Chuyển giao quyền lực tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Trông đợi gì ở thiếu gia 9x?

An An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình vừa thực hiện chuyển gia quyền lực giữa hai thế hệ cha – con ông chủ doanh nghiệp này. Vậy, điều gì đang chờ đợi vị Tổng tài trẻ tuổi khi phải đảm nhiệm “ghế nóng” trong giai đoạn đầy biến động và khó khăn?

Cuộc chuyển giao của thế hệ sáng lập cho thế hệ lãnh đạo thứ hai
Tuần trước, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã chính thức làm lễ chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc điều hành doanh nghiệp cho ông Lê Viết Hiếu, con trai ông. Đây được xem là một trong những bước chuyển giao quan trọng cho thế hệ lãnh đạo mới của HBC kể từ khi thành lập vào năm 1987 đến nay, đánh dấu sự chuyên giao của thế hệ sáng lập cho thế hệ lãnh đạo thứ hai.
 Lễ chuyển giao thế hệ tại Tập đoàn Hòa Bình
Điều này không quá là bất ngờ bởi 3 tháng trước đó, vào ngày 23/7/2020, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có nghị quyết bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu lên nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc điều hành doanh nghiệp.
Lí giải về quyết định "thay tướng" giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay, ông Hải đưa ra hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP, hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, do đó, công ty phải tách bạch chức danh lãnh đạo cao nhất là chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc sau hơn 30 năm ông Hải phải kiêm nhiệm. 
Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn là HBC phải tái cấu trúc, tất cả hoạt động của công ty phải sắp xếp lại hệ thống lại để đối phó với đại dịch và vượt thử thách, thực hiện mục tiêu của giai đoạn mới, phát triển ra thị trường nước ngoài. 
Ông Lê Viết Hải chia sẻ sự bổ nhiệm này không đơn thuần là một sự thay thế người điều hành mà còn là sự bắt đầu của kế hoạch chuyển giao thế hệ lãnh đạo và quan trọng hơn là sự khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Hòa Bình. 
"Trước mắt là chuẩn bị cho sự khôi phục kinh tế trên toàn thế giới năm 2021 và đón làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam trong nhiều năm tới cùng nhiều cơ hội khác khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới", ông Hải cho hay.
Tân lãnh đạo Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp tại trường California Polytechnic State University (Mỹ). 
Trước khi đảm nhận vị trí điều hành cao nhất Tập đoàn Hòa Bình, ông Hiếu làm việc hai năm tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam.
Từ 2016- 4/2020, ông về làm tại Hòa Bình, đảm nhận các vị trí Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài và Phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc kiêm Thành viên HĐQT.
Đến 23/7/2020, ông chính thức được HĐQT bổ nhiệm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Rung lắc sau lễ chuyển giao, cổ phiếu HBC có tiếp tục giữ phong độ?
Theo cơ cấu cổ đông HBC, ông Lê Viết Hải hiện sở hữu hơn 37 triệu cổ phiếu, tương ứng 16,05% vốn của HBC. Tân Tổng giám đốc Lê Viết Hiếu sở hữu hơn 1 triệu cổ phiếu.
Với quyết định chuyển giao quyền lực, ông Lê Viết Hải, người sáng lập tập đoàn sẽ thôi kiêm nhiệm chức vụ tổng giám đốc sau hơn 30 năm điều hành HBC và vẫn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT công ty. Ông Hải và gia đình hiện đang nắm giữ hơn 20% cổ phần tại Hòa Bình.
Ngay sau lễ công bố chuyển giao vị trí Tổng giám đốc, cổ phiếu HBC đã có sự rung lắc không nhỏ. Trong phiên giao dịch ngày 25/11, cổ phiếu HBC đã kết thúc chuỗi 6 phiên tăng điểm rực rỡ (trong đó, có phiên tăng trần vào ngày 18/11 với khối lượng khớp lệnh lên tới 17,4 triệu cổ phiếu) bằng việc giảm tới 2%.
Phiên giao dịch ngay sau đó, ngày 26/11 HBC cũng tiếp tục giảm điểm, tuy nhiên đà giảm đã được giảm chỉ còn 0,4%. Chỉ đến phiên giao dịch cuối tuần HBC mới lấy lại được sự cân bằng khi đảo chiều tăng điểm. Hiện, HBC đang giao dịch ở mốc 12.700 đồng/cổ phiếu.
Tuy thị giá HBC có đôi chút giao động sau lễ chuyển giao quyền lực tại Tập đoàn xây dựng lớn nhất nhì cả nước nhưng hiện nay HBC vẫn đang trên đà tăng cực kì ấn tượng.
Tính chung 1 tháng qua, HBC đã tăng hơn 27,1% giá trị. Còn nếu tính từ mốc 23/7 – ngày có quyết định bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu - thì cổ phiếu HBC cũng tăng tới 21,53%. Trung bình khối lượng giao dịch của mã này cũng đạt tới hơn 5,3 triệu cổ phiếu.
Điều này cho thấy dù chức vụ CEO thuộc về ông Hiếu hay ông Hải thì sự quan tâm và tin tưởng của nhà đầu tư đối với mã cổ phiếu này không hề suy giảm. Nguyên nhân có lẽ vẫn do Tập đoàn này có một nền tảng khá tốt bởi Hòa Bình là tập đoàn xây dựng có qui mô lớn thứ hai, chỉ sau Coteccons.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vị trí lãnh đạo một Tập đoàn xây dựng lớn như vậy cũng sẽ là một thách thức không nhỏ đối với một người trẻ như ông Lê Viết Hiếu. Bởi lẽ, theo số liệu của Hòa Bình, đây là doanh nghiệp xây dựng có tốc độ phát triển nhanh và ổn định trong ba thập kỉ. Doanh thu năm 2008 là 696 tỉ đồng; năm 2013 tăng gấp 5 lần, lên 3.432 tỉ đồng; đến năm 2018 lại tăng gấp 5 lần, đạt 18.299 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2020, với khó khăn từ đại dịch Covid-19-19, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành xây dựng đã chậm lại. Hòa Bình cũng không phải ngoại lệ khi lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 63 tỉ đồng, giảm 74% so với cùng kì năm ngoái.
Tiếp nhận “ghế nóng” của Tâp đoàn, ông Lê Viết Hiếu đã cam kết sẽ kế thừa toàn bộ di sản quý giá của Tập đoàn để tiếp bước và tạo nên những thành tích mới trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Tân CEO Hòa Bình Group cho biết công thức thành công của ông là làm sao kết hợp được kinh nghiệm của người đi trước và sức trẻ của người đi sau, kết hợp tất cả giá trị lại. Hòa Bình có những nhân sự đi cùng với doanh nghiệp từ lúc thăng trầm đến vinh quang. Những nhân sự này có giá trị rất lớn đối với tập đoàn.
Ông Hiếu muốn điều hành công ty bằng cách đặt câu hỏi. Theo đó, ông cùng những người gắn bó với doanh nghiệp bước lên một chiếc thuyền, hỏi xem công ty cần gì, muốn gì, làm gì để đạt được các hoài bão khát vọng đặt ra và cùng nhau tiến về phía trước. "Tôi mong muốn điều hành công ty bằng cách gắn kết mọi người lại với nhau, cùng phối hợp ăn ý với ban điều hành", ông Hiếu nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần