Chí Minh phải là nơi không có dịch, và phòng dịch cực kỳ tốt. Để chắc chắn rằng, người lao động khi đến làm việc sẽ không bị lây nhiễm Covid-19 ở địa điểm này.

“Thêm vào đó, cũng phải đảm bảo đường đi từ Đồng Nai đến TP Hồ Chí Minh, và ngược lại là tuyến đường cố định. Nếu được, nên tổ chức các chuyến xe đưa đón người lao động, điều này giúp kiểm soát được quá trình đi và về, cũng như công tác phòng dịch trong quá trình di chuyển”, chuyên gia này nói.

Ngoài ra, để giảm ùn tắc và tránh tập trung quá đông người khi thực hiện khai báo y tế tại các trạm kiểm soát dịch, chuyên gia này gợi ý việc cung cấp giấy xác nhận cho người lao động từ các công ty, nhà máy. Thao tác này tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng qua trạm kiểm dịch, cũng như giảm thiểu công việc cho lực lượng chức năng.

Đồng Nai điều chỉnh văn bản cách ly 21 ngày người về từ TP Hồ Chí Minh
Ngày 5/6, ông Thái Bảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sau cuộc họp vào sáng cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh lại một phần văn bản 6180/UBND-KGVX ban hành ngày 4/6/2021.
Theo đó, văn bản mới (số 6196/UBND-KGVX) ký ban hành sáng 5/6 điều chỉnh lại một số nội dung đã thông báo hôm qua.
Cụ thể, đối với chuyên gia, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp đi xe đưa đón thì doanh nghiệp thực hiện đăng ký số xe cho công an tỉnh Đồng Nai; đăng ký điểm dừng đón, trả công nhân trên địa bàn; thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế cho toàn bộ người trên xe khi qua chốt kiểm soát dịch.
Những người trên xe đưa đón phải tuân thủ quy định 5K, xe không chở quá 50% số lượng người theo quy định, khử trùng xe sau mỗi ngày vận chuyển. 
Đối với trường hợp chuyên gia, công nhân, người lao động tự di chuyển bằng xe cá nhân thì phải tuân thủ nghiêm việc do thân nhiệt, khai báo y tế tại chốt kiểm dịch.
“Tùy theo tình hình dịch bệnh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phù hợp trong công tác chống dịch”, văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, chỉ trong thời gian ngắn 2 tuần qua, có 3 trường hợp F0 là người lao động có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh đi lại làm việc, tiếp xúc với nhiều người trên địa bàn Đồng Nai, dẫn đến có 111 trường hợp F1 và 5.600 trường hợp F2.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần