Chuyên trách để quản lý tốt hơn

Nguyên Đào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế TP Hà Nội ngày 14/7, lãnh đạo TP Hà Nội đã thống nhất trình Chính phủ tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng cấp huyện như hiện nay và thời gian thí điểm 3 năm kể từ ngày 10/8/2020.

Trước đây, quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội được thực hiện theo Nghị định 26/2013/NĐ - CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành xây dựng. Trong quá trình thực hiện, mô hình này bộc lộ vướng mắc và hạn chế nên tạm dừng và chuyển đổi mô hình. Nhưng với những đòi hỏi thực tiễn về quản lý trật tự xây dựng ở một đô thị lớn, bộ mặt đô thị thay đổi rất nhanh..., đến tháng 8/2018, Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, với thời hạn 2 năm.
Qua đánh giá, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã dần chứng minh được hiệu quả (với 8 nhiệm vụ, quyền hạn được giao) trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Quãng thời gian gần 2 năm qua, bằng việc kiên quyết xử lý, xử phạt vi phạm hành chính đã tác động mạnh mẽ đến ý thức và nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý trật tự đô thị; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn.
Theo thống kê, trong năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành kiểm tra 19.697 công trình (đạt 100% công trình) với tỷ lệ công trình có phép, miễn phép chiếm 98,4% (tăng 0,42% so với cùng kỳ năm 2018). Phát hiện và thiết lập hồ sơ, xử lý hồ sơ vi phạm đối với 589 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 3,07% - giảm 2,15% so với cùng kỳ năm 2018). UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 393/605 trường hợp (tỷ lệ 78%). Đối với các trường hợp hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới (từ năm 2005 - 2019) có tổng số 552 trường hợp, đã xử lý 510.
Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị ở Hà Nội đang dần chứng minh được vai trò nòng cốt trong việc giúp quận, huyện, thị xã quản lý trật tự xây dựng đô thị hiệu quả hơn. Bởi đây được xem như lực lượng chuyên trách, "tỏ rõ ngọn ngành" về hoạt động xây dựng.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định, việc thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng cấp huyện đã cho thấy hiệu quả, nhất là đã ràng buộc trách nhiệm đối với UBND cấp huyện, cấp xã, giúp giảm đáng kể tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng. Do đó, rất cần thiết phải tiếp tục thí điểm thêm 3 năm để đánh giá hiệu quả cụ thể.
Sự cần thiết duy trì lực lượng này được các chuyên gia đô thị đồng tình, song để đưa công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị ngày càng đi vào nền nếp, thì mỗi cá nhân khi được giao nhiệm vụ phải nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ các chức trách, nhiệm vụ được giao, có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với các cơ quan, đơn vị liên quan.
Ngay khi phát hiện, phải tham mưu, xử lý nhanh, triệt để vi phạm, bởi nếu xử lý chậm trễ sẽ kéo theo hệ quả khó lường, ví như vụ việc gần đây tại Công viên nước Thanh Hà, tòa nhà 8B Lê Trực... Vì là lực lượng chuyên trách, nòng cốt nên luôn phải xác định công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Đặt mục tiêu hàng năm, giảm dần các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng. Qua đó, đóng góp một phần nhiệm vụ vào tiến trình xây dựng đô thị theo hướng văn minh hiện đại. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần