Cơ chế nào để phát triển?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các chuyên gia giao thông dự báo, nếu không đặt thành chương trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông (UTGT) thì chỉ 5 năm nữa, giao thông đô thị Hà Nội sẽ ùn tắc trên diện rộng.

KTĐT - Các chuyên gia giao thông dự báo, nếu không đặt thành chương trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông (UTGT) thì chỉ 5 năm nữa, giao thông đô thị Hà Nội sẽ ùn tắc trên diện rộng.

Do đó, mục tiêu xây dựng một hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), có sức cạnh tranh, dễ tiếp cận, an toàn và thân thiện với môi trường để người dân tự nguyện chuyển từ việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng là ưu tiên hàng đầu.

Xe buýt vẫn là ưu tiên số 1

Phát triển VTHKCC để giảm áp lực cho giao thông đô thị - "giải pháp" luôn đúng này được đưa ra tại rất nhiều hội thảo, song vấn đề đặt ra là phát triển loại hình VTHKCC nào cho phù hợp với quy hoạch, điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng đô thị, khả năng cung ứng vốn… Theo các chuyên gia về giao thông đô thị, tại Hà Nội, trong khi các dự án VTHKCC bánh sắt chưa được triển khai thì trong các năm tới, tiếp tục duy trì, phát triển và hiện đại hóa hệ thống xe buýt, phát triển thêm các tuyến buýt kế cận liên kết với các đô thị vệ tinh và vùng phụ cận Hà Nội là vấn đề cần được quan tâm nhất hiện nay.

Vài năm trở lại đây, xe buýt đã và đang phát huy được ưu thế của mình. Theo thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội, năm 2009 đã có 385 triệu hành khách đi xe buýt, tăng 5% so với năm trước và tăng gần 26 lần so với 8 năm trước đó; chiếm trên 92% sản lượng vận chuyển của toàn thành phố. Xe buýt đã trở thành thói quen không thiếu được của nhiều người dân, đặc biệt cán bộ hưu trí và học sinh, sinh viên. Ước tính, trung bình mỗi ngày xe buýt vận hành trên 10.000 lượt xe với trên 1 triệu lượt hành khách, hạn chế trên 700.000 lượt xe máy tham gia giao thông trên đường phố.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, cùng với việc phát triển loại hình VTHKCC bằng xe buýt như hiện nay, Hà Nội cần từng bước đa dạng hóa loại hình và phương thức VTHKCC khối lượng lớn, tốc độ nhanh chạy trên các đường dành riêng như buýt nhanh BRT (Hà Nội đang triển khai xây dựng một tuyến BRT bằng vốn WB dự kiến hoàn thành năm 2013).

Ông Nguyễn Phi Thường - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng cho biết, vận tải xe buýt là loại hình vận tải thông dụng nhất trong hệ thống giao thông công cộng (GTCC). Do dễ đầu tư, công nghệ vận hành đơn giản, phát huy tác dụng nhanh và mang lại hiệu quả cao. Cụ thể tổng vốn đầu tư (Xây dựng đường, bãi đỗ, mua sắm phương tiện, trang thiết bị,…) cho một chuyến đi bằng xe buýt nhỏ hơn xe máy 3,3 lần và nhỏ hơn ôtô con 23 lần. Chi phí xã hội cho một chuyến đi bằng xe buýt chỉ bằng 45% so với xe máy và 7,7% so với ôtô con.

Hệ thống đường sắt đô thị sẽ giải bải toán UTGT

Cũng theo ông Nguyễn Phi Thường, một trong những nguyên nhân chính, cốt lõi của UTGT ở Hà Nội chính là vấn đề mất cân đối do tỷ lệ sử dụng phương tiện cá nhân quá cao. Nếu Hà Nội để xe ô tô, xe máy phát triển tự do như hiện nay thì cần 30 - 35% diện tích đất chỉ để mở đường (hiện nay khoảng 6 - 7%). Theo tính toán, mạng xe buýt thông thường ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đi lại. Bởi vậy, để GTCC đáp ứng được 30 - 35% nhu cầu đi lại của Thủ đô thì việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống đường sắt đô thị là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, một đô thị văn minh sẽ không thể thiếu đường sắt đô thị. Do đó cần từng bước xây dựng các tuyến đường sắt đô thị hiện đại với công nghệ phù hợp đồng thời tổ chức tốt việc kết nối các loại hình VTHKCC thông qua các ga đầu mối trung chuyển, các bến xe khách liên tỉnh và cảng khách đường thủy, cảng hàng không…

Việc phát triển các tuyến đường sắt đô thị là yêu cầu tất yếu, nhưng lại đang thiếu vốn đầu tư. Trên thực tế, vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GTCC đặc biệt là với loại hình giao thông bánh sắt chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa có các chính sách thích hợp để thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế. Về hạ tầng, nếu không có một kế hoạch phân kỳ đầu tư có tính khả thi nhất, tạo cơ sở cho phát triển mạng lưới GTCC đặc biệt là xe buýt và xe buýt nhanh là những loại hình GTCC sẽ phát triển gắn liền với các tuyến đường mới mở.

Do đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, điều kiện tiên quyết để phát triển GTCC là cần có cơ chế, chính sách về đất đai ưu tiên, bên cạnh việc quy hoạch đủ quỹ đất đô thị dành cho xây dựng và phát triển hạ tầng. Ngoài ra, còn phải có các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phục vụ cho mục đích GTCC, đặc biệt là ưu đãi cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia VTHKCC.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần