Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia Phạm Chi Lan với hai cách giải quyết mối nguy nợ công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân sách đang phải gồng gánh những khoản nợ lớn của doanh nghiệp Nhà nước, thậm chí ngay cả các khoản vay không phải do Nhà nước đứng ra bảo lãnh.

Đây là lời khẳng định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan với báo Kinh tế & Đô thị về các gánh nặng đối với nợ công hiện nay.

PV: Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện tại nợ công của Việt Nam đang ở mức rất nguy hiểm trong khi các nguồn thu đang ít dần. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi cho rằng nợ công đang thực sự là vấn đề đáng báo động nhất của Việt Nam. Trên thực tế, vấn đề này luôn là nỗi bức xúc lớn của các chuyên gia cũng như một số nhà làm chính sách, ngay cả trong Quốc hội cũng đã dấy lên từ 4 đến 5 năm trở lại đây. 

Đáng lo ngại, cách thống kê nợ công của Việt Nam cũng khác với chuẩn mực quốc tế. Ở thời điểm nợ công lên tới gần trần cũ 60% GDP, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về tính chính xác của con số này. Khi đó, ông Vũ Quang Việt, nguyên Cục trưởng Cục thống kê của Liên Hợp Quốc, người Việt Nam duy nhất đạt được chức vụ như vậy đã đưa ra nhận định là nếu tính đầy đủ theo phương pháp được quốc tế sử dụng thì nợ công của Việt Nam cách đây vài năm đã lên đến khoảng 100% GDP.

 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: DNNN không phải lo trả nợ vì đã có Nhà nước gánh hết. (Ảnh: Hà Thanh)
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: DNNN không phải lo trả nợ vì đã có Nhà nước gánh hết. (Ảnh: Hà Thanh)
PV: Mặc dù quá trình cổ phần hóa liên tục được đẩy mạnh, nhưng hiện nay số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn còn rất nhiều mà lợi nhuận lại không cao nếu không muốn nói nhiều đơn vị luôn phải bù lỗ hàng năm. Vậy DNNN đang ảnh hưởng như thế nào đến nợ công, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Trên thực tế, nợ công chính thống hiện nay là 65%, nhưng các con số tính toán khác của nhiều chuyên gia khác nhau kể cả trong nước và quốc tế lại cho thấy thực tế còn cao hơn nhiều. Nguyên nhân là do có một số khoản không được tính vào nợ công.

Ví dụ, như các khoản nợ không được Nhà nước bảo lãnh của nhiều DNNN. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù Nhà nước không bảo lãnh các khoản nợ đó nhưng khi DN có nợ phải trả thì bản thân họ không phải lo, vì Nhà nước là người sở hữu nên Nhà nước vẫn phải trả khoản nợ đó. Cách đây mấy năm đã có 4 nhà máy xi măng được Bộ tài chính bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để trả nợ thay. Đáng lưu ý, các khoản nợ này không phải Nhà nước và chính phủ trực tiếp đứng ra bảo lãnh. Những trường hợp tương tự như vậy không phải là quá hiếm hoi.

Ngay cả về cách tính số lượng DNNN, Việt Nam chỉ công nhận có 750 DN là DNNN dựa trên tiêu chí Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Tuy nhiên, nếu tính toán theo tiêu chuẩn nước ngoài, Việt Nam hiện có tới hơn 3.000 DNNN, bởi Nhà nước vẫn sở hữu mấy chục %, có nơi lên đến 80%- 90%, thậm chí có DN cổ phần hóa chỉ bán 2%- 3% cổ phần trên thị trường. Tuy nhiên khi xảy ra vấn đề về tài chính, Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm chính vì đang sở hữu vốn lớn nhất. Vì thế, gánh nặng nợ của các DNNN vẫn đang rất lớn đối với Nhà nước.

PV: Theo bà, các địa phương và đầu tư công đang ảnh hưởng như thế nào đến ngân sách Nhà nước?

Bà Phạm Chi Lan: Hiện nay, nợ của các địa phương vẫn chưa tính được. Bây giờ, đến cấp xã cũng nợ rất nhiều, đặc biệt là từ chương trình nông thôn mới. Xã bày ra quá nhiều thứ để làm, đồng thời đẩy giá lên cao nhưng bản thân lại không có tiền vì vậy phải huy động từ DN và "hứa" sau khi "xin" được từ Nhà nước, Chính phủ hoặc ít nhất là cấp tỉnh, huyện sẽ trả. Khoản nợ này sẽ là một con số rất lớn nếu tính chi tiết từ cấp xã trở xuống.

Còn về các địa phương, không phải tất cả các nguồn huy động được từ bên ngoài hoặc vay DN đều được họ báo cáo lên Chính phủ. Khi vay thì ai cũng nói sẽ trả được nhưng trên thực tế diễn biến đều không như tính toán ban đầu. Điển hình như dự án đường sắt trên cao ở Hà Đông, vốn đầu tư tăng gấp 3 lần lên đến 9.000 tỷ đồng nhưng vẫn chưa đâu vào đâu, vậy lấy gì mà trả nổi?

Một vấn đề nữa là đầu tư công không mang lại hiệu quả về mặt kinh tế hoặc xã hội. Có thể nhìn sang Nhật Bản nợ công tới trên 200% GDP nhưng họ không lo lắng, hay Mỹ cũng vậy nợ rất nhiều nhưng có lo lắng đâu. Vì bản thân chi tiêu ngân sách của những nước này rất minh bạch và được tính toán một cách cẩn trọng, được người dân giám sát để đảm bảo nó mạng lại lợi ích, từ đó tạo ra  nguồn để bù đắp và trả lại được. Trong khi đó, Việt Nam lại không thể tính được bài toán về kinh tế vì vậy rất nhiều dự án không có hiệu quả hoặc thậm chí là âm tiền đầu tư. 

Đặc biệt là những thứ như xây dựng tượng đài, làm các công trình vô bổ trong xã hội mặc dù có kinh phí lớn nhưng không mang được gì, thậm chí còn khiến người dân bức xúc thêm. Tôi cho rằng đây là các khoản mà ngân sách rất khó chi trả.

PV: Thưa bà, để khắc phục tình trạng nợ công tăng mạnh như hiện nay Nhà nước cần phải có sự thay đổi thế nào?

Bà Phạm Chi Lan: Theo tôi với Việt Nam chỉ có hai cách cơ bản để mà giải quyết vấn đề. Cách thứ nhất, cần siết lại chi tiêu công và đầu tư công, Nhà nước phải tiếp tục thay đổi tư duy về vai trò của mình trong kinh tế thị trường. Nhà nước cần giảm quy mô của mình lại, vì hiện nay chúng ta đang duy trì một bộ máy quá lớn với chi thường xuyên cao. Các khoản từ trụ sở, xe cộ cho đến lương cán bộ viên chức... là quá nhiều. 

Từ đó cho thấy chi thường xuyên phải giảm, mà chỉ có thể giảm được bằng cách là giảm mạnh và thu gọn lại bộ máy Nhà nước. Vừa đỡ cho gánh nặng cho chi thường xuyên của Nhà nước và đỡ gánh nặng cho người dân. Mặt khác Nhà nước cũng cần nhìn nhận lại về vai trò của mình trong đầu tư công. Hiện tại, Nhà nước đang quá ham vai trò là nhà đầu tư, là nhà sản xuất trực tiếp trong khi đáng lẽ vị trí này phải là của doanh nghiệp và thị trường.

Việc giảm bớt sử dụng vốn ODA cũng có vai trò quan trọng. Trước đây, khi nền kinh tế còn khó khăn chúng ta được các nước và các tổ chức Quốc tế đầu tư để để phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và làm một số chương trình phát triển ban đầu. Nhưng bây giờ thu nhập trung bình trên đầu người đã khá tốt rồi, nên từ bỏ bớt nguồn vốn ODA đó đi để tập trung vào sức mình. Bởi vì, còn ODA thì Nhà nước còn thấy mình có tiền để tiêu, để đầu tư và vẫn muốn nắm giữ để đầu tư, nhưng nếu chấp nhận bớt đi ODA mà chỉ sử dụng nguồn trong nước là chính thì sẽ thấy Nhà nước cần phải dựa vào thị trường.

Cách thứ hai Nhà nước cần thực hiện là tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn nữa cho DN phát triển. Nói cho cùng DN mới là là bộ phận chính đóng thuế để nuôi bộ máy Nhà nước và có kinh phí để Nhà nước làm các công trình đầu tư phát triển. Cách thức tận thu DN trong thời gian vừa qua thực sự làm họ cạn kiệt nguồn lực và chán nản. Nhiều DN phản ánh với tôi họ thấy nản cả trong việc đóng góp cho ngân sách, bởi số tiền này đang được Nhà nước chi tiêu quá lãng phí. Vì vậy, để tạo động lực cho DN cố gắng nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, Nhà nước rất cần thay đổi cách tiếp cận với DN.

Tôi cho rằng đây là hai đường hướng cơ bản mà nước nào khi phát triển cũng phải đi qua. Trong quá trình phát triển Nhà nước phải nhỏ lại để thị trường lớn lên. Việt Nam từng có một quãng thời gian vào đầu những năm 2000 đã giảm được ít nhiều vai trò của Nhà nước nhưng sau đó lại quay đầu tăng quá lớn cho khu vực này, thành ra lại đi ngược lại chính con đường mình đã đi thành công trước đây. Bây giờ mình phải trở lại, thậm chí còn phải làm mạnh hơn giai đoạn đầu những năm 2000 thì mới khắc phục được tình trạng này.

Xin cám ơn bà !