Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện sang đường ở Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nỗi khiếp sợ lớn của người đi bộ trên đường phố là chuyện sang đường. Dù có cầu vượt, hầm sang đường, nhiều người lại thích quay trở lại với cảm giác mạnh khi “chiến đấu” với dòng xe cộ đông đúc.

Người sang đường kêu cứu
 
Lâu nay, chuyện sang đường ở Hà Nội vẫn được các du khách nước ngoài miêu tả như một trải nghiệm đầy hãi hùng. Sau khi trở về Mỹ từ chuyến thăm Hà Nội, nhà báo Thomas Fuller của tờ New York Times đã có một bài viết là những lời khuyên để sang đường ở Hà Nội. Ông ví những chiếc xe máy chạy như những chiếc ván lướt trên đường phố, quan sát xe máy như người lính đang nhìn về kẻ thù.
Tuy nhiên, không chỉ riêng người nước ngoài đến Hà Nội, đối với nhiều người đã gắn bó lâu dài ở đây cũng vẫn giữ nguyên vẹn cảm giác hãi hùng, sợ sệt khi phải sang đường.
Con đường Hồ Tùng Mậu (Từ Liêm) sau khi được nâng cấp và mở rộng, các phương tiện di chuyển dễ dàng và thông thoáng hơn. Tuy nhiên chính sự thông thoáng đó khiến nhiều phương tiện phóng nhanh vượt ẩu và gây tâm lý sợ hãi cho người qua đường, chủ yếu là sinh viên của các trường ĐH Thương mại, CĐ Sân khấu điện ảnh, CĐ Múa Hà Nội.

Đường rộng, thông thoáng nhưng không có bất cứ vạch kẻ đường nào dành cho người đi bộ. Hơn nữa lại không có dải phân cách khiến người đi bộ sang đường tràn lan, dũng cảm “chiến đấu” với hung thần xe buýt, xe tải và những chiếc xe máy băng băng lao tới.
 Chuyện sang đường ở Hà Nội - Ảnh 1
 
Người đi bộ sợ sệt sang đường Hồ Tùng Mậu không vạch kẻ đường, không đèn tín hiệu
 
“Dù đã là sinh viên năm thứ ba, đã có kinh nghiệm sang đường 3 năm, nhưng mỗi lần xuống xe buýt và phải đi bộ sang đường để vào trường em vẫn thấy rất sợ. 
Xe cộ lúc nào cũng đông đúc, lao như thiêu thân, đường lại quá rộng nên dù muộn học, em cũng không dám sang đường một mình. Phải chờ đông người rồi cùng sang”, Thanh Thủy (ĐH Thương mại) cho biết.
Đường Xuân Thủy (Cầu Giấy – Hà Nội) tập trung  sinh viên của 3 trường đại học là Học viện Báo chí – Tuyên truyền, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội, ngoài ra còn có trường THPT Nguyễn Tất Thành và 2 chợ lớn là chợ Nhà Xanh và chợ đêm Dịch Vọng. Vì vậy, lượng người đi bộ qua đường luôn đông đúc, không chỉ vào giờ cao điểm.
Nhằm tạo sự an toàn cho người đi bộ, hai cột đèn tín hiệu giao thông đã được lắp đặt tại khu vực gần chợ Nhà Xanh và trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Tuy vậy, sau 2 tháng đưa vào sử dụng, hình ảnh từng đoàn người nối nhau băng qua các đầu xe lại tiếp diễn khi đèn tín hiệu ngừng hoạt động và vẫn chưa được sửa chữa.
Sang đường bằng cách đón đầu xe như vậy không chỉ gây nguy hiểm và bất tiện cho người đi bộ mà những người điều khiển phương tiện giao thông cũng tỏ ra bất bình.
Chuyện sang đường ở Hà Nội - Ảnh 2
 
Người sang đường tràn lan gây khó chịu cho người điều khiển phương tiện.
 
Anh Hoàng Thanh (Hà Nội) bức xúc: “Tôi thường xuyên đi qua đoạn đường này, cách vài mét lại có một người hoặc một nhóm người sang đường khiến chúng tôi di chuyển khó khăn và chỉ hơi bất cẩn hoặc bị phương tiện đi trước che khuất tầm nhìn sẽ dễ dẫn tới va chạm giao thông với người sang đường”. 

Được biết  UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận vị trí xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ tại đường Xuân Thủy. Mong rằng dự án sẽ sớm được triển khai và đưa vào sử dụng để tạo sự thuận tiện, an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đoạn đường này.
Phớt lờ cầu, hầm đường bộ
Vài năm trở lại đây, để giảm tai nạn và ùn tắc giao thông cho người đi bộ sang đường, Hà Nội đã xây dựng một loạt cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường tại một số tuyến phố: cầu vượt đường Giải Phóng – Lê Thanh Nghị, cạnh trường ĐH Giao thông vận tải, đường Nguyễn Chí Thanh, đường Láng Hạ, Trần Duy Hưng,…
Tuy nhiên không phải người đi bộ nào cũng có thói quen sử dụng cầu vượt khi qua đường. Một số cây cầu vượt trên đường Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh, Trần Khát Chân, Tây Sơn hầu như không có người qua lại. Điều này vừa gây mất an toàn cho người sang đường và các phương tiện, đồng thời làm ảnh hưởng xấu đến văn hóa giao thông.
Mặc dù cầu đường bộ chỉ cách vài bước chân nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chui hay trèo qua dải phân cách cứng giữa đường để “trải nghiệm” cảm giác băng đường cắt mặt ô tô, xe máy đang lao đi vun vút.
 
Chuyện sang đường ở Hà Nội - Ảnh 3
 
Cầu vượt sang đường cách vài bước chân nhưng nhiều người vẫn chọn cách đi tắt đón đầu.
 
Bên cạnh đó Hà Nội cũng đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng hầm đường bộ nhằm giảm thiểu lượng người đi bộ lưu thông trên đường và hạn chế tai nạn xảy ra. Tuy nhiên tình hình cũng không khả quan hơn khi người đi bộ vẫn phớt lờ hầm đường bộ khiến nhiều hầm sau một thời gian sử dụng phải đóng cửa.

Hệ thống hầm đường bộ trên đường Khuất Duy Tiến – Phạm Hùng vì khai thác không hiệu quả nên có tới 3 hầm đã “cửa đóng then cài”.  Hầm ở Ngã Tư Sở  khá rộng rãi, sạch sẽ  nhưng lượng người đi trong hầm không nhiều vì lí do … mất thời gian.
 
Chuyện sang đường ở Hà Nội - Ảnh 4
 
Trèo qua dải phân cách- cách đi tùy tiện của người đi bộ.

 
Với hành vi sang đường đầy tùy tiện và “hồn nhiên” này, Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã được ban hành quy định rõ những quy tắc bắt buộc cho người đi bộ. Tiếp theo Nghị định 71/2012/ND–CP ngày 19/9/2012 của Chính phủ được đưa ra quy định rõ về mức xử phạt người đi bộ vi phạm một số hành vi áp dụng riêng trong khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt người đi bộ đi sai quy định vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc và còn gặp nhiều khó khăn.