>> Huyện nhận lỗi, Bộ yêu cầu phục hồi nguyên trạng
>> Xử lý vi phạm di tích chùa Trăm gian
Xâm hại nghiêm trọng nhưng không tàn phá
Hơn một tuần qua, sự kiện vi phạm trùng tu tại chùa Trăm Gian đã tạo nên luồng bức xúc lớn trong dư luận. Một số người cho rằng, di tích lịch sử cấp quốc gia với tuổi đời gần một ngàn năm tuổi, có từ thời Lý đã bị phá hoại hoàn toàn. Tuy nhiên, trong cuộc họp chiều qua, lần đầu tiên lên tiếng trước báo chí về sự kiện này, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTT&DL cho rằng: "Tại chùa Trăm Gian có ba hạng mục bị hạ giải vi phạm công tác trùng tu là gác Khánh, nhà Tổ và bậc đá lên sân tiền đường; không phải toàn bộ di tích".
Cho dù chỉ có 3 hạng mục bị xâm hại, bị tàn phá trong tổng thể 3ha khuôn viên di tích chùa Trăm Gian thì Giám đốc Phạm Quang Long cũng phải công nhận rằng: "Hành động tự ý tháo dỡ, dựng mới nhà Tổ và gác Khánh của nhà chùa là hành động xâm hại di tích hết sức nghiêm trọng".
Có cơ sở phục dựng
Sau khi UBND TP Hà Nội nghe Sở VHTT&DL, UBND huyện Chương Mỹ báo cáo về tình hình vi phạm và hướng khắc phục, Viện Bảo tồn di tích Việt Nam đã được mời tham gia thực địa đánh giá hiện trạng phá hủy, tìm hướng khắc phục. Trên cơ sở 2 ngày (29 và 30/8) thực địa tại chùa Trăm Gian, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng: "Về mặt hồ sơ, chúng tôi có nhiều căn cứ để phục dựng. Có hồ sơ từ thời Pháp thuộc, có hồ sơ do nghiên cứu hiện trạng và xây dựng thiết kế cho Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian năm 2010". Bên cạnh đó, tại không gian vi phạm còn rất nhiều cấu kiện quan trọng như: Đấu, cột có mộng, ngói cũ… vẫn còn nguyên, chưa bị phá hủy hoàn toàn. "Mặc dù, cấu trúc của gác Khánh và nhà Tổ đã bị dỡ bỏ, biến mất. Nhưng trên cơ sở của các cấu kiện còn đó, các chuyên gia của Viện có thể cho phép phục hồi đúng kiến trúc của công trình" - ông Vinh khẳng định.
Buổi họp báo kéo dài gần 3 giờ nhưng vẫn chưa có lời giải thích hợp lý về sai phạm tại chùa Trăm Gian.
Song, theo thuật ngữ của bảo tồn di tích, phục hồi nguyên trạng và phục hồi đúng kiến trúc là hoàn toàn khác nhau. Thông thường, qua mỗi lần trùng tu, không bao giờ có thể phục hồi di tích theo nguyên bản như ban đầu. Trong khi đó, gác Khánh và nhà Tổ của chùa Trăm Gian được phá dỡ không đúng quy định, nên công tác phục dựng chỉ có thể theo nghĩa nguyên trạng gần nhất. "Tôi chưa thể trả lời được sẽ phục dựng bao nhiêu phần trăm so với nguyên trạng trước đó. Chúng tôi mới tiến hành các bước khảo sát ban đầu, sẽ còn cả một quá trình như: Thành lập tổ chuyên gia chuyên sâu về kỹ thuật, lên chi tiết đo đạc…" - ông Lê Thành Vinh cho biết.
Theo phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian năm 2010, kinh phí thực hiện ước tính khoảng hơn 16 tỷ đồng. Và theo tính toán ban đầu, sau những sai phạm vừa rồi, kinh phí để phục dựng sẽ còn cao hơn kinh phí ước tính của dự án trước. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Sở VHTT&DL, Sở Kế hoạch & Đầu tư và các đơn vị có liên quan phải bố trí kinh phí, nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và bậc đá lên sân tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa cấu kiện cũ.
Hiện nay, Viện Bảo tồn di tích thuộc Bộ VHTT&DL mới được mời là đơn vị tư vấn, đánh giá các hạng mục đã bị phá hủy và đề ra phương hướng phục hồi, nhưng vẫn chưa có hợp đồng trở thành đơn vị thi công công trình.
Chưa rõ trách nhiệm
Đến nay, lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, việc phá dỡ gác Khánh và nhà Tổ tại chùa Trăm Gian là hành động vi phạm di sản nghiêm trọng. Nhưng sau rất nhiều cuộc họp giải trình, báo cáo tình hình giữa huyện với Sở; Sở với Bộ; huyện, Sở với lãnh đạo TP, các cá nhân và các cơ quan liên quan vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Lúc đầu, lãnh đạo xã Tiên Phương đẩy hoàn toàn trách nhiệm cho nhà chùa nhưng sau một hồi vòng vo, ông Vũ Văn Doãn, Chủ tịch xã Tiên Phương thừa nhận rằng: "Trước ngày 1/6 nhà chùa có xin phép hạ giải, xã còn dùng hệ thống loa đài kêu gọi nhân dân công đức tiền và công sức". Sở VHTT&DL thì cho rằng, năm 2011, Sở đã giao trách nhiệm quản lý di tích cho huyện Chương Mỹ. Ngược lại, ông Vũ Văn Đông, Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ chỉ nhận trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước, quản lý tổng diện tích đất đai của di tích. Và rồi, trước trách nhiệm đánh giá không đúng hiện trạng xuống cấp của chùa Trăm Gian, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả hiện nay. Sở VHTT&DL lại đẩy trách nhiệm cho Sở Kế hoạch & Đầu tư, đơn vị không đưa ra kinh phí phê duyệt cho Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian năm 2010…
Đến nay, ngoài việc đình chỉ chức vụ Trưởng ban quản lý di tích chùa Trăm Gian đối với ông Tống Bá Lương, Phó Chủ tịch xã Tiên Phương theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu; mọi trách nhiệm mới được các cơ quan thừa nhận ở mức thiếu trách nhiệm do ý thức và do nhận thức. "Yêu cầu tạm chịu trách nhiệm thì nhiều mức lắm. Trách nhiệm sẽ thuộc về Ban Quản lý di tích, lãnh đạo xã Tiên Phương, lãnh đạo huyện Chương Mỹ, lãnh đạo và các phòng chức năng liên quan của Sở VHTT&DL… Bằng ấy con người, bằng ấy cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm đến đâu thì phải chờ kết quả của Thanh tra TP Hà Nội" - ông Phạm Quang Long khẳng định.
Như vậy, cho đến nay những sai phạm tại chùa Trăm Gian mới được giải quyết bước đầu. Vấn đề trùng tu di tích như thế nào, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, cơ quan sai phạm ra sao vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình vi phạm tại di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Trăm Gian, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu UBND huyện Chương Mỹ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân (Chủ tịch UBND xã, Thanh tra xây dựng xã) và tập thể UBND xã Tiên Phương; Làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ, Phòng VHTT và các phòng, ban có liên quan của huyện Chương Mỹ vì đã để xảy ra sai phạm tại di tích chùa Trăm Gian, báo cáo UBND TP trước ngày 15/9/2012. |