Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có bản sắc thì thành công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - AFF Cup 2014 chuẩn bị khép lại với trận chung kết lượt về giữa Malaysia và Thái Lan. Bất luận đội bóng nào lên ngôi vô địch thì đến lúc này, giới chuyên môn cũng bắt đầu nhận thấy được xu thế và trình độ phát triển của bóng đá Đông Nam Á.

Tượng đài đã trở lại

Lần gần nhất người Thái vô địch AFF Cup là năm 2002. Nhiều người sẽ thấy giật mình khi Thái Lan bị đánh bật ra khỏi ngôi vô địch một thời gian quá dài. Một nền bóng đá được coi là phát triển nhất khu vực nhưng lại đánh mất quyền lực của mình do sự sai lầm về nhận thức chiến lược. Một thời, những nhà hoạch định chính sách của bóng đá Thái Lan tin rằng, họ đã đủ lực để nuôi mộng World Cup, hoặc ít nhất là thống trị châu lục chứ không thể mãi quẩn quanh ở ao làng Đông Nam Á. Thế rồi, để hoàn thành mộng lớn, họ đã mưa tiền cho những ông thầy ngoại trứ danh. Nhưng rút cuộc, bóng đá Thái Lan chỉ thu về nỗi cay đắng. Không vươn ra được biển lớn, họ cũng chìm luôn ở ao làng.

 
Một pha bóng trọng trận chung kết lượt đi giữa Thái Lan - Malaysia.
Một pha bóng trọng trận chung kết lượt đi giữa Thái Lan - Malaysia.
12 năm với những thất bại liên tiếp, bóng đá Thái Lan đã nhận thức lại và tái cơ cấu một cách mạnh mẽ. Người Thái quyết định lãng quên một thế hệ cầu thủ vốn là hiện thân của thất bại để đặt niềm tin vào những người trẻ. Ngay cả vị thuyền trưởng - Kiatisak cũng còn rất trẻ và đến từ trong nước.

Sự trở lại của bóng đá Thái Lan có thể báo hiệu một chu kỳ mới của AFF Cup. Một khi tượng đài hàng đầu của bóng đá Đông Nam Á trở lại thì họ sẽ ngự ở ngôi vị số 1 rất lâu. Nói cách khác, một khi đã xác lập được chân giá trị của mình thì bóng đá Thái Lan rất biết cách để bảo vệ và nâng nó lên cao.

Dấu chấm hết cho một trào lưu

Một thời, bóng đá Đông Nam Á chứng kiến sự phất lên mạnh mẽ của các đội bóng vốn lấy cầu thủ nhập tịch làm bàn đạp cho mọi thắng lợi. Đầu tiên là Singapore với quá nửa đội hình chính thức là cầu thủ nhập tịch. Thậm chí, sự thống trị trong một thời gian dài của nền bóng đá với sự thực dụng ở mức hoàn hảo này làm nản lòng các đội bóng khác. Người ta cho rằng, rất lâu và rất khó mới có được một lứa cầu thủ bản địa chất lượng, nhưng cũng chẳng thể so bì về đẳng cấp với những ông tây đá bóng.

Thế nhưng, bằng thời gian, chính những đội bóng vốn được hưởng lợi từ chính sách nhập tịch đã nhìn thấy hạn chế trong mô hình phát triển nóng của mình. Singapore không còn muốn niềm vui từ sự vay mượn nên bắt đầu sử dụng những cầu thủ do mình đào tạo ra. Đội bóng khác tưởng chừng sẽ thay thế Singapore ở xu thế dùng cầu thủ nhập tịch là Philippines cũng không có được niềm vui trọn vẹn. Họ đã phải dừng chân ở bán kết AFF Cup sau thất bại tâm phục khẩu phục trước dòng máu trẻ Thái Lan. Một đội quân vốn được chiêu mộ từ nhiều đội bóng, nhiều quốc tịch không thể tạo ra bản sắc. Đội tuyển Philippines thất bại vì thiếu một sợi dây liên kết giữa các cầu thủ, dù về mặt cá nhân, họ rất mạnh. Một trường hợp tương tự là Indonesia - đội bóng có sự giao thoa tưởng như là hoàn mỹ giữa những cầu thủ nhập tịch và cầu thủ bản địa. Một số cầu thủ ngoại được bổ sung vào những vị trí mà Đội tuyển Indonesia còn yếu. Thế nhưng, A.Riedl đã thất bại khi không thể phát huy được sức mạnh của các cầu thủ nhập tịch để rồi cuối cùng, chính ông đã phải trả giá bằng chiếc ghế của mình.

AFF Cup chuẩn bị khép lại với sự thăng hoa của những đội tuyển vốn đậm đặc yếu tố bản địa. Đó thực sự là một tín hiệu đáng mừng và nó sẽ cổ vũ tư duy phát triển một cách ổn định, bền vững ở các nền bóng đá trong khu vực.