Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cô Diệp của “làng khoa bảng, đất danh hương”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là cách gọi gần gũi mà nhiều thế hệ học trò, người dân làng Yên Hòa dành cho nhà giáo Hoàng Ngọc Diệp (sinh năm 1947), người có đóng góp quan trọng trong việc khơi dậy, phát triển phong trào khuyến học tại làng Yên Hòa (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Từ nhỏ Hoàng Ngọc Diệp đã ước mơ được trở thành cô giáo, sau này, cô gái Hà thành là nữ sinh duy nhất của Hà Nội tham gia thi học sinh giỏi Toán toàn quốc. Kết thúc thời gian tham gia thanh niên xung phong xây dựng kinh tế văn hóa miền núi, cô Diệp về công tác tại trường THCS Yên Hòa, làm tổ trưởng tổ chuyên môn Toán học. Năm 2002, khi về nghỉ hưu, cô Diệp được lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Yên Hòa động viên tham gia lập hội khuyến học các cấp trên địa bàn.
Cô Diệp chia sẻ: “Tại quận Cầu Giấy, chỉ có làng Yên Hòa là làng duy nhất có truyền thống khoa bảng. “Mỗ-La-Canh-Cót là đất tứ danh hương”. Làng Cót xưa (Yên Hòa nay) là một trong 20 làng khoa bảng tiêu biểu của Việt Nam, một trong 5 khoa hương nổi tiếng đất Thăng Long, là quê hương của hàng trăm tiến sĩ, giáo sư, thạc sĩ... với nhiều dòng họ hiếu học. Dòng họ Hoàng có Hoàng Xuân Sính - Nữ tiến sĩ toán học đầu tiên ở Việt Nam, Hoàng Sước - Tiến sĩ vô tuyến điện yêu nước, dòng họ Doãn (nhạc sĩ Doãn Nho), Như Uyên, Nguyễn Đình...”.

 
Cô Diệp của “làng khoa bảng, đất danh hương” - Ảnh 1
Cô còn mong muốn truyền thống hiếu học của người làng Cót được nhân lên mạnh mẽ hơn.
Tự hào với truyền thống khoa cử của mảnh đất Yên Hòa, cô Diệp lại càng đau đáu với nỗi niềm: Làm sao để khơi dậy tinh thần hiếu học của lớp trẻ ngày nay?

Từ sự trăn trở ấy, cô và ông Doãn Long đã dành nhiều thời gian, tâm huyết đến Văn Miếu Quốc Tử Giám tìm lại tư liệu về truyền thống của quê hương để tuyên truyền, vận động đến từng khu dân cư, dòng họ, trường học chung tay giữ gìn, phát huy truyền thống của quê hương.

Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tâm huyết của cô và cộng sự đã có kết quả khi 1.500 cuốn sách “Yên Hòa - Nghìn năm đất danh hương” được xuất bản.

Đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, tuổi già cùng nhiều căn bệnh (tim mạch, thoát vị đĩa đệm) khiến sức khỏe của cô suy giảm đi nhiều. Tuy nhiên, bằng lòng nhiệt tình, trách nhiệm, cô vẫn luôn hết lòng với công việc của địa phương và công tác khuyến học.

Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Chủ tịch Hội Khuyến học phường Yên Hòa cho biết: “Chúng tôi không bao giờ quên hình ảnh cô Diệp với chiếc xe đạp cà tàng, một bên treo lủng lẻo chiếc túi vải đựng tài liệu, giữa trời nắng chang chang, cô vẫn miệt mài tới tận hơn 80 tổ dân phố để thuyết phục mọi người tham gia Hội khuyến học. Có những dòng họ, trưởng họ từ chối nhưng cô vẫn kiên trì đến 5 - 7 lần để mời họ tham gia. Chúng tôi học được ở cô sự giản dị trong lối sống và phong cách làm việc khoa học, nhiệt tình”.

Cô Diệp chia sẻ: “Khi thành lập, Hội chỉ có bộ khung, nhờ chỉ đạo của Đảng ủy, UBND phường mà lập được 8 chi hội đầu tiên”

Khi hội khuyến học phát triển rộng rãi, cô đã đề xuất hình thành các cụm khuyến học, đưa chương trình khuyến học vào từng đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Thanh niên, Người cao tuổi, Chữ thập đỏ...., tổ chức các tiêu chí chấm điểm thi đua để đánh giá công tác thật chuẩn xác, thực chất và động viên phát triển. Với cách tổ chức mềm dẻo, linh hoạt, 5 năm trở lại đây, Hội Khuyến học phường Yên Hòa đã vận động được hơn 2 tỷ đồng để khen thưởng học sinh xuất sắc, giúp đỡ học sinh nghèo, gia đình khó khăn, hàng năm trao quà cho học sinh khuyết tật....

Năm 2005, phường Yên Hòa đã có hơn 50 chi hội khuyến học từ dòng họ, khu dân cư, nhà trường, UBND phường, có những người tham gia 1 - 2 chi hội khuyến học để đóng góp vào sự phát triển tri thức cho thế hệ mai sau. Ngày hội khuyến học cơ sở được tổ chức đều đặn với nhiều hoạt động sôi nổi từ tháng 5, 6, 7. Cuối tháng 8, toàn phường có chung ngày hội khuyến học. Nét đẹp trong phong trào khuyến học của phường Yên Hòa và tấm gương của cô Diệp đã được UBND quận Cầu Giấy, UBND TP Hà Nội ghi nhận bằng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của T.Ư Hội khuyến học Việt Nam giai đoạn 2010-2014.

Điều làm nhà giáo 70 tuổi hạnh phúc hơn cả là truyền thống khoa bảng của làng Yên Hòa đang được phát triển mạnh mẽ. Đã có nhiều học sinh, gia đình, dòng họ hiếu học, nhiều em học sinh trở thành thủ khoa ĐH, đạt Giải vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế...

Cô Diệp cho biết: “Suốt 13 năm tôi công tác hội thì có tới 12 năm không có chế độ phụ cấp nào. Đến nay, có 1 mức phụ cấp duy nhất cho Chủ tịch hội. Tuy nhiên, tôi và mọi người vẫn lạc quan. Bởi mọi thành viên trong hội luôn tâm niệm, đây là việc làm tốt, có tâm, có đức, cống hiến với đời, vì sự nghiệp trồng người.”