Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ chế đặc thù sẽ tạo cú hích và động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hôm nay, 22/10, thảo luận ở tổ về các Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, các đại biểu cơ bản nhất trí ban hành Nghị quyết. Đồng thời kỳ vọng, cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo cú hích và động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương

Thảo luận Tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, các đại biểu cơ bản nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này. Dù vậy, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ một số vấn đề trong dự thảo nghị quyết như: thực hiện cơ chế đặc thù cần tránh làm "phình" ngân sách, đặc biệt tránh việc có cơ chế riêng để tăng các khoản thu trong giai đoạn người dân và doanh nghiệp đang khó khăn vì dịch bệnh.
 Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ 
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) bày tỏ, điều quan trọng là thí điểm tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển như nhau, tạo sự thống nhất trong quản lý của Chính phủ. Đặc biệt là tránh tình trạng sắp tới, các địa phương khác cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù riêng.
Một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn các đặc thù, lợi thế của từng địa phương để tạo đột phá trong phát triển. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Dự thảo Nghị quyết chưa cho thấy sẽ tạo đột phá của các tỉnh, thành phố khi thực hiện; cũng như chưa có sự bao quát, chủ yếu tập trung vào cơ chế ngân sách, chưa có điểm mới để lý giải cho việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Nên tổ chức thí điểm một số chính sách để có những bài học, từ đó rút kinh nghiệm có thể áp dụng chung cho cả nước, giúp phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn về tiêu chí để lựa chọn 4 tỉnh này thí điểm một số cơ chế, mục đích hướng tới của thí điểm là gì? Nếu việc thí điểm hướng tới việc để rút kinh nghiệm, để có cơ chế quản lý phù hợp hơn, mang tầm nhìn xa hơn thì nên thêm các tỉnh thành ở vùng miền khác, để có góc nhìn tổng quát hơn, bao phủ hơn.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, chính sách đưa ra tạo động lực cho địa phương phát triển, nhưng địa phương cũng phải có trách nhiệm trở lại. Theo đại biểu, cần có mục tiêu để đánh giá chính sách tác động đến địa phương, đến cơ sở thế nào và có chế tài trách nhiệm để sau này tổng kết, đánh giá trách nhiệm thuộc về ai phải rõ ràng.
 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh:Quochoi.vn
Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nghị quyết về cơ chế đặc thù nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương này, qua đó tăng đóng góp ngân sách, việc làm và đưa các địa phương này trở thành đầu tàu kéo các tỉnh xung quanh. Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, 4 địa phương nêu trên mong chờ nhất hai vấn đề lớn: Phân cấp đặc quyền cho địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, đồng tình quan điểm đã cho phép cơ chế như thế thì làm sao nghiên cứu kỹ, đầy đủ, phù hợp với điều kiện đặc thù riêng có từng địa phương. “Đặc biệt trong tổ chức thực hiện thế nào phát huy được hết các cơ chế đã trao” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Do đó Bộ sẽ bám sát với địa phương xem các chính sách có phát huy được hết không, đánh giá lại. Cơ chế là để làm sao các địa phương thực hiện chủ động, chứ không được lạm dụng. Cơ chế cho tốt nhưng kết quả lại không tốt thì cũng không được.
 

Tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế nhưng cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Kết quả thí điểm hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá và đưa trở thành cơ chế, chính sách chung cho cả nước và từ đó tiếp tục phát triển pháp luật lên chuẩn cao hơn nữa. Các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo các Nghị quyết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, minh bạch và chặt chẽ.

Với 4 địa phương được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù lần này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Chính trị đều đã có các Nghị quyết riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển. Các Dự thảo Nghị quyết lần này của Quốc hội đều nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Trung ương về các địa phương này.