Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện không bao giờ cũ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, hình ảnh em chồng luôn là nỗi ám ảnh của những người chị dâu không chỉ ở thời xa xưa.

Tuy ngày nay mối quan hệ chị dâu - em chồng đã thay đổi nhiều, nhưng cũng có không ít người vẫn như hai thái cực đối địch nhau, gây ra những vở kịch gia đình dở khóc dở cười không đáng có.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những câu chuyện về chị dâu và những cô em chồng không phải là mới, nhưng thực tế lại chưa bao giờ cũ. Có không ít em chồng rất hiểu chị dâu và chị dâu rất thương, chiều em chồng, họ vẫn nói với nhau rằng “chị em chứ đâu phải người ngoài” và sống chung một nhà vui vẻ. Nhưng không ít người vẫn cho rằng khi chị dâu bước chân vào nhà mình, phải xem mình là “vua” như chuyện của Vân.

Khi chị mới về làm dâu, cô em chồng đã nói ngay: “Không ưa bà chị dâu có vẻ sửa soạn quá mức”. Thế là đi đâu, gặp người quen nào, cô em cũng đưa ra những nhận xét không hay lắm về chị. Chị nghe thấy, biết vậy nhưng vẫn phải nín nhịn. Nhưng thấy chị không có phản ứng gì, cô em chỉ chờ những lúc chị sơ ý là dè bỉu với mẹ mình, nào là “chị ấy chưa gì mà đã bắt nạt chồng”, rồi “chị ấy không biết làm gì còn lên nước”... khiến mẹ chồng bắt đầu dò xét chị. Dù chị đã rất cố gắng dung hòa tất cả các mối quan hệ trong gia đình, song xem ra mối quan hệ ấy chẳng những không được cải thiện mà còn ngày càng tồi tệ đi bởi sự thiếu thiện chí từ phía cô em chồng. Lúc nào cô cũng tìm cách xét nét mọi cử chỉ của chị dâu, khiến lúc nào chị cũng sống trong tâm trạng u uất không yên. Chị đã nghĩ đến giải pháp phải nói với chồng ra ngoài thuê nhà ở dù kinh tế của cả hai cũng chưa thực sự vững chắc gì. Nhưng như đoán được nỗi lòng của chị, cô em nói với mẹ “anh chị ấy không muốn sống cùng bố mẹ đâu…”. Chồng chị, một người con có hiếu, nên cái ý định ra ở riêng mà chị vừa nghĩ tới ấy có lẽ cũng không phải là lối thoát...

Nhưng mối quan hệ giữa chị dâu - em chồng xấu đi nhiều khi lỗi lại chưa hẳn ở người em. Không ít người chị dâu cứ coi em chồng mình như cái gai trong mắt, nên tìm mọi cách để nhổ đi bằng được.

Một người chị dâu đi làm về thấy em chồng đang có bạn trai đến chơi, chẳng giữ thể diện cho, chị mặt nặng mày nhẹ buông tiếng thở dài đầy vẻ khó chịu rồi chì chiết: “Không lo học hành lại cứ đàn đúm yêu đương. Đừng biến nhà tôi thành nơi ô uế chứa chấp cái trò lăng nhăng...”. Dù em chồng thanh minh rằng đó là người bạn thời phổ thông đến chơi chứ hoàn toàn không phải như chị nghĩ, chị vẫn lớn tiếng quy kết: “Gần hai chục tuổi đầu rồi phải biết phép tắc, ý tứ một chút chứ. Chơi bời ở đâu thì mặc kệ nhưng phải trừ cái nhà tôi ra...”. Chị chỉ im khi bị chồng quát lên “nói năng cho cẩn thận”.

Em chồng chị Giang vốn là một cô gái rất chăm ngoan và lễ phép với chị dâu. Cô vẫn biết rằng, lâu nay trong mắt chị, cô như “cái gai” đáng ghét. Vì muốn gia đình êm ấm, cô đã không ngừng nỗ lực xóa đi những rào cản, để chị và em xích lại gần nhau. Nhưng xem ra mối quan hệ ấy chẳng những không được cải thiện mà còn ngày càng tồi tệ đi bởi sự thiếu thiện chí từ phía chị...

Những người chị dâu và cả các cô em chồng xử sự vô ý, có lẽ chưa bao giờ nghĩ đến cảm nhận của anh trai hay chồng mình. Một người đàn ông ở giữa “trận chiến” hài kịch ấy đã từng không ít lần băn khoăn tự hỏi: Tại sao chỉ cách nhau vài tuổi mà vợ và em mình không thể hòa hợp được? Tại sao chị lại đối xử với em chồng quá khắt khe như vậy? Sau những giờ làm việc đầy căng thẳng ở cơ quan trở về nhà, anh lại bị đẩy vào tình thế khó xử khi phải đứng giữa vợ và em gái. Anh đã tế nhị nói với chị rằng đừng làm cuộc sống trở nên nặng nề, mệt mỏi thêm nữa. Là những người thân thiết một nhà rồi thì nên sống với nhau thật cởi mở, chân thành. Nhưng xem ra chị vẫn cố tình không chịu hiểu. Chị đâu biết rằng những lời nói và cách hành xử thiếu rộng lượng của chị đang làm mai một dần những tình cảm vốn dĩ tốt đẹp trong lòng anh, khiến anh đang có những hồ nghi về sự lựa chọn của mình và hạnh phúc của họ không thể nào trọn vẹn.