Mức lương trung bình của các giáo sư ở trường đại học công lập Ấn Độ khoảng 2.400 đô la Mỹ. Ngoài ra họ còn được chính phủ bao cấp về nhà ở. Nếu ai chưa có nhà ở thì chính phủ trả thêm 30% vào lương cơ bản.
Sau đây là bài viết ngắn của TS. Trần Đình Lâm, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, nhân chuyến đi nghiên cứu tại Ấn Độ cùng với các giáo sư Đại học Waseda (Nhật Bản) và Đại học Roger Williams University - Gabelli School of Business (Hoa Kỳ).
Trong dịp nghiên cứu với trường Waseda Nhật Bản tại Đại học New Delhi và Đại học Jawaharlal Nehru University (JNU - Ấn Độ), các giáo sư ở đây nói với chúng tôi về chính sách tiền lương của các giáo sư ở trường đại học công lập Ấn Độ. Mức lương trung bình của giáo sư khoảng 2.400 đô la Mỹ.
Ngoài ra họ còn được chính phủ bao cấp về nhà ở. Nếu ai chưa có nhà ở thì chính phủ trả thêm 30% vào lương cơ bản. Mức lương này được tự động cộng thêm phần trăm trượt giá do lạm phát hàng năm. Tất cả giáo sư đại học đều có phòng làm việc riêng. Mọi chi phí tham gia nghiên cứu tại nước ngoài đều được nhà trường đài thọ.
Không riêng giáo sư, các sinh viên trường Đại học JNU cũng được nhà nước hỗ trợ và họ chỉ đóng học phí khoảng 5 đô la Mỹ cho mỗi học kỳ, 10 đô la Mỹ một năm. Sinh hoạt phí hàng tháng sinh viên chỉ mất khoảng 20-30 đô la Mỹ. Một trường khác đã được giáo sư người Nhật Bản (trong đoàn nghiên cứu) nhận xét không thua gì trường ở nước ông, đó là đại học tư Teri - tọa lạc trong một khu quy hoạch mới quy tụ rất nhiều trường học. Trường được xây dựng khang trang sạch sẽ, thu hút nhiều giáo sư từ các trường công lập. Nơi đây lương giáo sư lên đến 3.000 đô la Mỹ một tháng.
Cũng như Việt Nam, Ấn Độ mới bắt đầu mở cửa khoảng 20 năm nay và thu nhập bình quân đầu người cũng khoảng chừng 1.060 đô la Mỹ một năm. Dù còn gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng Ấn Độ đã không ngại đầu tư cho giáo dục và đãi ngộ xứng đáng với nguồn nhân lực có đào tạo. Giáo sư Suresh Aggawal - khoa Kinh doanh Đại học New Delhi, cho biết mức lương của sinh viên mới ra trường trung bình là 1.200 đô la Mỹ một tháng ở các công ty tư nhân, trong khi nhân viên làm phòng ở khách sạn 5 sao chỉ có 150 đô la Mỹ một tháng.
Chúng tôi gặp ông Balaram Chand, một ca sĩ hát nhạc truyền thống Ấn Độ, khi phỏng vấn cho đề tài nghiên cứu về quyền sở hữu trí tuệ và được biết thu nhập hàng tháng của ông khoảng chừng 1.000 đô la Mỹ từ hợp đồng với công ty sản xuất đĩa CD rồi phát hành ra thị trường nội địa. Vợ của ông, giáo viên dạy múa trong trường tiểu học, cũng nhận được 600 đô la Mỹ một tháng.
Ấn Độ rất tự hào về chính sách thu hút các nhà tư tưởng, học giả, trí thức từ mọi nơi trên thế giới. TS. Vijay Sakhuja, Giám đốc nghiên cứu, Hội đồng Phụ trách những vấn đề thế giới của Ấn Độ, cho biết cơ quan này đã ký được 31 hợp đồng với các nhà cố vấn uy tín trên thế giới, đặc biệt là các học giả, các nhà khoa học Ấn kiều nhờ họ tư vấn các chính sách phát triển cho công nghiệp hóa đất nước, xem họ là vốn quý của Ấn Độ.
Không chỉ chú ý đến nguồn nhân lực, yếu tố con người, Ấn Độ còn khiến du khách thán phục về quy hoạch phát triển đô thị. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về mật độ cây xanh trên đường phố. Ánh mặt trời khó lách qua những tán cây, các con đường rợp mát một màu xanh. Môi trường sinh thái nơi đây được nâng niu, chăm chút tỉ mỉ, là niềm tự hào của người dân. Gần 20% (283 ki lô mét vuông) cây cối bao phủ trên tổng diện tích 1.483 ki lô mét vuông của thành phố New Delhi. Chính phủ đề ra kế hoạch phát triển kinh tế song hành với việc giữ gìn màu xanh thiên nhiên và chỉ tiêu cây xanh tăng lên mỗi năm cũng chính là thước đo thành tích của sự phát triển thành phố.
Trong các khách sạn cao cấp, trà xanh, sạch thân thiện với môi trường được nhiều người ưa chuộng và được bán với giá rất cao so với trà thường, Các loại tơ lụa tự nhiên nhuộm màu từ cây cỏ cũng hấp dẫn du khách nước ngoài qua những sản phẩm may mặc độc đáo, đa dạng.
Nền tảng pháp luật được mọi người tuân thủ nghiêm ngặt. Các nhà hàng không được bán thức uống có cồn và các loại rượu bia nếu chưa có giấy phép.
Ấn Độ vẫn còn tồn tại nhiều bất bình đẳng. Vẫn còn những người giàu hơn người giàu của nước Mỹ và những người còn nghèo hơn cả người nghèo ở châu Phi. Tuy vậy, với hạ tầng cơ sở của một xã hội theo hướng thị trường, tôn trọng luật pháp, công bằng trong đối xử với trí thức và giữ gìn môi trường tự nhiên, Ấn Độ xem trọng sự phát triển bền vững. Đây là một bài học bổ ích cho con đường phát triển ở Việt Nam.