“Chuyển nhầm” tiền vào tài khoản ngân hàng: Coi chừng khi tài khoản nhận tiền lạ

Ngọc Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số đối tượng đã “đặt bẫy” các chủ tài khoản ngân hàng khi cố ý chuyển tiền nhầm với mục đích mờ ám. Chiêu thức này nhanh chóng được lật tẩy và đăng tải trên mạng xã hội để mọi người cảnh giác.

"Chuyển nhầm” tiền để lừa đảo, cho vay với lãi suất cắt cổ

Chiêu lừa được đối tượng tội phạm sử dụng khiến nhiều người “sập bẫy” là cố tình chuyển khoản nhầm để lừa cho vay nặng lãi, đánh cắp thông tin nạn nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản… Chia sẻ trên Facebook của mình, tài khoản T.Nga (Hà Nội) cho hay, cách đây mấy ngày, tài khoản ngân hàng của chị nhận được 20 triệu đồng từ một tài khoản lạ chuyển đến. Cho đến buổi tối, tài khoản của chị được cộng thêm 50 ngàn đồng kèm tin nhắn với nội dung xin lại tiền, vì lúc sáng chuyển nhầm. Do cũng có một số kiến thức về ngân hàng nên chị đã yêu cầu người chuyển tiền cung cấp giấy xác nhận của ngân hàng để chứng minh, nhưng chờ mãi không thấy.

 Ảnh minh hoạ

Ngay sau đó, khi liên hệ với ngân hàng để trả lại số tiền đã chuyển nhầm vào tài khoản ngân hàng của mình, chị T.Nga được thông báo, khoản tiền 20 triệu đồng chuyển từ một ngân hàng khác, chủ tài khoản này là nam, có ghi nội dung “cho D vay trong thời hạn 45 ngày”. Phân tích vụ việc, chị T.Nga cho rằng, đây có thể là một thủ đoạn lừa đảo có tổ chức. Nếu chị hấp tấp trả tiền cho người kia, sau đó hết thời hạn 45 ngày, chủ tài khoản do người đàn ông kia đứng tên sẽ xuất hiện và đòi khoản tiền 20 triệu đồng cùng tiền lãi “cắt cổ”. Thậm chí, nếu không trả tiền, các đối tượng "xã hội đen" sẽ quấy phá… vì có bằng chứng chuyển tiền với nội dung vay mượn trên điện thoại…

Chị Ánh (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngày 12/6/2021 chị bất ngờ nhận được số tiền hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng cùng với một nội dung đính kèm khó hiểu. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản zalo lạ kết bạn với chị và nói rằng công ty tài chính đã giải ngân khoản vay của chị. Như vậy, chị Ánh bỗng nhiên bị biến thành một người vay nợ.

Anh Hùng, thông tin cảnh báo trên mạng xã hội về một kịch bản lừa đảo: "Cẩn thận nhé cả nhà. Chiêu rất mới. Chủ nhật vừa rồi tài khoản ngân hàng của mình tự nhiên nhận được khoản tiền trị giá 20 triệu đồng với nội dung “cô D mượn”. Truy tìm mãi không biết ai gửi tiền thì có một phụ nữ gọi điện thoại nói là chuyển nhầm và xin lại tiền.

“Đây là một chiêu lừa. Nếu mình hấp tấp trả tiền cho người phụ nữ kia thì sau đó hết thời hạn 45 ngày, chủ tài khoản sẽ xuất hiện và đòi khoản tiền 20 triệu đồng cùng tiền lãi cắt cổ. Nếu bạn không trả thì sẽ cho xã hội đen tới quấy phá vì có bằng chứng chuyển tiền với nội dung cho vay trên điện thoại. Chiêu lừa kiểu này kể cũng cao tay... Chia sẻ để các bạn lỡ có ai chuyển nhầm tiền vào tài khoản thì biết cách xử lý nhé”- anh Hùng chia sẻ.

Được biết chiêu thức lừa đảo này đã từng được một số kẻ gian sử dụng vào năm 2020, nhắm vào những người hiền lành, nhẹ dạ cả tin. Cụ thể, sau khi đã có được một số thông tin cá nhân của người dùng, như tên tuổi, số điện thoại hay thậm chí là địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý "chuyển nhầm" một khoản tiền đến cho "con mồi". Kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính nào đó để liên hệ với "con mồi". Lúc này, chúng có thể yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi "cắt cổ".

Cách nào để tránh rủi ro?

Theo đại diện của ngân hàng V., mỗi năm hệ thống ghi nhận hàng trăm lượt khách hàng đề nghị tra soát giao dịch do chuyển nhầm vào hệ thống của ngân hàng này. Điều này đồng nghĩa với việc có hàng trăm chủ tài khoản bỗng dưng nhận được tiền.

Nếu chủ tài khoản bên nhận có thiện chí thì việc hoàn trả rất đơn giản, song nếu chủ tài khoản không thiện chí, hoặc họ đã trót tiêu mất rồi, chủ tài khoản ở nước ngoài... thì sẽ rất rắc rối. Quy định hiện nay không cho phép ngân hàng tiết lộ thông tin cá nhân của người nhận cho người chuyển tiền và cũng không được phép can thiệp tài khoản người nhận, tự ý hoàn trả số tiền chuyển nhầm khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản nhận. Hay nói cách khác, ngân hàng chỉ có thể hỗ trợ người chuyển tiền nhầm bằng cách liên hệ với người nhận để họ tự nguyện hoàn trả tiền.

Vừa qua, Công an quận Đống Đa, TP.Hà Nội đã bắt giữ nhóm đối tượng chuyên giả danh ngân hàng lừa đảo người chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tiền của họ có trong tài khoản. Các đối tượng trong ổ nhóm này gồm Trương Huy Cường (SN 1993), Lê Minh Hoàng (SN 1998) và Lưu Quốc Toàn (SN 1987), đều trú tại tỉnh Quảng Nam.

Thủ đoạn của nhóm này là lập ra trang web giả mạo ngân hàng, có giao diện khá giống ngân hàng. Sau đó tìm kiếm trên mạng những trường hợp khách hàng chuyển khoản nhầm và đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố chuyển nhầm. Khi bị hại tin thật, nhóm này gửi đường link để họ đăng nhập vào trang web giả mạo tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của khách hàng. Trong vụ việc này, một người bị hại đã bị lấy đi 200 triệu đồng trên tài khoản. Để tránh bị truy vết, nhóm này chuyển tiền từ tài khoản người bị hại vào tài khoản ví điện tử sử dụng SIM rác. Từ các ví điện tử này sẽ chuyển tiền nạp vào game bài có máy chủ đặt tại nước ngoài.

Người chuyển nhầm tiền hay nhận tiền chuyển nhầm của người khác vào tài khoản phải làm gì để tránh bị gây phiền khi có những cảnh báo kịch bản lừa đảo cho vay nặng lãi hay chiếm đoạt tiền trên tài khoản?

Theo các chuyên gia, khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền "chuyển nhầm" cho mình, trước tiên không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân, nếu đó là tiền chuyển nhầm thật thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc, hoặc người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo. Hoặc người dân cũng có thể liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.

Người dân tuyệt đối không chuyển hoàn cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, tránh bị phiền toái sau này. Đồng thời không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước.

Khi nhận được điện thoại từ ngân hàng, bạn cần kiểm tra xem có đúng là số của ngân hàng không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp. Đặc biệt không bao giờ cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai kể cả họ có tự xưng là người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng...

Đây là một hiện tượng đáng lo ngại khi những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng nhiều. Lợi dụng sự nhẹ dạ và đánh vào lòng tham, khi được kẻ lừa đảo nói vài câu, dụ dỗ cho tiền sẽ dễ khiến nạn nhân làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo và mất hết tiền trong tài khoản. Hay có người lỡ tiêu hết tiền người khác chuyển đến đến khi bị đòi thì luống cuống đi vay trả mà không cần biết hay quan tâm xem người chuyển tiền đe dọa mình là người như thế nào. Vậy nên cần chủ động làm việc trực tiếp với ngân hàng và cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh những rủi ro không đáng có. (Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)