Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên nghiệp từ đâu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây ít ngày, có một sự kiện rất đáng để luận bàn là giới truyền thông Việt Nam đã rủ nhau sang Thái Lan tìm hiểu về giải bóng đá chuyên nghiệp nước này.

Họ phát hiện ra rằng, giữa V.League và Thai.League có sự khác nhau bởi người trong cuộc xác định tư tưởng phải kiếm tiền trước khi tiêu tiền.

Người Thái kiếm tiền trên sân vận động từ những thứ tưởng chừng đơn giản nhất. Họ bán bia, bán xúc xích và bán luôn cả dịch vụ vệ sinh trên sân vận động. Có nghĩa là, khi bạn uống bia nhiều thì nhu cầu đi vệ sinh rất lớn và đội bóng thu tiền từ những cái nhà vệ sinh hiện đại, sạch sẽ.
Các trận đấu của Thai.League luôn phủ kín các khán đài
Các trận đấu thuộc Thai.League luôn phủ kín người hâm mộ
Có cảm giác là người làm bóng đá Thái Lan rất thực tế và khôn khéo trong việc kiếm tiền. Họ tìm kiếm nhiều nhà tài trợ để đảm bảo không dựa vào một ông bầu. Họ yêu cầu người hâm mộ phải đồng hành với đội bóng thông qua việc mua quần áo chính hãng chứ không dùng hàng nhái như ở V.League. Có nghĩa là ở Thai.League, bất cứ cái gì có thể tạo ra nguồn thu đều được người làm bóng đá tận dụng.

Đây là điểm khác biệt với V.League khi mà các quan chức điều hành luôn có thói quen tiêu tiền từ lãnh đạo. Ai có ông bầu giàu có thì tìm cách tiêu tiền của ông bầu. Đội bóng thuộc địa phương thì lấy tiền ngân sách. Khả năng kiếm tiền từ các hoạt động kinh doanh bóng đá ở V.League rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là không có.

Vậy mới nói, bóng đá Việt Nam phải chuyên nghiệp từ đâu? Từ một môi trường, cơ chế bóng đá chuyên nghiệp. Điều này không sai. Nhưng, môi trường, chính sách phát triển bóng đá do con người tạo ra. Sẽ chẳng có môi trường chuyên nghiệp khi mà người làm bóng đá quá quen với lối mòn tiêu tiền thay vì kiếm tiền. Thay cả hệ thống, đổi cả tư duy vốn đã quá quen thuộc với nền bóng đá thật chẳng dễ chút nào. Thế nhưng, nếu cứ tiếp tục đi theo lối mòn thì mãi mãi bóng đá Việt Nam sẽ chẳng có được sự đột phá theo hướng chuyên nghiệp.