Ngày 4/1/1977, một buổi lễ trang trọng đầy xúc cảm được tổ chức trên sân ga Hàng Cỏ đón đoàn tàu Thống Nhất đầu tiên sau giải phóng từ Sài Gòn ra Hà Nội. Ít ai biết rằng còn có những bàn tay lạnh cóng và những giọt mồ hôi lặng lẽ rơi vào một đêm trước để ngày trọng đại ấy trọn vẹn niềm vui.
Đầu máy 215 “Tự Lực”
Chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Văn Thành - người điều khiển đầu máy hơi nước 215 kéo đoàn tàu Thống Nhất đi chặng cuối cùng từ ga Nam Định về Hà Nội ngày 4/1/1977. Hồi tưởng lại những kỷ niệm không thể nào quên, ông tâm sự: Đầu máy hơi nước 215 do Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đóng, kinh phí được gom góp từ các "kế hoạch nhỏ" của thiếu nhi Thủ đô. Đích thân cố Tổng Bí thư Trường Chinh và Bí thư T.Ư Đoàn TNCS thời bấy giờ là ông Nguyễn Tiên Phong làm lễ trao tặng cho Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. 215 sinh ra đã là một chiếc đầu máy đặc biệt, vừa có ý nghĩa Tự lực - Tự cường, vừa có giá trị tình cảm cao quý nên nó vinh dự được giao nhiệm vụ kéo đoàn tàu Thống Nhất năm 1977 trong chặng cuối cùng.
Một ngày trước hành trình, ông Nguyễn Văn Thành cùng ban máy đưa đầu máy 215 về ga Nam Định. Chiếc đầu máy được cả ban cùng anh em kỹ thuật viên rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng lần chót, từ con ốc, cái bu - lông cho đến từng cục than, khối nước đều phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, an toàn. Cả một ngày quanh quẩn với 215 nhưng đêm xuống anh em ban máy không một ai chợp mắt được, chỉ sợ không kịp thấy đoàn tàu xuất hiện trong khoảnh khắc lịch sử đầu tiên.
Ông Trần Văn Nhờ - cán bộ thi đua Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, một trong hai người được giao nhiệm vụ "tô điểm" cho đầu máy 215 tại ga Nam Định bồi hồi nhớ lại: "Hai anh em mang ảnh Bác, cờ to, cờ nhỏ xuống ga từ buổi chiều, xuống đến nơi là vào việc trang trí ngay. Ảnh Bác treo ở mặt trước đầu máy, một bên cắm Quốc kỳ, một bên cờ Đảng, cờ nhỏ thì cắm dọc theo tay vịn hai bên thân, chỉ đơn sơ thế thôi nhưng bọn mình làm với cả tấm lòng. Vất vả suốt ngày mà không biết mệt, bọn mình lại cùng mọi người thao thức đợi tàu từ Thanh Hóa ra, thay máy xong, nấn ná đến khi tàu khởi hành mới chịu vào khoang cuối nghỉ ngơi, lót dạ".
Đầu máy hơi nước Tự Lực 215 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa đoàn tàu Thống Nhất đến Hà Nội an toàn trong rực rỡ cờ hoa sáng ngày 4/1/1977. Trên sân ga các cán bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tổng cục Đường sắt làm lễ cắt băng khánh thành tuyến đường sắt Bắc - Nam, người người nô nức chen vai, sát cánh mừng vui khôn tả. Còn những con người đã thao thức cùng đoàn tàu cả đêm hôm trước lại lặng lẽ ra về với phần thưởng lớn nhất là niềm tự hào được trở thành một phần của chuyến tàu đã đi vào lịch sử dân tộc.
Những người ấy bây giờ
Ông Nguyễn Văn Thành là một trong những người trở thành lái chính trẻ nhất, xuất sắc nhất lịch sử Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. 17 tuổi bước chân đi học nghề, ra trường ông trở thành nhân viên "Đốt lửa" trên đầu máy hơi nước. Suốt 9 năm không ngừng phấn đấu, ông đã trải qua 9 bậc tay nghề từ nhân viên đốt lửa bậc 1 đến lái tàu bậc 3 (bậc cao nhất) rồi Tổ trưởng tổ máy 9 người và được giao cầm lái đầu máy 215. Ông tâm sự: May mắn nhất là tớ cùng tất cả anh em tổ máy đã đi qua chiến tranh mà không ai bị thương vong. Xưa mỗi lần xách túi lên Ban nhận nhiệm vụ là không biết mình có trở về được không. Tàu hỏa nằm trong nhóm mục tiêu hàng đầu của máy bay địch nên phải ngày nghỉ, đêm đi. Mỗi lần nghỉ lại phải chọn chỗ càng xa nhà ga, xa khu dân cư càng tốt, có khi phải đi cả dưới mưa bom, có khi bom đánh bên người không kịp ẩn nấp chỉ đành nằm im chịu trận. Nhưng hàng chục năm cầm lái, chẳng chuyến đi nào khiến mình hồi hộp như đêm 4/1/1977.
Vốn theo học ngành mỹ thuật, ông Trần Văn Nhờ cũng về đầu quân cho Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội từ khi còn rất trẻ. Ngày được xuống Nam Định treo cờ, kết hoa đặt ảnh Bác lên đầu máy 215, ông vừa bước qua tuổi 17. Từ đó, trọn cả cuộc đời ông đã gắn bó với Xí nghiệp, với công việc của một người phụ trách thi đua, tuyên truyền. Ông Nhờ còn nhớ rất rõ đêm hôm ấy, khi hai bàn tay tê cóng đến nỗi không cầm nổi lá cờ con, chính ông Nguyễn Văn Thành đã đốt mớ bùi nhùi cho ông hơ sưởi, rồi giúp ông chằng buộc cờ hoa. Ra đến Hà Nội, đưa tàu vào ga xong hai ông cùng lặng lẽ trở về nhà. Thời gian trôi đi, thấm thoắt đã gần 40 năm, ông Thành hiện đã nghỉ hưu còn ông Nhờ đang tận dụng những ngày cuối cùng trên vị trí công tác để biên chép lại chặng đường lịch sử riêng của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. Ông Nhờ cười xòa khi nói về mình: "Hồi ấy bọn tớ còn trẻ, lúc nào cũng chỉ biết cố gắng làm việc. Vui đấy, tự hào đấy nhưng giữ cho riêng mình làm kỷ niệm thôi".
Họ chỉ là hai trong số hàng vạn công nhân, kỹ sư, thợ máy, họa sĩ… đã miệt mài lấp từng hố bom, đặt từng thanh ray, vẽ từng khẩu hiệu trên công trường đường sắt Bắc - Nam trong suốt hai năm sau ngày đất nước thống nhất. Để có chuyến tàu đặc biệt ngày 4/1/1977 ấy, bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của một thế hệ đã đổ xuống, thấm đẫm mỗi tấc đất, viên sỏi, mỗi chiếc tà - vẹt, cây đinh.
“Bắt đầu từ ngày hôm qua”
Người Pháp rút lui năm 1954, để lại cho Hà Nội vài chiếc đầu máy hơi nước già nua, cũ kỹ. Từ nền tảng đó, ngành đường sắt và Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đã tạo dựng lên một đội tàu anh hùng góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hàng ngàn xe tăng, pháo, súng, hàng triệu tấn đạn dược, quân nhu đã được vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam. Những năm Hà Nội đương đầu với B52, với bom đạn ngút trời, mỗi công nhân nơi đây là một chiến sĩ.
Hòa bình lập lại, vẫn những chiến sĩ ấy lại lao mình ra chiến trường kiến thiết, dựng xây đất nước. Với sự tiến bộ và phát triển không ngừng, ngành đường sắt Việt Nam đã bước lên tầm cao mới, đầu máy 215 cùng một vài chiếc đầu máy hơi nước giờ chỉ còn được lưu giữ như chứng nhân lịch sử. Những chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên phải mất tới 80 để đưa hành khách đi hết chặng đường Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và ngược lại, nay rút xuống còn chưa đầy 30 tiếng đồng hồ.
Người tài xế già Nguyễn Văn Thành trầm tư một thoáng: "Nhưng quên sao được những cung đường loang lổ hố bom, những người bạn, đồng đội đã nằm xuống khi mới chỉ đôi mươi, những chị công nhân gầy guộc đội than lên khoang máy, những bữa cơm nấu vội trên miếng lập - là nung đỏ. Tất cả đã trở thành máu thịt, thành một phần đời của chúng tôi".
Ông Trần Văn Nhờ cười buồn: "Mỗi khi tớ kể về kỷ niệm, các bạn trẻ cứ bảo "lại ngày xưa". Nhưng gia tài chúng tớ chỉ có thế, chỉ có cái ngày xưa đau thương mà oanh liệt, gian khổ mà tự hào đấy thôi. Tớ làm công việc này ngót 40 năm, cũng có lúc cấp trên tạo điều kiện cho chuyển công tác tốt hơn nhưng tớ không chuyển vì không muốn thay đổi. Giờ tớ chỉ muốn giành hết sức lực, thời gian còn lại để sưu tầm các tài liệu, tranh ảnh tập hợp thành cuốn kỷ yếu đầy đủ nhất về Xí nghiệp, về một thời bọn tớ đã sống, về những người anh hùng thực sự quanh mình".
Lớp trẻ chúng tôi, thế hệ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, yên ấm làm sao có thể hiểu hết được nỗi niềm của những người thợ già ấy. Những chuyến tàu Bắc - Nam ngày đêm đưa đón, chúng tôi có quyền lựa chọn được đi tàu nào, ngồi hay nằm vị trí nào, được quyền giận dỗi khi lỡ chuyến, chậm giờ. Vậy thì làm sao chúng tôi có thể hình dung nổi những chuyến tàu đông đến nghẹt thở, những cung đường chênh vênh qua cầu yếu, đèo cao, những khi lội bộ qua cầu phao tre nứa dưới bến Hàm Rồng để chuyển tàu, chuyển chỗ. Chuyến tàu Thống Nhất năm ấy đã đặt mốc son đầu tiên cho hiện tại và cả tương lai, một mốc son mà không người Việt Nam nào được quyền quên lãng.