Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có “điểm tựa” để kỳ vọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đoàn làm phim đã ra mắt, dự án trường quay phim cổ trang Việt Nam (Yên Tử Studio) đã...

Kinhtedothi - Đoàn làm phim đã ra mắt, dự án trường quay phim cổ trang Việt Nam (Yên Tử Studio) đã được phê duyệt, lớp đào tạo các ứng viên tham gia bộ phim "Phật hoàng Trần Nhân Tông" cũng đã khai mạc (hôm 27/8)… Vậy là sau những ngày dài đợi chờ, dự án phim truyền hình lịch sử cổ trang quy mô lớn này đã có thể bấm máy.

Công phu

Có lẽ chưa có một tác phẩm nào được đầu tư công phu và kiên trì như dự án làm phim truyền hình lịch sử cổ trang "Phật hoàng Trần Nhân Tông". Sự công phu và kiên trì không chỉ ở khâu kịch bản, mà "chạy" suốt từ khâu chọn đạo diễn, tuyển diễn viên, cho tới việc tìm bối cảnh cho phim. 

 
Có “điểm tựa” để kỳ vọng - Ảnh 1
Chỉ riêng khâu kịch bản đã phải huy động tới 11 êkíp nhà văn, nhà biên kịch cùng thực hiện đề cương, sau đó mới chọn ra đề cương hay nhất. Sau đó, phải nhờ tới tâm sức của nhiều nhà văn, nhà sử học, biên kịch và cả các nhà nghiên cứu về Phật giáo… góp ý, biên tập. Bởi kịch bản của bộ phim là một chuyển thể kết hợp từ những bộ tiểu thuyết "nặng tay" như "Bão táp triều Trần" (của Hoàng Quốc Hải), "Anh hùng dựng cờ Đông A", "Gươm thiêng Hàm Tử" (của Trần Đại Sĩ), "Người Thăng Long" (của Hà Ân)… Đạo diễn Văn Lượng không giấu ý tưởng của mình: "Chúng tôi xác định kịch bản phim là yếu tố đầu tiên quyết định đến chất lượng một bộ phim, nhất là một bộ phim không lấy thế mạnh là phô diễn kỹ nghệ, kỹ xảo điện ảnh. Đạt được đến độ đẹp giản dị trong văn hóa là đã đạt được đến độ sang quý, tinh tế - đó là đích đến cho một bộ phim về đức Phật Việt".

Khâu tuyển chọn diễn viên cũng kỳ công với chặng đường dọc theo chiều dài đất nước. Sau đó lại mở khóa đào tạo diễn viên phim cổ trang cho những người đã "lọt vào mắt" đạo diễn, rồi mới tuyển chọn lần nữa để có các khuôn mặt ưng ý cho các vai diễn trong phim. Hàng chục cuộc hội thảo chuyên ngành về phục trang thuần Việt đã được mở ra, hàng ngàn đạo cụ theo tinh thần văn hóa Lý - Trần cũng được đặt hàng chế tác… Quả thật, đạo diễn Văn Lượng đã bỏ ra không dưới 4 năm để tìm nguồn kinh phí, tìm nguồn chế tác đạo cụ, phục trang, tìm cả đất để dựng bối cảnh, xây trường quay cho bộ phim. Có lẽ, kinh nghiệm và cả niềm đam mê ấp ủ từ lâu cho một bộ phim cổ trang không thua kém bạn bè trên thế giới đã giúp ông kiên trì và tỉ mỉ đến vậy. Vị đạo diễn đã có trong tay hơn 40 giải thưởng điện ảnh và truyền hình này thừa nhận, ông đã nhiều lần phải gác lại ước muốn làm bộ phim về vua Trần Nhân Tông vì điều kiện điện ảnh trong nước không cho phép. Nhưng nay thì ông đã có thể, vì trường quay phim cổ trang đã ở trong tầm tay.

Tiền đề phát triển phim cổ trang Việt

 Hạng mục lớn nhất và được quan tâm nhiều nhất ở dự án phim "Phật hoàng Trần Nhân Tông" là một trường quay riêng được xây dựng tại Yên Tử. Mừng nhất là công trình được giới trong nghề mong mỏi từng ngày này đã được phê duyệt và đã có chủ đầu tư. Trường quay nằm tại khu vực Bãi Nẫu - một thung lũng được rừng cây xanh bao bọc xung quanh, địa hình rất thuận lợi cho việc xây dựng và dàn dựng các công trình phục vụ bối cảnh làm phim. Người trong nghề đánh giá, mô hình trường quay giống như "Kinh thành Thăng Long thu nhỏ", có đại điện, hậu cung, phủ quan đầu triều và cả những làng quê trù mật từ đồng bằng, đến vùng trung du, miền núi…

Công trình khởi công trong tháng 8 (Âm lịch) và sẽ cơ bản hoàn thành  trong 3 năm tới. Hiện nay, 50 ngôi nhà gỗ thu mua từ nhiều nơi cùng rất nhiều cây lâu năm đã được tập kết về đây. Hạng mục đầu tiên được dựng lên là Khu phố cổ Đại Việt, cổng thành, đại điện - những công trình phục vụ ngay cho phim "Phật hoàng Trần Nhân Tông". Rất nhiều đạo cụ phim cổ trang như đồ gốm thời Lý - Trần, quần áo và đạo cụ cung đình, quân đội, thường dân… cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, vừa phục vụ quay phim, vừa để trang hoàng nội, ngoại thất công trình.

Hết sức tâm đắc, đạo diễn Văn Lượng khẳng định chắc nịch: "Chỉ khi có trường quay thì phim lịch sử cổ trang của ta mới đi vào con đường chuyên nghiệp như các nước tiên tiến đã đi". Không chỉ ông, mà rất nhiều nhà làm phim gạo cội trong nước cũng chung quan điểm ấy. Thế nên, giới làm điện ảnh đang đặt rất nhiều kỳ vọng Studio Yên Tử sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ là "điểm tựa", tạo tiền đề phát triển cho phim cổ trang Việt sau này.